Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị, nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi bệnh với chất lượng sống được duy trì tốt.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư tiền liệt tuyến (TTL) chưa được xác định rõ. Một số nghiên cứu cho thấy ở người mang gene BRCA1, BRCA2 có tỉ lệ mắc ung thư TTL cao hơn.
Làm sao chẩn đoán?
Chẩn đoán bệnh ung thư TTL dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Các triệu chứng lâm sàng hay gặp: tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, tiểu tiện không thành tia, đau bụng vùng dưới rốn, đau xương...
Để chẩn đoán bệnh, người thầy thuốc cần thăm khám TTL qua trực tràng, xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu TTL PSA (Prostate-specific antigen), đánh giá tỉ lệ PSA tự do/toàn phần, siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm qua trực tràng đánh giá TTL, sinh thiết TTL hoặc tổn thương di căn, xạ hình xương, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ...
Sinh thiết TTL dưới hướng dẫn của siêu âm (có thể qua trực tràng hoặc qua đáy chậu) hoặc sinh thiết tổn thương di căn để làm xét nghiệm mô bệnh học được xem là tiêu chuẩn vàng, khẳng định bệnh ung thư TTL.
Ung thư tuyến tiền liệt có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm.
Các phương pháp điều trị
Phẫu thuật: Đây là phương pháp kinh điển trong điều trị ung thư TTL giai đoạn khu trú, chủ yếu là phẫu thuật cắt TTL tận gốc hoặc phẫu thuật cắt tinh hoàn hai bên.
Ở giai đoạn muộn: có thể phẫu thuật giải phóng chèn ép do khối u hoặc do tổn thương di căn gây ra: phẫu thuật đưa niệu quản qua da, phẫu thuật dẫn lưu bàng quang...
Cấy hạt phóng xạ: Cấy hạt phóng xạ là phương pháp cấy các hạt phóng xạ vào khối u để điều trị ung thư TTL, là sự cải tiến của xạ trị áp sát kết hợp với xạ trị chiếu trong đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu áp dụng và đem lại nhiều lợi ích to lớn cho bệnh nhân. Hiện nay, tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, áp dụng cho ung thư TTL giai đoạn sớm, khu trú.
Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này là tạo ra liều hấp thụ bức xạ cao tại khối u, trong khi cơ quan và tế bào lành chỉ phải chịu liều bức xạ rất thấp, từ đó giúp kiểm soát u tại chỗ cao, thời gian và liệu trình điều trị ngắn, ít biến chứng, chức năng sinh lý của nam giới (liệt dương) ít hoặc không bị ảnh hưởng, tăng chất lượng cuộc sống.
Tại Việt Nam, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng thành công phương pháp cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư TTL giai đoạn khu trú.
Xạ trị: Xạ trị có thể phối hợp với các phương pháp khác như nội tiết… Khi có tổn thương di căn não có thể xạ trị gia tốc toàn não hoặc xạ phẫu (bằng dao gamma, dao gamma quay, cyber knife...). Nếu di căn xương có thể xạ trị từ ngoài vào vị trí xương bị di căn giúp giảm đau, cải thiện triệu chứng.
Điều trị nội tiết: Ung thư TTL được cho là phát triển phụ thuộc nội tiết tố nam, do vậy làm giảm hoặc triệt tiêu nội tiết nam sẽ làm các tế bào ung thư phụ thuộc nội tiết chết. Các dạng điều trị nội tiết bao gồm: Cắt tinh hoàn bằng ngoại khoa hoặc bằng nội khoa như sử dụng các đồng vận LHRH (luteinizing hormone-releasing hormon) tạo hiện tượng mất hoạt hóa thụ thể LHRH của tuyến yên. Các chất kháng nội tiết tố nam hoặc ức chế tổng hợp nội tiết tố.
Điều trị nội tiết được điều trị chính cho ung thư TTL di căn và phối hợp với các phương pháp khác (xạ trị, phẫu thuật) cho các trường hợp ung thư khu trú có nguy cơ cao và trung bình.
Hóa trị: Đa số được áp dụng trong điều trị ung thư TTL kháng cắt tinh hoàn. Bệnh nhân khi đang được điều trị bằng các biện pháp kháng androgen mà có các biểu hiện bệnh tiến triển (tiến triển tổn thương cũ, phát triển tổn thương mới, tăng nồng độ PSA trong máu) được xem là kháng cắt tinh hoàn. Các thuốc hóa trị có thể dùng là docetaxel, mitoxatron, cabazitaxel... Khi đã xuất hiện tình trạng kháng cắt tinh hoàn và hóa trị có thể dùng nhóm thuốc nội tiết (abirateron, enzalutamin), thuốc kích thích miễn dịch (Sipuleucel –T)…
Bệnh nhân ung thư TTL giai đoạn cuối cũng như các bệnh ung thư khác cần được chăm sóc nâng đỡ tâm lý phù hợp để bệnh nhân an tâm trong quá trình điều trị cũng như luôn có cảm giác nhẹ nhàng, không lo lắng, hốt hoảng về bệnh.