Hà Nội

Ung thư tuyến tiền liệt, những điều cần biết

17-06-2019 14:19 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến ở nam giới. Tại nước ta, tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt ngày càng tăng do tuổi thọ gia tăng.

Dù ung thư tuyến tiền liệt có thể điều trị khỏi, song nó vẫn là một trong những bệnh đáng sợ. Một chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt có thể dẫn đến việc phải loại bỏ tuyến tiền liệt, có thể có ảnh hưởng lớn đến chức năng tình dục của một người đàn ông.

Nguyên nhân gây bệnh

Cho tới nay, vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, có một vài yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh:

Độ tuổi: Ung thư tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.

Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người thân mắc ung thư tuyến tiền liệt thì nguy cơ mắc bệnh gia tăng gấp 2-3 lần so với người bình thường. Nếu có từ 2 người trở lên thì nguy cơ gia tăng gấp 5 lần.

Chế độ dinh dưỡng: Ung thư tuyến tiền liệt thường tăng lên cùng với hàm lượng chất béo có trong chế độ ăn hàng ngày.

Các yếu tố khác như nồng độ hormon testosterone cao, nghề nghiệp phơi nhiễm với cadmi, người mắc bệnh gan mạn tính.

Bạn nên tham khảo những dấu hiệu dưới đây để có biện pháp điều trị, khám chữa sớm nếu mắc phải.

Tiểu tiện khó khăn: Tuyến tiền liệt có vị trí bao quanh niệu đạo, vì vậy, khi xuất hiện một khối u nào dù là rất nhỏ cũng có thể gây ra các trở ngại mỗi khi đi tiểu hoặc xuất tinh. Tình trạng cần nghĩ tới ung thư tuyến tiền liệt là buồn tiểu nhưng không thể đi được hoặc đang đi bị dừng lại đột ngột hoặc cũng có thể đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.

Đau mỗi khi đi tiểu: Do có khối u ở tiền liệt tuyến chèn ép lên niệu đạo nên mỗi lần đi tiểu có cảm giác đau. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể gặp khi nhiễm trùng tuyến tiền liệt hoặc phì đại tuyến tiền liệt. Do vậy, để chẩn đoán chính xác ung thư tuyến tiền liệt thì cần căn cứ thêm một số xét nghiệm.

Xuất hiện máu trong nước tiểu: Tuy dấu hiệu này ít phổ biến hơn nhưng khi xuất hiện triệu chứng này cần đi khám nam khoa ngay. Máu trong nước tiểu đôi khi chỉ là một vệt màu hồng nhạt. Một số bệnh lý khác như viêm nhiễm đường tiết niệu cũng có thể gây ra hiện tượng này, do đó, bạn phải thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt với bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Khó duy trì sự cương cứng: Khi có khối u tiền liệt tuyến có thể ngăn chặn lưu lượng máu đến dương vật để giúp cương cứng. Vì vậy, nam giới sẽ gặp rối loạn cương dương. Tiền liệt tuyến phì đại cũng gây ra triệu chứng này.

Máu trong tinh dịch: Dấu hiệu này thường không được chú ý và dễ bỏ qua. Lượng máu chỉ đủ để làm cho tinh dịch hơi hồng hoặc có vệt máu.

Đau ở lưng, hông, đùi trên thường xuyên: Đau ở lưng, xương chậu và hông là triệu chứng phổ biến của ung thư tuyến tiền liệt. Một cách để phân biệt loại đau với đau thần kinh tọa và đau lưng thấp là cảm thấy cơn đau âm ỉ.

Mắc chứng tiểu đêm: Triệu chứng này không được quý ông để ý nhưng cũng là một dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư tuyến tiền liệt. Nếu bạn đi tiểu đêm nhiều hơn 2 lần thì hãy đi khám ngay, có thể bạn mắc ung thư tiền liệt tuyến.

Tiểu rắt: Một vài quý ông bị rò rỉ nước tiểu không thể tự chủ. Triệu chứng này không mấy phổ biến nhưng cũng đáng lưu ý.

Các triệu chứng toàn thân khi mắc thư tuyến tiền liệt cũng giống như các chứng ung thư khác là: mệt mỏi, mất ngủ, gầy sút cân...

Tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt ngày càng gia tăng.

Tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt ngày càng gia tăng.

Có thể phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt bằng nhiều cách

Thăm khám trực tràng bằng tay: Bác sĩ sẽ sử dụng một ngón tay đeo găng để kiểm tra trực tràng. Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm ung thư PSA: Nếu PSA của bạn nhỏ hơn 4ng/ml, khả năng bạn bị ung thư tiền liệt tuyến là 15%. Nếu bạn có PSA vào khoảng từ 4 - 10, khả năng bị bệnh là 25%. Còn PSA cao hơn 10, nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến lên đến 67%. Siêu âm qua ổ bụng hoặc qua đầu dò trực tràng và sinh thiết nếu có nghi ngờ tổn thương. Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ vùng bụng, vùng khung chậu để phát hiện ung thư và đánh giá mức độ xâm lấn. Nếu nghi ngờ mắc ung thư tuyến tiền liệt, sinh thiết là biện pháp duy nhất giúp khẳng định chắc chắn bệnh. Phần lớn các trường hợp sinh thiết được tiến hành bằng cách đâm kim sinh thiết xuyên qua thành trước trực tràng để lấy ra một mẫu mô bướu tuyến tiền liệt. Việc sử dụng siêu âm hướng dẫn giúp cho việc sinh thiết chính xác hơn.

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên kết giữa viêm tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy, hoạt động tình dục đều đặn và điều độ cũng mang lại những lợi ích khác nhau từ việc giảm căng thẳng cho đến giảm tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt.

Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện một trong những dấu hiệu kể trên, nam giới cần nhanh chóng thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để phát hiện bệnh ung thư tiền liệt tuyến nhằm điều trị hiệu quả hơn.


Bs. Song Nhi
Ý kiến của bạn