Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất của phụ nữ trên toàn thế giới. Tỷ lệ mắc ung thư vú ngày càng gia tăng do các yếu tố về môi trường, di truyền, chế độ ăn và nội tiết.
Tuy nhiên tỉ lệ tử vong đã được giữ ổn định nhờ các thành tựu đạt được trong sàng lọc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 12.000 người mắc mới mỗi năm.
Theo Báo cáo ghi nhận ung thư toàn cầu Globocan 2020, tại Việt Nam, trong số ung thư ở nữ, số người mới mắc ung thư vú đứng hàng thứ nhất, với 21.555 người...
1- Nguyên nhân gây bệnh ung thư vú
Cho đến thời điểm hiện nay, nguyên nhân gây ung thư vú còn chưa rõ ràng, vì thế việc phòng ngừa còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra những yếu tố nguy cơ gây ung thư vú:
- Yếu tố nội tiết:
- Nồng độ Estrogen nội sinh ở những phụ nữ bị ung thư vú cao hơn so với những người không bị ung thư.
- Điều trị nội tiết có hiệu quả đối với những bệnh nhân ung thư vú có thụ thể estrogen dương tính
- Tỷ lệ ung thư vú gặp ở đàn ông rất thấp (<1% trong tổng số ung thư vú ở cả hai giới).
- Những người có kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn đều có nguy cơ ung thư vú cao hơn.
- Tiền sử kinh nguyệt và sinh sản:
- Những người có kinh lần đầu trước 13 tuổi và mãn kinh sau 55 tuổi đều có nguy cơ ung thư cao gấp 2 lần so với những người có kinh lần đầu từ 13 tuổi trở lên và mãn kinh trước 45 tuổi.
- Phụ nữ chưa sinh đẻ lần nào, phụ nữ có thai lần đầu trên 30 tuổi, phụ nữ dưới 18 tuổi hoặc trên 30 tuổi có phá thai sử dụng thuốc kích thích: đều tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
- Hormon tránh thai:
Những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai liên tục kéo dài hoặc điều trị hormon thay thế sau mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú
- Tiền sử gia đình:
Những người có mẹ, chị, em gái, con gái mắc ung thư vú thì bản thân có nguy cơ cao hơn những người không có tiền sử gia đình.
- Yếu tố do gen:
Có một số gen gây tăng nguy cơ ung thư vú nhưng ở các mức độ khác nhau, gồm: Gen BRCA 1, 2, 3; gen p53, gen thụ thể androgen.
- Tuổi:
Trước đây ung thư vú thường gặp ở lứa tuổi 45 - 55 tuổi. Giờ đây độ tuổi mắc ung thư vú ngày càng trẻ hóa
- Ảnh hưởng của phóng xạ:
Gặp tỷ lệ ung thư vú cao hơn ở những người được điều trị bằng tia xạ, những người chịu tác động của vụ nổ bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki.
- Các yếu tố về hình thái học
- Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng: ăn nhiều chất béo bão hòa, thừa cân béo phì đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
- Sử dụng thuốc chống trầm cảm (Paroxetine)
- Thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
2- Một số dấu hiệu giúp nhận biết ung thư vú
Ung thư vú ở giai đoạn đầu thường không gây đau đớn và có thể không có triệu chứng gì. Các chị em có thể không nhận thấy các triệu chứng ung thư, hoặc có thể bỏ qua, cho rằng chúng ít nghiêm trọng. Nhưng khi các triệu chứng dưới đây kéo dài hơn hai tuần, chúng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vú:
- Có cảm giác đau tức ở vú: Đau cả trong những ngày ngoài chu kỳ kinh nguyệt. Quan sát thấy một phần hoặc toàn bộ vú to lên bất thường
- Nổi u cục ở vú: Thấy u cục nổi ở trong vú giống như những viên sỏi nhỏ. Đôi khi thấy xuất hiện hạch ở hố nách
- Thay đổi ở da: Thường gặp nhất là da bị dính, có dạng như "lúm đồng tiền"
- Thay đổi hình dạng đầu núm vú: Khi khối ung thư xâm lấn gây co kéo đầu vú nên xuất hiện tình trạng lệch đầu vú, đầu vú teo và lõm xuống, hai đầu vú không cân đối.
- Chảy dịch ở núm vú, có thể dịch có máu
- Đau ở vai, lưng trên hoặc cổ: Ở một số phụ nữ mắc ung thư vú, họ cảm thấy đau ở lưng hay vai chứ không phải ở ngực hoặc vú. Cơn đau thường xảy ra ở phần lưng trên hoặc giữa 2 bả vai, dễ bị nhầm lẫn với tổn thương dây chằng, viêm xương khớp.
- Vú bị đỏ và sưng: Nhiều người trải qua các triệu chứng như ngực nóng, hay ửng đỏ (thậm chí có màu tím), sưng đau… thường chỉ nghĩ đơn giản là nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm vú. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu của ung thư vú viêm.
3- Chẩn đoán ung thư vú
Quan trọng nhất là dựa vào khám lâm sàng, chụp nhũ ảnh và xét nghiệm tế bào khối u. Ngoài ra còn một số phương pháp khác hỗ trợ cho chẩn đoán như: siêu âm tuyến vú, sinh thiết kim vú, chụp MRI tuyến vú…
4- Điều trị ung thư vú
Điều trị ung thư vú tùy thuộc vào giai đoạn bệnh có thể áp dụng các chiến lược điều trị khác nhau. Các phương pháp cơ bản trong điều trị là phẫu thuật, bên cạnh đó có xạ trị và hóa trị liệu.
Ngoài ra, các trường hợp có thụ thể hormone dương tính có thể áp dụng hormone trị liệu, phương pháp điều trị đích.
5- Tại sao phụ nữ cần đi tầm soát ung thư vú càng sớm càng tốt và độ tuổi nào nên tầm soát?
Ung thư vú chính là kẻ giết người thầm lặng. Hiện nay còn nhiều người thường không quan tâm đến sức khỏe của mình dẫn đến khi phát hiện ra bệnh đều vào giai đoạn muộn. Từ đó rất khó điều trị và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bệnh nhân ung thư.
Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời khả năng chữa lành bệnh là rất cao. Bệnh nhân có thể sống trên 5 năm là khoảng hơn 90%. Tuy nhiên nếu bệnh nhân phát hiện khi bệnh ở giai đoạn cuối nếu có điều trị bệnh thì cơ hội sống thêm 5 năm là rất thấp, khoảng 20%.
Vì vậy mọi người cần trang bị thêm cho bản thân những kiến thức về bệnh ung thư vú như: dấu hiệu nhận biết ung thư vú sớm, phòng ngừa ung thư vú, cách tự khám vú... để có thể phát hiện bệnh sớm và có liệu pháp can thiệp kịp thời để không bỏ lỡ mất cơ hội vàng chữa bệnh.
Đồng thời hãy tầm soát ung thư vú càng sớm càng tốt. Phụ nữ từ 20 - 40 tuổi và trên 60 tuổi nên khám sàng lọc ung thư vú định kỳ mỗi năm 1 lần. Phụ nữ từ 40 – 60 tuổi nên tầm soát ung thư vú 1 năm 2 lần.