Ung thư tuyến mồ hôi - Hiếm gặp nhưng nguy hiểm

26-05-2015 06:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Ung thư tuyến mồ hôi là bệnh hiếm gặp, chiếm tỷ lệ không cao trong các bệnh ung thư. Nhưng trong một nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ...

Ung thư tuyến mồ hôi là bệnh hiếm gặp, chiếm tỷ lệ không cao trong các bệnh ung thư. Nhưng trong một nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, tỷ lệ ung thư tuyến mồ hôi gia tăng đột ngột tới 170% từ năm 1978 – 2005 mà chưa rõ nguyên nhân. Tuy là một bệnh lý hiếm gặp, song ung thư tuyến mồ hôi lại là một thách thức trong việc chẩn đoán và khó khăn trong điều trị.

Đi tìm căn nguyên của bệnh

Đến nay, y học thế giới vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân trực tiếp gây UTTMH. Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, bệnh có liên quan đến tia cực tím (UV), khi tia này tiếp xúc với phần da gây ra hiện tượng suy giảm miễn dịch của da nơi tiếp xúc. Bức xạ tia cực tím giữ vai trò trong cơ chế sinh bệnh, điều này giải thích tại sao tỷ lệ bệnh lại thấp ở người da sậm màu. Ngoài ra, người ta thấy các loại thuốc điều trị khớp và kháng viêm sử dụng dài ngày cũng có vai trò trong việc gia tăng tỷ lệ loại ung thư này.

Ung thư tuyến mồ hôi xuất phát từ những cấu trúc phần phụ của da.

Ung thư tuyến mồ hôi xuất phát từ những cấu trúc phần phụ của da, ban đầu là những nốt nhỏ, diễn tiến rất chậm trong thời gian dài rồi đột ngột gia tăng kích thước. Không có hình ảnh đặc trưng nào giúp xác định chẩn đoán, chỉ đến khi các khối u trên cơ thể bệnh nhân có hiện tượng chảy máu, tiết dịch thì triệu chứng mới rõ ràng. Vì vậy, khi nhận thấy trên da xuất hiện những u nhỏ, hoặc có thay đổi bất thường nào đó, người bệnh nên đến khám tại các trung tâm chuyên khoa ung bướu để được chẩn đoán kịp thời.

Nam giới thường mắc bệnh UTTMH nhiều hơn nữ (chưa rõ nguyên nhân), người da trắng mắc bệnh cao hơn người da màu, chủ yếu gặp ở người cao tuổi (70 - 80 tuổi) mắc bệnh cao hơn so với trẻ tuổi (20 - 30 tuổi). Bệnh thường gặp từ độ tuổi trung niên, khoảng 50 - 60 tuổi.

Trên lâm sàng, vị trí các tổn thương của bệnh UTTMH nhiều nhất là ở mặt: 48,6%; các chi: 19%; vùng thân mình: 17,4%; da đầu và cổ chiếm 14%. Đa phần các trường hợp được phát hiện đều xuất hiện một cục cứng trong da, nằm ở vị trí cẳng chân, đùi phải hoặc đùi trái và vai cánh tay. Tổn thương trên lâm sàng là một khối bướu kích thước nhỏ dưới da, không đối xứng, giới hạn không rõ ràng, sượng cứng, xâm nhiễm ra da, bề mặt da sẫm màu hoặc có màu hồng. Ban đầu khối bướu có thể nhỏ, không đáng quan tâm, nhưng càng về sau bướu lớn dần, xâm chiếm vào mô, xương, gây đau nhức dữ dội cho bệnh nhân, có khi họ phải dùng thuốc giảm đau liều mạnh nhất để xóa cơn.

Bệnh di căn nhanh

Một đặc trưng nữa, UTTMH là loại ung thư di căn rất nhanh đến hạch bạch huyết, do vậy ngoài tổn thương nguyên phát, các tổn thương hạch vùng nách, hạch cổ là những triệu chứng chính khiến người bệnh tìm đến khám và điều trị. Những khối hạch thường tròn, cứng, có thể rời rạc hoặc dính chùm với nhau. Các hạch này thường không gây đau đớn. Gan, phổi hay xương là những vị trí thường bị di căn nhiều nhất. Để chẩn đoán, bác sĩ dùng các phương tiện hình ảnh như siêu âm, Xquang phổi tìm những tổn thương di căn. Phương pháp chọc hút tế bào từ mô bướu hay hạch hoặc mổ lấy mẫu sinh thiết cũng mang lại kết quả mô học chắc chắn.

Tái phát cao sau phẫu thuật

UTTMH thường không nhạy với xạ trị, hóa trị cũng ít có vai trò trong điều trị. Vì vậy, phẫu thuật là phương pháp được xem là hiệu quả hơn cả, nhất là khi bệnh còn khu trú tại chỗ hoặc chưa có di căn. Bệnh nhân cần được phẫu thuật cắt bỏ bướu nguyên phát, kèm theo là nạo vét sạch các hạch di căn. Nạo vét hạch phòng ngừa được chỉ định cho những trường hợp bướu tái phát hay kết quả mô học thuộc loại biệt hóa kém.

Diễn tiến của bệnh là phá hủy cấu trúc tại chỗ dữ dội và khả năng tái phát cao: tỷ lệ tái phát sau cắt rộng tại chỗ từ 47 - 59%. Do vậy, sau phẫu thuật bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và đều đặn nhằm phát hiện sự tái phát hoặc sự xuất hiện một ung thư da khác. Khi bướu tái phát, dẫu chưa sờ thấy hạch, bệnh nhân vẫn được chỉ định nạo hạch phòng ngừa vì những trường hợp này thường có nguy cơ di căn rất cao. Để tiên lượng diễn tiến bệnh, thông thường bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố liên quan như kích thước bướu, loại mô học, tình trạng di căn hạch hoặc di căn xa, song thực tế điều này cũng rất khó. Nếu chưa có hạch di căn, khoảng 56% bệnh nhân sẽ sống được thêm 10 năm (chưa gây bệnh cho các cơ quan khác). Nếu bệnh đã di căn hạch hoặc di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể, tỷ lệ này chỉ còn 9%.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh UTTMH, mọi người cần tập thói quen sống và làm việc điều độ, rèn luyện sức khỏe thường xuyên, hạn chế các thức uống có cồn. Cần tránh các yếu tố gây viêm nhiễm cho da, khi ra đường nên bảo vệ cơ thể bằng khẩu trang, không mặc đồ quá hở, mặc quần áo sáng màu giúp giảm hấp thụ bức xạ, hạn chế đi dưới ánh nắng từ khoảng 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Trong ăn uống, chọn nhiều rau quả, vitamin, bổ sung đủ nước hàng ngày.

Khi thấy có những bất thường trên da thì cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để việc điều trị bệnh đạt hiệu quả.

BS. Minh Lan

 

 


Ý kiến của bạn