Ung thư tuyến tiền liệt: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

31-08-2024 19:42 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ung thư tuyến tiền liệt là một khối u ác tính phát triển trong tuyến tiền liệt. Đây là căn bệnh khá nguy hiểm và có xu hướng ngày càng gia tăng. Vì vậy, chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tiền liệt ngay từ giai đoạn sớm sẽ giúp tiên lượng bệnh tốt hơn.

1. Nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt

Ngày nay, người ta vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra ung thư tuyến tiền liệt. Cũng như tất cả các loại ung thư khác, sự sinh sản của những tế bào bị đột biến gen nhiều lần được xem như là nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt.

Sự sinh sản này xảy ra liên tục và không ngừng do các tế bào đột biến không còn chịu sự kiểm soát của cơ thể.

Vì thế, bệnh luôn có khuynh hướng lan rộng tại chỗ cũng như lan sang các cơ quan khác (di căn). Tuy nhiên, qua những thống kê dịch tễ học, người ta nhận thấy có một số yếu tố nguy cơ như sau:

  • Tuổi càng cao càng dễ bị ung thư tuyến tiền liệt.
  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh thì cần chú ý đến những người cao tuổi trong gia đình.
  • Những người mà điều kiện làm việc tiếp xúc nhiều với các chất phóng xạ.
  • Ăn nhiều thịt, mỡ động vật: Vì thịt động vật nấu ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất heterocyclic amines, hoặc khi nướng trên lửa sẽ sinh ra polycyclic aromatic hydrocarbons, là những chất gây ra ung thư. Dầu thực vật, mỡ cá và các sản phẩm từ sữa như bơ, phô-mai không có nguy cơ gây ung thư tiền liệt tuyến.
  • Các thực phẩm giàu năng lượng dễ gây ra ung thư tuyến tiền liệt. Một số nghiên cứu cho thấy có sự liên hệ giữa ung thưtuyến tiền liệt và những người có khối lượng cơ thể quá khổ.
  • Hoạt động tình dục nhiều cũng có thể gây ra ung thư tuyến tiền liệt, tuy nhiên vấn đề này còn đang gây nhiều tranh cãi.
  • Phì đại tuyến tiền liệt cũng góp phần trong ung thư tuyến tiền liệt.
  • Những người thắt ống dẫn tinh sẽ tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt hơn người bình thường sau 20 năm.

2. Dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt

Rất nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt không có triệu chứng. Nhiều trường hợp có thể tử vong vì các nguyên nhân sức khỏe khác mà không được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, khi giải phẫu mới tình cờ phát hiện.

Khi ung thư ttuyến tiền liệt phát triển gây ra rối loạn tiểu tiện và có các dấu hiệu di căn thì bệnh nhân mới đi khám và được chẩn đoán.

Các triệu chứng tiết niệu thường gặp là:

  • Đái khó, tia đái nhỏ.
  • Đái nhiều lần mức độ khác nhau, tùy theo sự kích thích, cảm giác đái không hết do có nước tiểu còn trong bàng quang.
  • Đái không tự chủ.
  • Bí đái cấp.

Các dấu hiệu toàn thân: Sút cân, gầy, phù nề, xanh nhợt, thiếu máu. Thông thường ghi nhận cho thấy ở bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt phải đi khám bệnh là do:

  • Rối loạn tiểu tiện.
  • Các dấu hiệu về u lan tỏa hoặc đã có di căn.

Các yếu tố chính tạo nên hình ảnh lâm sàng về tiết niệu thường gặp của bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt: Sự phát triển khối ung thư ở các mức độ khác nhau trong tuyến làm tắc nghẽn lưu thông nước tiểu; Sự tắc nghẽn của bàng quang; Các triệu chứng kích thích ở đường tiết niệu dưới.

Các dấu hiệu lan tỏa là các dấu hiệu chính của ung thư, thể hiện sự tiến triển không ngừng của bệnh, khác biệt hẳn so với u lành tính tuyến tiền liệt, mức độ lan tỏa phụ thuộc mạnh mẽ vào giai đoạn bệnh, liên quan chặt chẽ đến độ biệt hóa u. Ở giai đoạn muộn, khối ung thư thường nhiều ổ, lan tỏa xâm lấn bao xơ và di căn, gây ra những rối loạn toàn thân trầm trọng, thể trạng bệnh nhân suy sụp, kết thúc cuối cùng là tử vong.

