Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể.
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở giữa cổ, gồm 2 thùy nối với nhau qua eo giáp trạng, có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển.
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không gây ra triệu trứng, người bệnh có thể phát hiện ra bệnh khi đi khám định kỳ.
Khi ung thư tuyến giáp có triệu chứng, thường sẽ sờ thấy một khối ở tuyến giáp. Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác của ung thư tuyến giáp bao gồm: khàn tiếng, nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản. Khó thở khi u xâm lấn vào khí quản
Ở giai đoạn muộn hơn, có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương...Những triệu chứng trên có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác mà không phải là ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên khi có những triệu chứng này, nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa.
Điều trị ung thư tuyến giáp
Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân ung thư tuyến giáp một hoặc nhiều phương pháp điều trị như sau:
- .Phẫu thuật tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp thường có thể điều trị bằng phẫu thuật, có thể cắt một thùy và eo giáp trạng hay cắt toàn bộ tuyến giáp. Một số trường hợp đã di căn hạch cổ, bạn cần được lấy bỏ toàn bộ tổ chức hạch bạch huyết quanh tuyến giáp.
- Iod phóng xạ. Các tế bào tuyến giáp (kể cả lành tính và ác tính) sẽ bắt nguồn phóng xạ này và bị tiêu diệt. Chỉ khi đã được cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp thì chỉ định điều trị Iod phóng xạ mới được đặt ra.
- Điều trị hormon. Sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp, hoặc sau khi điều trị iod phóng xạ, sẽ phải bổ sung hằng ngày lượng hormone thiếu hụt do tuyến giáp tiết ra.
- Xạ trị. Là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư và xạ ngoài là nguồn xạ được đặt ngoài cơ thể. Vai trò của phương pháp này trong điều trị ung thư tuyến giáp còn hạn chế, chỉ sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt.
- Hóa chất . Dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này ít có vai trò trong điều trị ung thư tuyến giáp.
- Điều trị đích. Thường chỉ tác động đến tế bào ung thư, không diệt các tế bào lành và được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Người bệnh ung thư tuyến giáp nên ăn gì?
Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, người bệnh thường bị đau rát cổ họng, khó nuốt và cần thời gian để cơ thể hồi phục. Vì thế, việc lựa chọn thực phẩm dễ tiêu hóa để tiêu thụ sẽ giúp người bệnh dễ nhai, dễ nuốt, giảm áp lực lên hệ thống gan – ruột; từ đó giúp cơ thể tập trung vào quá trình hồi phục.
Thực phẩm dễ tiêu hóa thường là những thực phẩm dạng lỏng, chứa nhiều nước hoặc chất xơ. Tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp tăng cường nhu động ruột, từ đó cải thiện chứng táo bón – một tác dụng phụ phổ biến khi người bệnh phải uống quá nhiều thuốc kháng viêm sau phẫu thuật. Các loại thực phẩm dễ tiêu hóa (giàu nước và chất xơ) thường là ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt, rau củ quả, nước ép trái cây, sữa, các món cháo, súp, canh, hầm hoặc món có nhiều nước (phở, bún, miến,…).
Tăng cường thực phẩm giầu canxi
Bên trong tuyến giáp sẽ có 4 tuyến cận giáp nhỏ bằng hạt đậu, nằm rải rác bên trong, không cố định vị trí. Tuyến cận giáp có chức năng tiết ra hormone PTH (Parathyroid hormone) giúp làm tăng nồng độ canxi trong máu. Sau phẫu thuật tuyến giáp các tuyến cận giáp này có nguy cơ bị cắt mất dẫn đến thiếu hormone PTH gây hạ canxi máu.
Do đó, người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp nên ăn thực phẩm chứa nhiều canxi để ngăn ngừa tình trạng co giật, chuột rút cơ bắp và loãng xương do tình trạng hạ canxi huyết gây ra. Một số thực phẩm giàu canxi bao gồm: sữa, trứng, cá, thủy hải sản giáp xác (tôm, cua,…), nước ép cam, các loại rau lá xanh, hạt và đậu.
Nên ăn thực phẩm giầu omega-3
Omega-3 là loại axit béo không bão hòa có khả năng chống viêm, giúp cơ thể phục hồi sau phẫu thuật và giảm nguy cơ phát triển các biến chứng. Omega-3 cũng tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể đẩy lùi bệnh tật và giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh.
Ngoài ra, omega-3 có thể ức chế sự phát triển của một số loại tế bào ung thư, bao gồm ung thư tuyến giáp. Các loại thực phẩm giàu omega-3 bao gồm: mỡ các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu,…), thủy hải sản (tôm, cua, mực,…), dầu thực vật và các loại hạt.
Tăng cường thực phẩm giầu vitamin C
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ quá trình hồi phục sau phẫu thuật và giảm nguy cơ tái phát ung thư. Mặt khác, vitamin C còn hỗ trợ cơ thể hình thành collagen – một protein quan trọng giúp vết mổ nhanh liền da và hồi phục các mô đang bị tổn thương. Do đó, người bệnh ung thư tuyến giáp nên ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin C, chẳng hạn như: quả cam, bưởi, kiwi, dâu tây, dứa, lựu, lê, rau dền, cải bó xôi, ớt chuông và các loại quả mọng (dâu tây, nho,…).
Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu giúp tăng cường sức đề kháng bằng cách gia tăng độ nhạy cảm của hệ miễn dịch, hỗ trợ sự hồi phục sau phẫu thuật và thúc đẩy cơ thể tổng hợp protein để chữa lành vết thương sau phẫu thuật. Mặt khác, kẽm còn giúp người bệnh gia tăng cảm giác ăn ngon miệng và cải thiện khả năng hấp thụ năng lượng từ thức ăn.
Do đó, người bệnh ung thư tuyến giáp nên ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm để rút ngắn thời gian hồi phục sau phẫu thuật. Các loại thực phẩm giàu kẽm bao gồm: thịt bò, thịt gia cầm, hải sản (cua, tôm, cá,…), các loại đậu, hạt, sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai,…).