Nếu phát hiện ung thư vú muộn, khi đó tiên lượng điều trị là rất hạn chế mặc dù phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau, với quá trình điều trị lâu dài, phức tạp. Điều này không những gây ra sự mệt mỏi mà còn tốn kém tiền bạc cho bệnh nhân và gia đình.
Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là sự hình thành khối u ác tính từ tế bào vú. Khối u có thể phát triển từ ống dẫn sữa hoặc từ tuyến sữa (lobules). Khi khối u chỉ khu trú ở ống dẫn sữa và tuyến sữa thì gọi là ung thư vú không xâm lấn (non-invasive); nhưng nếu nó đã lan sang các mô xung quanh thì gọi là ung thư vú xâm lấn (invasive).
Ai hay bị ung thư vú?
Ung thư vú chủ yếu xuất hiện ở nữ giới, ở nam chỉ gặp khoảng 1% trong tổng số ca ung thư vú. Ung thư vú có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, tuy nhiên tuổi càng trẻ thì khả năng gặp càng ít. Dưới 40 tuổi tỉ lệ mắc chỉ khoảng 5%, tỉ lệ này bắt đầu tăng mạnh từ tuổi 45. Đa số các trường hợp ung thư vú gặp ở tuổi trên 50 (chiếm 80%) trong đó lứa tuổi 50-69 chiếm khoảng 50% tổng số ung thư vú.
Nguy cơ bị ung thư vú theo tuổi như sau (nghĩa là xác xuất có thể mắc của một người ở lứa tuổi đó):
· Dưới 29 tuổi: nguy cơ mắc là 1/2.000
· Dưới 39 tuổi là 1/215
· Dưới 49 tuổi là 1/50
· Dưới 59 tuổi là 1/22
· Dưới 69 tuổi là 1/33
· Nguy cơ chung cho 1 phụ nữ trong cả cuộc đời là 1/8
Như vậy, từ 45 tuổi khả năng bị mắc ung thư vú rất cao, do đó phụ nữ nên đi khám sàng lọc để phát hiện sớm ung thư vú – yếu tố quyết định cho tiên lượng điều trị.
Nguyên nhân bị ung thư vú
Ung thư vú thường hình thành do sự biến đổi của gen (là những “lỗi” trong cấu trúc gen). Chỉ có 5-10% trường hợp mang “gen lỗi” từ cha, mẹ; còn lại 85-90% là do biến đổi gen theo tuổi tác.
Hiện nay người ta biết đến các gen có thể gây ung thư hoặc làm tăng nguy cơ gây ung thư vú đó là TP53, PTEN, BRCA1 và BRCA2. Nếu một người có gen BRCA1 hoặc BRCA2 thì nguy cơ bị ung thư vú trước tuổi 80 sẽ dao động từ 45 đến 90%.
Ngoài gen ra thì các yếu tố nguy cơ cũng góp phần làm tăng hay giảm khả năng bị mắc ung thư vú.
Người ta chia ra 2 loại yếu tố nguy cơ, đó là: (1) loại có thể kiểm soát được và (2) loại không thể kiểm soát được.
Những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được bao gồm:
- Cân nặng: thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt với phụ nữ ở tuổi mạn kinh. Khi hết kinh, buồng trứng không sản xuất hormone nữa, lượng mỡ trong cơ thể sẽ là nguồn estrogen chính. Như vậy, càng thừa nhiều mỡ thì lượng estrogen càng cao, nguy cơ ung thư vú theo đó càng tăng.
- Khẩu phần ăn uống: khẩu phần ăn uống có liên quan đến nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư vú. Nên hạn chế ăn thịt động vật màu đỏ và mỡ động vật (bao gồm cả chất béo từ bơ, sữa, kem) vì những đồ ăn này có thể chưa hormone, yếu tố tăng trưởng, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Các chuyên gia khuyến cáo nên ăn thực phẩm ít béo như ăn nhiều rau, quả.
