Bệnh ung thư có một lịch sử dài và đầy biến cố - câu chuyện của nó không chỉ gắn liền với bước phát triển của khoa học mà còn cả với nghệ thuật, văn học và con người.
Thời cổ đại
Ghi chép sớm nhất về bệnh ung thư có niên đại từ khoảng năm 1.500 - 3.000 trước Công nguyên. Ghi chép này nằm trong cuốn sách bằng giấy cói có tên là Edwin Smith Papyrus - một phần cuốn sách giáo khoa về phẫu thuật và y học của người Ai Cập cổ đại mô tả 8 khối u ở ngực được cắt bỏ bằng cách sử dụng một dụng cụ cổ để đốt. Các tác giả của cuốn sách tuyên bố rất đơn giản rằng: “Không có cách chữa trị”.
Trong bức tranh từ năm 1689 này, một bệnh nhân có khối u lớn ở mặt đã được phẫu thuật lấy ra.
Phải đến năm 400 trước Công nguyên mới có một thuật ngữ để chỉ căn bệnh này. Người ta tin rằng, Hippocrates - một thầy thuốc Hy Lạp là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ carcinos (ung thư) và carcinoma (ung thư biểu mô) khi bàn về các khối u. Vào thời đó, ung thư được coi là rối loạn dịch thể của cơ thể và được chữa trị tùy theo bằng những phương pháp không xâm nhập như ăn kiêng hoặc chích máu, nhưng thường là không thành công.
Thời Trung cổ đến Phục hưng
Đến thời Phục hưng, thế giới mới được chứng kiến sự trỗi dậy trong các khám phá về cơ thể người và việc phẫu tích trở nên chuẩn mực hơn. Nhưng cách chữa ung thư duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ khối u nếu có thể.
Vào năm 1655, Robert Hooke - một nhà triết học tự nhiên người Anh đã khám phá ra tế bào khi soi một lát cắt mỏng của nút chai dưới kính hiển vi thô sơ. Tất nhiên, tế bào mà ông nhìn thấy không phải là tế bào sống; chúng chỉ là những tế bào thực vật đã chết.
Thời hiện đại
Năm 1902, nhà động vật học Theodor Boveri đã phát hiện ra nền tảng di truyền cơ bản của ung thư: nhiễm sắc thể bị đột biến ở một dạng nào đó khiến cho tế bào có khả năng phát triển và nhân lên không giới hạn, ung thư có thể liên quan tới đột biến gen, phóng xạ, các chất hóa học hoặc mầm bệnh.
Trong suốt những năm đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học bắt đầu bổ sung thêm các yếu tố môi trường và độc chất vào danh sách những thứ có liên quan tới ung thư, ví dụ như aniline, than đá và a-mi-ăng. Hơn nữa, họ cũng tìm ra một số bệnh nhiễm trùng hoặc virut (như viêm gan B hoặc C, virut Epstein-Barr, HIV hoặc HPV) đều có liên quan tới nguy cơ cao bị một số loại ung thư, bao gồm sarcom Kaposi, u lympho không Hodgkin và ung thư cổ tử cung, cùng nhiều loại khác...
Trong những năm 1930-1940, nguyên nhân lớn nhất gây ra ung thư chính là thuốc lá nhưng phải trải qua một thời gian rất dài và cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại các công ty thuốc lá thì công chúng mới được biết về tác hại của việc hút thuốc.
Việc hiểu rõ cơ chế hoạt động của tế bào ung thư đã góp phần cho ra đời những biện pháp điều trị có hiệu quả đầu tiên. Phẫu thuật không còn là phương pháp duy nhất nữa; giờ đây phóng xạ được phát hiện bởi Marie Curie và chồng bà đã được đưa vào sử dụng như một phương pháp chữa trị ung thư mà không cần phẫu thuật.
Tiếp đó là hóa trị liệu. Điều thú vị là ngành công nghiệp tỷ đô chữa trị hiệu quả nhiều loại ung thư hiện nay lại bắt nguồn từ chiến tranh hóa học trong Thế chiến II. Hơi cay từng được dùng để giết chết binh lính trong Thế chiến II, nhưng chất này cũng chứa một thứ gì đó dẫn đến sự phát triển của hóa trị liệu. Vào năm 1965, các bác sĩ bắt đầu sử dụng hóa trị liệu kết hợp, bởi vì tế bào ung thư sẽ khó chống lại các phối hợp thuốc hơn.
Quảng cáo thuốc lá trong những năm 1940-1950.
Và trong thế kỷ 21
Nghiên cứu về ung thư tiến bộ trên rất nhiều mặt, vậy nên thật khó khi chọn một lĩnh vực nổi bật nhất, nhưng dưới đây là một vài ví dụ:
Liệu pháp trúng đích: Khi càng hiểu về sinh học phân tử của ung thư, các nhà nghiên cứu sẽ càng có thêm nhiều đích cho những thuốc mới. Nghiên cứu cũng đang phát triển các thuốc hướng đích nhắm vào các protein được sản sinh bởi những đột biến gen cụ thể trong tế bào ung thư.
Miễn dịch trị liệu: Các loại thuốc nhằm vào những “trạm kiểm soát” miễn dịch hệ cụ thể để giúp hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào.
Di truyền học ung thư: Các nhà khoa học đang đi tìm những đột biến gen khiến một số bệnh nhân đáp ứng tốt hơn với một số thuốc.
Công nghệ nano: Công nghệ mới sản xuất vật liệu tạo thành các hạt cực nhỏ, đưa đến những xét nghiệm hình ảnh rất hứa hẹn cho thấy vị trí chính xác của khối u. Nó cũng giúp phát triển những cách mới để đưa thuốc một cách hiệu quả hơn đến các tế bào ung thư.
Phẫu thuật robot: Thuật ngữ này chỉ việc bác sĩ sử dụng cánh tay robot và các thiết bị khác để điều khiển các dụng cụ phẫu thuật từ xa có thể cắt bỏ các khối u một cách triệt để và an toàn hơn.
(Theo cancer.org)
BS. Cẩm Tú