Các dấu hiệu lan tỏa thường gặp là: Đau xương; Đau tầng sinh môn; Phù nề chi dưới; Xuất tinh ra máu,…

Bệnh nhân có thể đến viện trong tình trạng suy thận, với các biểu hiện gầy sụt cân, phù nề, xanh nhợt, thiếu máu. Các di căn khác ở phổi, gan ít khi là dấu hiệu đầu tiên, di căn não, mắt cũng hiếm gặp. Khi các dấu hiệu trên xuất hiện làm người bệnh mất phương hướng, vì vậy thường đi khám tại các chuyên khoa khác.

Ung thư tuyến tiền liệt: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Rất nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt không có triệu chứng.

3. Bệnh ung thư tuyến tiền liệt có lây không?

Cũng như tất cả các loại ung thư khác, sự sinh sản của những tế bào bị đột biến gen nhiều lần được xem như là nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt, vì vậy bệnh không thể lây nhiễm.

4. Cách phòng ung thư tuyến tiền liệt 

Bởi vì nguyên nhân gây ung thư vẫn chưa được làm sáng tỏ nên không có phương pháp đặc hiệu để chặn đứng căn bệnh này, nhưng nếu áp dụng các biện pháp sau đây thì sẽ giúp giảm thiểu được nguy cơ bị bệnh:

  • Chế độ ăn uống, dinh dưỡng khoa học và hợp lý, ưu tiên ăn các loại rau củ quả nhiều chất xơ và vitamin thay vì tiêu thụ nhiều thực phẩm chức năng.
  • Cải thiện thể chất bằng cách chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao, giữ tinh thần lạc quan, vui tươi để nâng cao đời sống tinh thần.
  • Duy trì mức cân nặng cân đối.
  • Chủ động đi thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát các bệnh ung thư.

5. Cách điều trị ung thư tuyến tiền liệt 

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh:

Chủ yếu là phẫu thuật khi bệnh giai đoạn sớm, nếu cắt bỏ khối u rộng rãi tỷ lệ sống còn sau phẫu thuật tới trên 90%;  Xạ trị được chỉ định giúp giảm kích thước những trường hợp u lớn và di căn xa.

Phương pháp điều trị nội tiết là một phương pháp được chọn và được sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, một số phương pháp khác cũng có thể được áp dụng đó là: Phá hủy tuyến tiền liệt bằng phương pháp đông lạnh qua đường trực tràng ít được ứng dụng ở nước ta, hóa chất bằng những thuốc mới cũng đã được thử nghiệm nhưng hiệu quả chưa rõ rệt.

Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ, theo dõi tích cực và điều trị triệu chứng. Cần kiểm tra, theo dõi sau điều trị phẫu thuật hoặc xạ trị để kịp thời phát hiện nếu có di căn. Đồng thời sàng lọc các bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, kiểm tra và bổ sung vitamin D, canxi định kỳ.

Nhìn chung, ung thư tuyến tiền liệt rất phổ biến nhưng hầu hết phát triển chậm và việc điều trị thường có hiệu quả nếu được chẩn đoán sớm. Với các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt phát triển nhanh hơn thì việc điều trị sớm cũng đem lại nhiều lợi ích hơn.

Nếu có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thì nên đi tầm soát định kỳ. Việc áp dụng các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, giai đoạn bệnh, nguy cơ di căn, ước tính thời gian sống và các tình trạng bệnh kèm theo.

Ung thư tuyến tiền liệt có phòng ngừa được không?Ung thư tuyến tiền liệt có phòng ngừa được không?

SKĐS - Tất cả nam giới đều có thể mắc ung thư tuyến tiền liệt nhưng ở một số người có những yếu tố nguy cơ cao hơn. Hiểu được điều này sẽ giúp nam giới biết cách phòng ngừa giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này.




BS Nguyễn Duy Hoàng
Ý kiến của bạn