Hà Nội

Ung thư vùng đầu - cổ: thực tế đáng báo động và cảnh giác

02-06-2010 10:04 | Y học 360
google news

UTĐC là loại ung thư (UT) khá phổ biến và chiếm khoảng10% trong tổng số các loại bệnh UT. Ở nước ta, trong số 150.000 người mắc bệnh UT mới phát hiện, chẩn đoán mỗi năm, có khoảng 15.000 ca UTĐC.

Ung thư vùng đầu - cổ (UTĐC) là một thực tế báo động

Đầu - mặt - cổ là vùng có nhiều cơ quan trọng yếu: não bộ ở bên trong, các giác quan như: mắt (thị giác), tai (thính giác), lưỡi (vị giác), mũi (khứu giác). Vùng đầu - cổ còn là ngã tư của đường ăn uống, đường thở… và là cửa ngõ đi vào cơ thể. Do vậy, vùng đầu - cổ tiếp xúc thường xuyên và hứng chịu nhiều loại bệnh khác nhau, từ những bệnh viêm nhiễm cho đến các khối u lành tính hay ác tính.

 Khám tuyến giáp.
UTĐC là loại ung thư (UT) khá phổ biến và chiếm khoảng10% trong tổng số các loại bệnh UT. Ở nước ta, trong số 150.000 người mắc bệnh UT mới phát hiện, chẩn đoán mỗi năm, có khoảng 15.000 ca UTĐC. Đặc biệt: hầu hết ở giai đoạn trễ (tổn thương UT to lan rộng, xâm lấn các cơ quan lận cận và việc điều trị dài ngày, phức tạp, tiêu tốn nhiều nhưng kết quả rất kém (chỉ có khoảng 20 - 25% người bệnh sống thêm 5 năm sau điều trị).

Đây là dạng UT hay gặp ở độ tuổi 50 - 60, số người đàn ông mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ. Một số thói quen xấu làm gia tăng nguy cơ UTĐC đã được y học xác định như: nghiện hút thuốc lá, uống rượu, thói quen ăn trầu xỉa thuốc, vệ sinh răng miệng kém…

Các dạng UTĐC thường gặp

Rất đa dạng, phức tạp và tùy theo vị trí cơ quan:

- Họng miệng: UT môi, UT lưỡi, UT lợi hàm, UT amiđan, UT khẩu cái.

- Mũi: UT hốc mũi, UT vòm mũi họng (còn có tên UT vòm hầu).

- Họng: UT hạ họng, UT thanh quản.

- Mắt: UT hốc mắt, UT mi mắt, UT tuyến lệ.

- Tuyến nước bọt: UT tuyến mang tai, UT tuyến dưới hàm.

- Tuyến giáp: UT tuyến giáp.

Một số triệu chứng báo động

UTĐC thường khởi đầu là một vài dấu chứng thông thường, không có gì nổi bật như: nghẹt mũi, ù tai, nhức đầu, nuốt có cảm giác hơi đau, khàn tiếng, đau họng, rát lưỡi... Người đàn ông có tuổi, có thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu hoặc phụ nữ trên 60 tuổi thường nhai trầu, xỉa thuốc... cần cảnh giác khi các triệu chứng nêu trên kéo dài hoặc tái đi tái lại, chủ yếu xảy ra ở một bên, không có đáp ứng với các điều trị chống viêm nhiễm thông thường (kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau...).

 Bướu giáp.
Một số triệu chứng báo động thường gặp: nuốt khó, nuốt đau; một vết loét không lành ở bờ lưỡi hay sàn miệng gây đau và chảy máu; đau họng, nuốt khó ở một bên, lan lên tai; nghẹt mũi, chảy máu mũi một bên kéo dài; khàn giọng kéo dài 3 tuần lễ; hạch cổ một bên ngày càng to, không đau.

Người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng, răng hàm mặt, ung bướu để được thăm khám và xác định bệnh.

Chẩn đoán và điều trị UTĐC

Việc định bệnh chủ yếu dựa vào: thăm khám lâm sàng, hình ảnh y khoa (chụp X-quang, chụp CT scan, chụp MRI, siêu âm...), nhất là nội soi bằng ống soi mềm và sinh thiết khối u. Kết quả mô bệnh học cho thấy: khoảng 90% các tổn thương UTĐC thuộc nhóm carcinoma biệt hóa hoặc không biệt hóa, có đặc tính xâm lấn mạnh đến mạch máu, các cơ quan lân cận, di căn hạch và về sau di căn xa đến phổi, gan, xương, não...

Kế hoạch điều trị UTĐC tùy theo tuổi, vị trí tổn thương, giai đoạn bệnh:

- Ở giai đoạn sớm, tổn thương nhỏ, cò khu trú tại chỗ: phẫu trị cắt bỏ tổn thương rộng và tạo hình là quan trọng. Đôi khi kết hợp với xạ trị bổ túc sau mổ. Kết quả điều trị có thể đạt 95%.

- Ở giai đoạn trễ, tổn thương lớn dính vào các mô xung quanh hoặc có di căn hạch, di căn xa: xạ trị và hóa trị có vai trò cần thiết. Kết quả điều trị kém.

Thuốc mới thuộc nhóm liệu pháp nhắm trúng đích như Bevacizumab (Avastin) với tác dụng chống sự tăng sinh mạch ở khối u, khi dùng kết hợp hóa và xạ trị có cải thiện phần nào thời gian sống thêm cho người bệnh UTĐC giai đoạn muộn.

Thái độ cảnh giác nhưng không hốt hoảng

Người ở độ tuổi 50 - 60, thuộc nhóm có nguy cơ bị UTĐC (nghiện rượu, hút thuốc lá, nhai trầu xỉa thuốc, vệ sinh răng miệng kém...) cần hết sức cảnh giác các triệu chứng báo động nêu trên. Lý do: phát hiện chẩn đoán UTĐC ở giai đoạn sớm thì điều trị có hiệu quả, ít tốn kém và ít tổn hại cho cơ thể. Thái độ nên cảnh giác nhưng không hốt hoảng khi bạn hay người thân được BS thông báo về tình trạng bệnh, cách chữa trị... Cần bình tĩnh chấp nhận thực tế và hợp tác cùng các BS để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất. Trên thực tế, một số bệnh nhân UTĐC giai đoạn sớm đã rất hài lòng với chất lượng cuộc sống sau điều trị UT. Ngược lại, hốt hoảng thường dẫn đến né tránh đi khám bệnh, chần chừ chữa trị khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Người bệnh sẽ khổ sở vì các triệu chứng do UT tiến triển di căn xa và đau đớn nhiều hơn.

Biện pháp phòng ngừa UTĐC

UTĐC có thể phòng ngừa được bằng cách: sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu, chú ý vệ sinh răng miệng tốt, nên ăn thêm rau xanh, trái cây tươi. Thói quen nhai trầu, xỉa thuốc cũng nên hạn chế tối đa ở chị em phụ nữ. Cần biết: nam giới vừa hút thuốc lá và uống rượu có nguy cơ bị UT họng miệng cao gấp 27 lần so với không hút thuốc, không uống rượu.

Cần khám họng miệng và tầm soát UT hàng năm ở người trên 50 tuổi, có nguy cơ.

Một số nước tiên tiến trên thế giới đang nghiên cứu thử nghiệm tác dụng phòng ngừa UTĐC của thuốc tiêm chủng ngừa HPV.

Nên đi khám ngay khi phát hiện các triệu chứng báo động UTĐC ở các cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng hoặc ung bướu.

BS. TRẦN CHÁNH KHƯƠNG


Ý kiến của bạn