Ung thư xoang mặt: Cách nhận biết, nguyên nhân và những lưu ý

24-01-2022 15:15 | Ung thư
google news

SKĐS -Ung thư các xoang mặt chỉ những thương tổn ở vùng mũi, xoang, hàm mặt. Trong các xoang mặt như xoang sàng trước và sau, xoang hàm, xoang bướm, xoang trán… ung thư hay gặp nhất là xoang sàng, xoang hàm. Khi một trong hai xoang bị ung thư thì dễ có sự xâm lấn ung thư vào xoang lân cận…

1.Tổng quan ung thư xoang mặt

Ung thư xoang mặt là bệnh thường ung thư xuất phát từ các xoang mặt gồm: xoang hàm, xoang sàng trước, xoang sàng sau, xoang trán và xoang bướm, trong đó hay gặp ung thư xoang hàm và xoang sàng. Hai xoang này liên quan mật thiết với nhau nên khi bị tổn thương dễ lan sang các xoang lân cận.

Bệnh nhân thường đến khám ở giai đoạn muộn, khi cả hai xoang bị tổn thương nên gọi chung là ung thư sàng hàm. Chẩn đoán sớm ung thư sàng hàm rất khó, do đặc điểm cấu trúc giải phẫu phức tạp. Vùng này liên quan đến nhiều cơ quan khác như ổ mắt, hốc mũi, nền sọ nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn, gây tổn thương đến chức năng sinh lý của các cơ quan này.

Ung thư xoang mặt: Cách nhận biết, nguyên nhân và những lưu ý - Ảnh 1.

Hình ảnh các xoang.

2.Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ ung thư xoang mặt

Hiện tại, nguyên nhân gây ung thư xoang mặt chưa được rõ, các nghiên cứu thường thấy nhiều bệnh nhân ung thư xoang thường có tiền sử viêm nhiễm mạn tính tại chỗ kéo dài gây ra kích thích tổn thương niêm mạc vùng mũi xoang, nhất là viêm mãn tính thoái hóa polyp liên quan tới ung thư sàng hàm. Và nhiều người bệnh mắc ung thư xoang thường được tìm thấy khi một người đang điều trị bệnh xoang, chẳng hạn như viêm xoang.

Các nhà khoa học đều đồng ý rằng các yếu tố nguy cơ ung thư xoang trong đó bệnh gặp nhiều ở nam giới, trên 40 tuổi. Những người người tiếp xúc môi trường có hoá chất độc hại, ô nhiễm như: nghề mộc, làm việc trong môi trường có chất Nickel, Amiante, nghề thuộc da đóng giầy cũng gây ung thư sàng hàm.

Ngoài ra, các yếu tố kích hoạt làm tăng đáng kể nguy cơ của một người khi phát triển ung thư xoang cạnh mũi, đó là người nghiện hút thuốc lá, uống rượu thường xuyên. Các nghiên cứu cho rằng sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với ung thư đầu và cổ.

Có đến 85% bệnh ung thư đầu và cổ có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Khói thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư đầu và cổ của một người. Và tương tự, nghiện rượu thường xuyên và nặng cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư đầu và cổ.

3.Dấu hiệu nhận biết ung thư xoang mặt

Tuỳ từng vị trí của khối u mà các biểu hiện của ung thư xoang mặt có các triệu chứng khác nhau:

- Nếu các khối u ở vùng xoang sàng: bao gồm sàng trước và sàng sau. Ung thư xoang sàng trước thường lan vào xoang trán, xoang bướm. Ung thư xoang sàng sau lan vào màng não cứng và não.

- Nếu ung thư của xoang hàm: tổn thương xuất phát từ xoang hàm và vách của xoang.

- Nếu ung thư xuất phát từ ổ răng của xương hàm trên. Nếu người bệnh mắc ung thư ở các xoang trên sẽ có biểu hiện tổn thương sau:

  • Tại mắt: người bệnh sẽ có biểu hiện chảy nước mắt, phù nề mi mắt. Viêm kết mạc, viêm tuyến lệ, giảm thị lực. Lác mắt, sụp mi mắt, đau nhức hốc mắt. Nhãn cầu bị đẩy lồi ra ngoài hoặc ra trước.
  • Tại mũi xoang: Người bệnh sẽ có các biểu hiện ngạt, tắc mũi. Chảy mủ, chảy máu mũi. Giảm và mất khứu giác. Đau nhức vùng mũi xoang. Mất rãnh mũi má. U sùi lan rộng trong hốc mũi, xoang.
  • Tại miệng: Người bệnh sẽ có các biểu hiện tổn thương ở lợi môi. Sùi loét ở vùng chân răng hàm trên.

‎- Ngoài ra người bệnh còn có các biểu hiện nhức đầu âm ỉ, không thành cơn. Tê bì nửa mặt do tổn thương dây thần kinh số V. Liệt các dây thần kinh sọ não.

‎- Nếu khối u ở giai đoạn đoạn muộn, khối u lan tràn ra phía sau, về phía vòm khẩu cái mềm, đẩy phồng màn hầu. Lan tràn về phía hố chân bướm hàm gây khít hàm.

‎- Khi các khối u ở giai đoạn muộn có thể lan tràn ra cả 3 tầng. Ung thư sàng hàm ít di căn đến hạch và khi di căn hạch thì thường là giai đoạn muộn. Và di căn xa thường vào phổi và xương.

