Ung thư tuyến tụy vẫn sống khỏe

20-07-2019 16:39 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Ung thư tuyến tụy! Chị hãy sớm viết di chúc và làm xét nghiệm di truyền cho con” - 5 năm trước, vợ tôi đã nghe bác sĩ chân tình khuyên như vậy. Tuy nhiên đến nay, vợ tôi vẫn sống khỏe - chuyên gia xã hội học, TS. Tomasz Wojciechowski - chồng chị Kaska tường thuật.

Cái chết của Anna Przybylska

Tháng 10/2014 - 3 tháng trôi qua từ ngày vợ tôi được chẩn đoán ung thư tuyến tụy và phẫu thuật, đó là khởi đầu con đường của chúng tôi. Ám ảnh sợ hãi chưa suy giảm. Vết mổ sau phẫu thuật chưa lành miệng, Kaska đã phẫu thuật cắt bỏ phần lớn tuyến tụy, tá tràng, cắt nửa buồng gan và túi mật.

Cân nặng sụt vài kilôgam và rụng tóc - thực tế không tránh khỏi trong thời gian vợ tôi thực hiện hóa trị. Đúng thời điểm đài phát thanh quốc gia đưa tin, nữ diễn viên nổi tiếng Anna Przybylska qua đời vì bệnh hiểm y hệt vợ tôi. Người nổi tiếng mới 35 tuổi. 3 đứa con nhỏ mồ côi mẹ.

Tin dữ gây hiệu ứng không khác gì tòa nhà hàng xóm bị trúng bom - may mắn không rơi vào nhà mình. Tôi nhanh tay tắt radio. Cả hai vợ chồng cùng khóc. Przybylska lớn hơn Kaska chỉ 2 tuổi. Nỗi buồn đeo bám chúng tôi suốt buổi tối. Tệ nhất là những ngày sau đó, các phương tiện truyền thông “hâm nóng chủ đề”. Kênh truyền hình gắn những đoạn phim ký ức về Anna đi kèm bình luận của chuyên gia. Vị bác sĩ từng trực tiếp điều trị Przybylska mô tả chi tiết những ngày và giây phút cuối cùng của nữ diễn viên. Vị chuyên gia tiếp theo nhấn mạnh, với tình trạng bệnh lý như trường hợp người quá cố, việc chữa trị thậm chí tại bệnh viện tốt nhất thế giới ở Thụy Sĩ cũng không mang lại kết quả. Trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện danh sách những người nổi tiếng đã “bại trận” trong cuộc chiến với ung thư tuyến tụy. Được nhắc đến nhiều nhất là người cha đẻ hãng Apple - Steve Jobs (1955-2011), sao Hollywood Patrick Swayze (1952-2009) và giọng ca opera số 1 thế giới người Italia - Luciano Pavarotti (1935-2007). Chết người, kẻ sát nhân thầm lặng, ung thư tuyến tụy không thể chữa trị - những tính từ ảm đạm cảnh báo dội lên từ tất cả các bài viết. Vợ chồng chúng tôi gồng mình chống lại dư luận chung.

“Tôi còn nhớ ánh mắt thương hại của những người hàng xóm và bạn bè khi họ chia sẻ: “Thật tội nghiệp, bởi cô ấy không hề có cơ hội thoát hiểm”. Nhiều tấm lòng đồng cảm nhấn mạnh, ngay cả những người có tiền và khả năng tiếp cận thành tựu y học tiên tiến nhất cũng không thể thắng ung thư tuyến tụy. Trong khi tôi chỉ là người phụ nữ Ba Lan bình thường”, chị Kaska nhớ lại.

Niềm vui của chị Kaska (bên trái) sau đường chạy marathon cùng con trai.

Niềm vui của chị Kaska (bên trái) sau đường chạy marathon cùng con trai.

Tôi đã nghĩ cuộc đời mình tối đa chỉ còn 1,5 năm...