- Vận động thể lực: vận động thể lực đã được chứng minh là giảm khả năng mắc ung thư. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo nên tập thể dục, vận động 45-60 phút/ngày, trong 5-7 ngày/tuần.
- Uống rượu: ung thư vú có liên quan đến uống rượu. Đối với những người phụ nữ uống nhiều rượu thì khả năng mắc ung thư vú cao hơn. Vì rượu có thể hạn chế khả năng kiểm soát hormone estrogen trong máu, do đó làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Hút thuốc lá: những người hút thuốc lá thì khả năng bị ung thư vú tăng lên.
- Sử dụng estrogen: sử dụng thuốc tránh thai đơn thuần estrogen trong thời gian dài, không ngắt quãng sẽ có nguy cơ cao bị ung thư vú. Do đó, nên phối hợp sử dụng loại thuốc kết hợp (estrogen và progesterone) và theo chỉ định của bác sỹ.
- Căng thẳng và lo âu (Stress and anxiety): chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về mối liên quan giữa ung thư vú và căng thẳng, lo âu. Tuy nhiên, càng giảm được những vấn đề này thì càng làm tăng niềm vui, sự phấn khích thì sẽ làm tăng chất lượng cho cuộc sống. Các giải pháp cải thiện tin thần như thiền, yoga, cầu nguyên … cũng nên được khuyến khích vì có thể làm tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể.
Những yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát được:
- Giới: phụ nữ có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn nam giới do sự thay đổi thường xuyên lượng hormone estrogen và progesterone ở nữ, tác động lên các tế bào vú, làm cho các tế bào này cũng bị thay đổi liên tục à tăng nguy cơ ung thư.
- Tuổi: Dưới 40 tuổi, tỉ lệ ung thư vú ở phụ nữ chỉ có 5%, bắt đầu tăng mạnh từ 45 tuổi, chiếm nhiều nhất ở tuổi 50-69 (50%)
- Yếu tố gia đình: phụ nữ có họ hàng cấp 1 (mẹ, con gái, chị, em gái) bị ung thư vú thì nguy cơ bị ung thư vú tăng lên gấp 2 lần.
- Tiền sửa bản thân bị ung thư vú: khả năng bị ung thư vú bên kia hoặc tái phát cũng cao hơn nếu không bị mắc.
- Chủng tộc: Phụ nữ da trắng (như Châu Âu) có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn phụ nữ châu Mỹ la tinh, hay châu á …
- Điều trị tia xạ vùng ngực: trẻ em hoặc người trẻ điều trị một căn bệnh ung thư khác ở vùng ngực bằng chiếu tia xạ thì sẽ có nguy cơ cao bị ung thư vú; đặc biệt trong giai đoạn vú đang phát triển (tuổi dậy thì, vị thành niên).
- Biến đổi tế bào vú: đối với những người có tổn thương loạn sản, dị sản ở vú sẽ dễ có khả năng phát triển thành ung thư vú.
- Lượng estrogen trong cơ thể:
* Có kinh sớm (trước 12 tuổi)
* Mạn kinh muộn (sau 55 tuổi)
* “Nhiễm” estrogen từ bên ngoài, ví dụ ăn thịt có chứa hormone estrogen, hay thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu DDT – thuốc này khi phân hủy trong cơ thể sẽ tạo ra một chất giống estrogen (estrogen-like).
- Có thai và nuôi con bằng sữa mẹ: hai sự kiện này sẽ làm giảm số chu kỳ kinh nguyệt trong cuộc đời người phụ nữ à giảm khả năng mắc ung thư vú.
- Sử dụng DES: phụ nữ sử dụng diethylstilbestrol (DES) để tránh xảy thai trong những năm 1040 – 1960 thì cũng có nguy cơ cao bị ung thư vú. Phụ nữ mà có mẹ dùng thuốc này khi mang thai thì cũng có nguy cơ ung thư vú cao hơn.