TS.BS Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông từng thăm khám và điều trị cho bệnh nhân mắc ung thư vú khi mới 18 tuổi. Bệnh nhân được mẹ đưa tới khám khi xuất hiện khối u cũng khá lớn nhưng rất may giai đoạn bệnh chưa quá muộn. Nhưng cũng có nhiều trường hợp trẻ tuổi đến viện thăm khám khi chẩn đoán thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, u to, đã di căn hạch.
Mới đây, tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, cũng đã tiếp nhận một nữ sinh viên, quê ở Hà Nam nhập viện ở giai đoạn cuối ung thư vú, với khối u lớn hơn 10cm.
Theo TS. Thái, sau khi được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn muộn, bệnh nhân đã suy sụp tinh thần, cho dù thể trạng trước khi phát hiện bệnh rất bình thường.
"Ở tuổi 21, nữ sinh viên là một trong những bệnh nhân rất trẻ mắc ung thư vú được phát hiện và điều trị tại đây. Điều khiến các bác sĩ vô cùng tiếc nuối là bệnh nhân nhập viện khi khối u kích thước rất to gần 10cm, có di căn hạch nách, chẩn đoán giai đoạn muộn", TS. Thái nói.
Chia sẻ về điều trị, theo TS. Thái, trường hợp này được xác định ung thư vú nhưng rất tiếc là không còn chỉ định phẫu thuật được nữa, phải dùng thuốc toàn thân, hóa chất kết hợp với điều trị đích để hạ thấp giai đoạn sau đó mới tính đến phẫu thuật.
Cần sáng lọc sớm và phát hiện bất thường ở vú
Theo TS. Thái, hiện nay tỉ lệ khám sức khỏe định kỳ ở Việt Nam khá thấp, đặc biệt trên nhóm đối tượng trẻ, bởi suy nghĩ trẻ thì ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư vú có xu hướng trẻ hóa, có bệnh nhân khoảng ngoài 20 tuổi đã mắc ung thư vú. Để phòng tránh ung thư vú, việc khám sàng lọc đóng vai trò rất quan trọng.
Để tầm soát ung thư vú, chúng ta chỉ cần làm những xét nghiệm đơn giản như siêu âm, hoặc tự thăm khám cho bản thân, nếu thấy u, cục bất thường, cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa về ung bướu có uy tín để được thăm khám và phát hiện sớm.
Chia sẻ về vấn đề này, theo ThS. BS Lê Văn Long, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, nếu trước kia tầm soát ung thư vú được khuyến cáo với chị em phụ nữ ngoài 40 tuổi, thì độ tuổi này hiện nay giảm xuống nhất là với những phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ như: có người cùng huyết thống đã phát hiện mắc ung thư vú, có các đột biến gen BRCA1,2,...
Về triệu chứng, theo ThS.BS Lê Văn Long bệnh nhân sẽ xuất hiện khối u ở vú, gần xung quanh vú hoặc dưới nách; dịch từ núm vú, đặc biệt dịch có máu; vết lõm da vú hoặc dày da vú; đau nhức vùng vú hoặc núm vú; biểu hiện tụt núm vú...
Để sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú, ThS.BS Lê Văn Long cho biết nếu có biểu hiện bất thường trên, bệnh nhân có thể tự kiểm tra. Sau đó, bệnh nhân có thể đến các cơ sở y tế để được khám lâm sàng, siêu âm, chụp X-quang tuyến vú. Đồng thời, các bác sĩ sẽ xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học nếu nghi ngờ.
"Ung thư vú là bệnh dễ chẩn đoán, có thể sàng lọc, phát hiện sớm. Nếu phát hiện sớm sẽ điều trị hiệu quả bằng các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết, điều trị đích, miễn dịch… Tỉ lệ khỏi của ung thư vú nếu phát hiện sớm có thể đạt hơn 90%, thậm chí có thể lên tới 98%. Trong khi đó, với nhóm bệnh nhân phát hiện giai đoạn muộn thì tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt dưới 20%. Chính vì vậy, sẽ vô cùng đáng tiếc khi người bệnh chủ quan với chính sức khỏe của mình, để vuột khỏi tầm tay cơ hội được điều trị khi không may mắc căn bệnh nay", BS Long nói.
Với bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn thì chi phí điều trị sẽ tốn kém hơn rất nhiều, thường phải dùng nhiều phương pháp, với thời gian điều trị kéo dài. Trong khi đó hiệu quả điều trị thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn sớm. Khi đó, rất khó có thể chữa khỏi được bệnh mà chỉ giúp cải thiện triệu chứng, kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh. TS. Thái khuyến cáo thêm.
Những lưu ý cho phụ nữ trẻ:
- Kiểm tra vú tại nhà thường xuyên
Có đến khoảng 80 – 90% bệnh nhân ung thư vú phát hiện có khối u khi ở giai đoạn 0 - 1 hoàn toàn có thể dùng tay sờ nắn để phát hiện. Tự kiểm tra vú thường xuyên tại nhà là việc làm quan trọng cho tất cả nữ giới bước vào độ tuổi trưởng thành.
- Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn. Để thực hiện, nữ giới nên đứng trước gương, giơ hai tay lên đầu, dùng 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út để xoa nắn xem vú có khối u hay tiết dịch bất thường không. Sau đó, chị em thực hiện các bước tương tự với tư thế nằm.
- Khi thấy bất thường – có hạch ở nách, vú thì cần đến cơ sở y tế khám luôn, tránh chần chừ, kéo dài thời gian vì có thể làm cho cơ hội chữa bệnh thêm ít đi
- Riêng đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như đại trực tràng, buồng trứng, phổi, cổ tử cung... thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ.
- Đối với phụ nữ ở tuổi ngoài 50, trung bình nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.