Như vậy, nếu thấy các dấu hiệu gợi ý bất thường liên quan đến xoang, mũi, họng, miệng,… cần tới cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và tư vấn bao gồm:

- Các biểu hiện phổ biến nên xem xét liên quan đến ung thư xoang bao gồm: Nghẹt mũi, nghẹt mũi và nghẹt mũi kéo dài. Khi tái phát bệnh xoang liên tục, dùng thuốc không giảm, nhức đầu thường xuyên hoặc đau ở vùng xoang…. Cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Ngoài ra, khi có các biểu hiện đau hoặc sưng ở mặt, mắt hoặc tai, một mắt mờ đột ngột hoặc mất thị lực, giảm khứu giác, thấy u trên mặt, mũi hoặc bên trong miệng, chảy máu cam thường chảy máu cam, sụt cân không có nguyên nhân…. Thì cũng cần tới ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và tư vấn cụ thể.

Ung thư xoang mặt: Cách nhận biết, nguyên nhân và những lưu ý - Ảnh 3.

Hình ảnh khối u ở xoang mặt

4.Chẩn đoán ung thư xoang mặt

Sau khi khám và đánh giá để xác định ung thư xoang mặt các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:

-Nội soi mũi xoang để phát hiện những ung thư xoang mặt từ giai đoạn sớm. Khi có tổn thương nghi ngờ phải làm sinh thiết khối u.

-Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa, điện tim… đánh giá tình trạng toàn thân. Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u, xét nghiệm sinh học phân tử.

-Chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)…để được tổn thương phần mềm, ranh giới, tỷ trọng của khối u, nhất là sự xâm lấn của u ra tổ chức xung quanh và đánh giá các giai đoạn của ung thư.

- Ngoài ra các bác sĩ sẽ chỉ định các chẩn đoán như: Xạ hình xương , xạ hình thận, chụp PET/CT trước điều trị để chẩn đoán u nguyên, lập kế hoạch xạ trị.

- Chẩn đoán tế bào - giải phẫu bệnh lý cũng sẽ được các bác sĩ chỉ định đối với bệnh nhân có di căn nhằm quyết định cho chẩn đoán và điều trị.

Theo nghiên cứu khối u loại biểu mô chiếm từ 80-90% gồm có các loại:

  • Ung thư biểu mô vảy: loại này chiếm tới 60% các trường hợp của biểu mô, hay gặp ung thư xuất phát từ xoang hàm.
  • Ung thư biểu mô tuyến: hay gặp ở xoang sàng.
  • ‎Ung thư biểu mô trụ: loại này tiến triển chậm.
  • ‎Ung thư tế bào thần kinh khứu giác.
  • ‎Ung thư tế bào chuyển tiếp.
  • ‎Khối u không thuộc loại biểu mô: Sarcome phần mềm: Rhabdomyosarcome, angiosarcome. Sarcome tổ chức liên kết: Sarcome sụn, sarcome xương. Lymphoma: Hodgkin và non-Hodgkin lymphoma.
  • ‎Khối u di căn xa.

‎Chính vì vậy cần phân biệt ung thư xoang mặt và các ung thư khác như:

  • Viêm xoang mạn tính
  • U nhú (papillome)
  • Các loại u nang ( u nang nhầy xoang hàm, u nang do răng).
  • Ung thư vòm họng
  • Các loại khối u khác ( u có nguồn gốc của da, tuyến lệ...)….

‎5. Điều trị ung thư xoang mặt

Cũng như các phương pháp điều trị ung thư khác, ung thư xoang mặt là điều trị đa mô thức. Trong đó phương pháp điều trị chủ yếu phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Hầu hết phải phối hợp cả 3 phương pháp này.

Phẫu thuật là phương pháp chọn lựa cho hầu hết các khối u ác tính ở vùng này khi còn chỉ định. Xạ trị đóng vai trò điều trị tân bổ trợ trước phẫu thuật hoặc bổ trợ sau phẫu thuật hoặc xạ trị triệu chứng. Hóa trị đóng vai trò điều trị tân bổ trợ, điều trị bổ trợ hoặc điều trị triệu chứng.

‎Phương pháp điều trị chủ yếu, phụ thuộc vào vị trí của khối u, kích thước khối u. Khi khối u còn khu trú thì phẫu thuật rộng lấy bỏ tổn thương. Khi khối u lan rộng cần phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi vùng tổn thương.

‎Một số trường hợp khối u tầng trên hoặc tầng giữa đã lan tràn nhiều vào hốc mắt đòi hỏi phải nạo vét hốc mắt, như vậy phải phối hợp thêm phẫu thuật chuyên khoa mắt và phẫu thuật tạo hình.

Tóm lại: Ung thư xoang mặt không phổ biến như các ung thư khác nhưng với biểu hiện không rõ ràng dễ nhầm với bệnh mũi xoang thông thường. Bởi vậy nếu có các biểu hiện nghi ngờ cần tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thế. Nếu ở giai đoạn sớm tình trạng ung thư xoang sẽ điều trị hiệu quả.

Để phòng ung thư xoang mặt việc hạn chế các yếu tố nguy cơ như: không hút thuốc lá, uống rượu... và khi tiếp xúc với môi trường khói bụi, hoá chất độc hại cần mang khẩu trang.

Do tiên lượng bệnh phụ thuộc vào từng cá nhân, giai đoạn bệnh, do đó việc tiên lượng cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sau điều trị người bệnh cần tuân thủ ý kiến của bác sĩ, theo dõi định kỳ cần khám lại 3-6 tháng/lần trong 3 năm đầu. Những năm tiếp theo 6-12 tháng/lần.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Khô mũi - Triệu chứng của COVID-19 hay bệnh nhiễm trùng đường hô hấp


BS Nguyễn Thị Bích
Ý kiến của bạn