Trong thời gian 5 năm Kaska mắc bệnh, vợ chồng chúng tôi đã đọc hàng trăm bài viết liên quan đến ung thư tuyến tụy. Thậm chí tin tức về liệu pháp mới cũng bắt đầu từ sự nhấn mạnh tỷ lệ tử vong của bệnh là cực cao. 2/3 số tư liệu nói về những người nổi tiếng đã thiệt mạng vì bệnh hiểm. Nhìn chung mãi cuối các bài viết mới có thông tin liên quan đến biệt dược mới đang thử nghiệm.

Ung thư tuyến tụy cũng thâm nhập vào bộ môn nghệ thuật thứ 7. Bệnh hiểm trở thành lý do tuyệt vời để loại bỏ nhân vật vô tích sự, hoặc chi tiết đắt giá làm tăng tính bi kịch của bộ phim.

“Thời những năm 70 thế kỷ trước, nhân vật trung tâm qua đời vì bệnh ung thư máu (thí dụ phim Love Story) nhưng gần đây, hiệu quả chữa trị bệnh này ngày càng cải thiện. Vì thế, các nhà làm phim sử dụng nhiều hơn motip ung thư tuyến tụy”, Kaska chia sẻ. “Cách đây không lâu, tôi đã xem phim chính kịch hình sự Three  Billboards (Martin McDonagh đạo diễn kiêm tác giả kịch bản, 2017) khi cảnh sát trưởng Willoughby biết kết quả chẩn đoán ung thư tuyến tụy, ông đã chọn giải pháp tự tử, để lại cô vợ trẻ cùng cậu con trai vài tuổi, thay vì chữa trị theo lời khuyên của bác sĩ. Hoặc chi tiết tạo điểm nhấn mùa đầu phim nhiều tập House of cards, trong đó nhân viên lái xe Undewood chết dần trong bệnh viện vì ung thư tuyến tụy trong khi các bác sĩ và nhân viên y tế hoàn toàn bất lực. Người xem bình thường coi hiện tượng phim ảnh như chuyện thường nhật. Thế nên tôi cũng tin lời bạn tôi, khi bạn tiên đoán, cuộc đời còn lại của tôi không thể kéo dài hơn 1,5 năm...”.

Hai mặt của số liệu thống kê

Sự thật, triển vọng vượt qua ung thư tuyến tụy rất thấp. Nó là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất. Chỉ 5-6% số người sống qua 5 năm (thời gian trong ung thư học coi như bệnh hiểm đã bị chinh phục) kể từ thời điểm được chẩn đoán. Tỷ lệ chiến thắng ít ỏi. Nhưng tại sao không ai viết về con số 5-6% này, thay vào đó, họ chỉ mô tả 94-95% ca tử vong? Nạn nhân sau chẩn đoán tuyệt vọng tìm kiếm thông tin về chủ đề tỷ lệ điều trị thành công hoặc dự đoán cuộc đời còn lại. Vấn đề rất quan trọng bởi ở Ba Lan và trên toàn thế giới, số người mắc bệnh ung thư tuyến tụy ngày càng tăng.

“Theo tôi, bức tranh xã hội về chứng bệnh cụ thể có tác động nhất định đến cách thức chữa trị và số liệu thống kê số người may mắn vượt qua bệnh hiểm. Vậy nên người bệnh có thể đối mặt thế nào trước thử thách với việc chữa trị khó khăn tuyệt vọng và không có gì tin tưởng?”, Kaska bộc bạch.

TS. Antonina Dorszewska (Đại học Y Warszawa) - nhà khoa học có quan điểm tương tự trong các bài giảng của mình nhấn mạnh, hiện thông điệp của các phương tiện truyền thông liên quan đến ung thư rất hiếm nguyên tố tích cực - họ không nói, thí dụ, về những tác dụng của nỗ lực phòng ngừa hoặc những tiến bộ và phát minh mới trong ung thư học. Thay vào đó, người ta nhấn mạnh đến chi tiết thất bại trong cuộc chiến chống lại bệnh hiểm làm cho kết quả chẩn đoán ung thư đồng nghĩa với án tử hình.

Lời khuyên sớm viết di chúc

Chuyện xảy ra năm 2014. Thời gian ngắn sau phẫu thuật lần đầu và kết luận chẩn đoán khẳng định, trong bộ phận tuyến tụy đã phẫu thuật cắt bỏ có khối u ác tính. Kết quả CT scan (chụp quét cắt lớp điện toán) cho thấy, cho dù đã loại bỏ khối u, vẫn xuất hiện dấu hiệu di căn trong gan. Tiếp theo, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện lớn ở Warszawa.

“Cuộc tiếp đón kéo dài chừng 5 phút và phản ứng của bác sĩ không khác gì cú đấm vỗ mặt. Vị chuyên gia liếc qua kết quả xét nghiệm mới nhất vài giây. Mọi hoài nghi, bao gồm cả hiện tượng phì đại tuyến hạch đều được bác sĩ lý giải theo chiều bất lợi cho tôi. Ông khuyên tôi, chị hãy sớm viết di chúc. Và vì tương lai đứa con, cần tiến hành xét nghiệm di truyền... Tôi lặng người, choáng váng nghe lời bác sĩ khuyên giải. Và phát ốm cả tuần sau cuộc thăm khám”, chị Kaska thoáng buồn kể.

Sống lành mạnh chiến thắng bệnh hiểm

Kaska không viết di chúc. Chị cũng không cho con trai làm xét nghiệm di truyền. Theo chỉ dẫn của nhà khoa học Đức Neu-Ulm - vị giáo sư-bác sĩ trực tiếp điều trị cho bản thân, Kaska nhanh chóng triển khai lối sống mới.

Chị áp dụng thực đơn lành mạnh Địa Trung Hải (nhiều rau xanh, các loại quả, củ, các loại hạt, đậu, khoai tây, bánh mì nâu, gạo lứt, các loại rau thơm, gia vị, cá, hải sản, dầu oliu. Ăn vừa phải thịt gia cầm, trứng, pho-mai và sữa chua. Hạn chế thịt màu đỏ. Tránh các loại đồ uống có đường, thịt và thực phẩm đã qua chế biến). Đồng thời, hàng ngày, ngoài thời gian làm việc tại công ty, Kaska tích cực tập luyện thể thao (đi xe đạp, dạo bộ, bơi lội...).

Chạy marathon, chinh phục đỉnh núi cao nhất nước Áo

Tháng 7/2016, trái lời khuyên sớm viết di chúc của vị bác sĩ nọ, tròn 2 năm sau ca phẫu thuật đầu tiên (trong thời gian này còn 2 lần phẫu thuật nữa) và 4 tháng sau kết thúc liệu trình hóa trị, với trang phục cùng đồ nghề leo núi chuyên nghiệp, Kaska chinh phục đỉnh Grosslockner - ngọn núi đóng băng gần 3.800m trên mực nước biển, có đỉnh núi cao nhất nước Áo.

“Có lẽ tôi là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất bị ung thư tuyến tụy, đã cắt nửa buồng gan may mắn đặt chân lên đỉnh núi này”, chị Kaska nói vui.

“Bằng nỗ lực của mình, tôi muốn chứng minh, thậm chí trong tình huống khó khăn bệnh tật cực đoan, vẫn cần chiến đấu vì bản thân và tìm kiếm cơ may. Nếu không cải thiện sức khỏe, tối thiểu cũng giành giật thời gian hữu ích. Tấm hình tôi trên đỉnh núi treo trên tường, trong phòng khám của GS.BS. Neu-Ulm - người thầy thuốc đang điều trị cho tôi có thể là động lực cho đồng loại cùng cảnh ngộ”, nạn nhân ung thư can đảm nói thêm.

Trước kỳ tích chinh phục đỉnh núi cao nhất nước Áo, chị Kaska từng tham gia cuộc thi chạy marathon Warszawa diễn ra ngày 24/4/2016. Người phụ nữ chiến thắng ung thư tuyến tụy khẳng định, chạy việt dã là bộ môn thể thao chị ưa thích như chính cuộc sống vậy.


Vinh Thu
Ý kiến của bạn