Ung thư tụy và những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh

09-10-2024 14:20 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Do đặc điểm bệnh lý, quá trình điều trị phức tạp nên việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bệnh nhân ung thư tụy tương đối khó. Nếu dinh dưỡng không đảm bảo sẽ làm giảm hiệu quả điều trị, đồng thời khiến tình trạng sức khỏe người mắc ung thư tụy chuyển biến xấu đi.

Tuyến tụy nằm phía sau dạ dày, phía trên bên trái bụng và có hai chức năng chính là tiêu hóa và điều hòa đường huyết. Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, dẫn đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu và tiêu hóa thức ăn suy giảm. Vì vậy, thói quen ăn uống của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng.

Dưới đây là một số gợi ý của Ths.Bs Phạm Thị Hương Len- Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Kiến An, Hải Phòng về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh mắc Ung thư tụy.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh ung thư tuỵ

Người bị ung thư tụy thường có cảm giác chán ăn, không có cảm giác đói dẫn đến bỏ bữa thường xuyên và suy nhược cơ thể về lâu dài. Do đó, việc xây dựng chế độ ăn uống đảm bảo cho bệnh nhân ung thư tụy cần được thực hiện cân đối giữa các yếu tố về dinh dưỡng. Cụ thể như sau:

1.1 Người bệnh cần đảm bảo chức năng tiêu hóa

Thực phẩm nạp vào cần cung cấp đủ các nhóm chất giúp tuyến tụy sản xuất lượng enzyme cần thiết. Các enzyme này giúp quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra dễ dàng và trường hợp ngược lại nếu thiếu các enzyme này sẽ khiến quá trình hấp thụ dinh dưỡng gặp khó khăn. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng khác như tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng…

Ung thư tụy và những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh- Ảnh 1.

Cá, các loại hạt, bông cải xanh, gạo lức... tốt cho bệnh nhân ung thư tụy.

1.2 Đảm bảo thể chất cho người bệnh

Khi mắc ung thư tụy, bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Nguyên nhân là do khối u giải phóng chất cytokine. Nó làm giảm sự thèm ăn, đốt cháy calo trong cơ thể. Kết hợp với các phương pháp điều trị, người bệnh cảm thấy suy kiệt, buồn nôn, gặp khó khăn với việc hấp thụ chất. Do đó, thực đơn hàng ngày cần giảm tải tình trạng này, tăng cường sức khỏe cho người bệnh.

1.3 Cân đối lượng đường huyết

Insulin trong tuyến tụy giúp kiểm soát đường trong máu. Khi xuất hiện khối u tụy, chức năng sản sinh insulin của tuyến bị giảm, dẫn tới nguy cơ cao bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Ngược lại, người bị đái tháo đường cũng là đối tượng mà u tuyến tụy dễ nhắm tới. Vì vậy, chế độ ăn uống của người bệnh phải đảm bảo giảm tinh bột, tăng cường chất xơ hạn chế tình trạng tăng đường huyết.

1.4 Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh

Ung thư tụy khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong vấn đề ăn uống và tiêu hóa thức ăn. Để hỗ trợ chức năng hấp thụ, đồ ăn nên ở dạng lỏng hoặc mềm, chia nhỏ, nhai kỹ. Người bệnh nên chia thành 4-6 bữa nhỏ trong ngày và bổ sung bữa phụ để các chất được cung cấp đầy đủ.

2. Một số loại thực phẩm được khuyến khích dùng cho người mắc ung thư tụy như sau:

2.1  Nhóm vitamin và chất xơ

+ Theo Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới, khẩu phần ăn của bệnh nhân cần có nhiều thực phẩm ít đường, nhiều chất xơ như rau, củ, quả, các loại đậu với ít nhất 5 phần không tinh bột mỗi ngày. Rau củ nên được nấu chín mềm để giảm mùi hăng và dễ ăn hơn. Các loại rau được ưu tiên như rau bina, bông cải xanh, cải xoăn, củ đậm màu.

+ Trái cây được dùng thường là loại quả mọng, thuộc họ cam quýt. Hoa quả giúp tăng sức đề kháng, chất xơ và chất chống oxy hóa. Tiêu biểu như việt quất, cam…

2.2  Nhóm chất đạm

Đồ ăn giàu chất đạm giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ hoạt động của tế bào và mô. Nguồn protein dồi dào trong thực phẩm dễ tiêu hóa thường là trứng, bơ đậu phộng, gà, cá, đậu phụ, thịt gia cầm…

Ung thư tụy và những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh- Ảnh 2.

Gạo lức (gạo lứt) là loại tinh bột giàu chất xơ, thích hợp cho người mắc ung thư tụy.

2.3 Nhóm tinh bột 

Tinh bột thông thường sẽ khiến lượng đường huyết người bệnh tăng nhanh nên cần chọn những thực phẩm có ít tinh bột, giàu chất xơ, vừa đảm bảo cung cấp đủ năng lượng mà không lo tăng đường trong máu. Một số tinh bột giàu chất xơ có trong gạo lức, bánh mì đen, yến mạch, ngũ cốc xay rối… giúp giảm nguy cơ mắc u tụy vì chứa một loại vitamin B là Folate.

2.4 Nhóm chất béo

Do cơ thể luôn cần một lượng chất béo vừa đủ để cung cấp năng lượng và duy trì thân nhiệt nên người bệnh cần lựa chọn nguồn chất béo lành mạnh có trong các loại thực phẩm như quả bơ, dầu ô liu, các hạt dinh dưỡng như hạnh nhân, óc chó, hạt điều…để bồi bổ cơ thể.

- Để đảm bảo quá trình điều trị được tốt nhất, ngoài việc uống đủ nước lọc trong ngày, bệnh nhân ung thư tụy có thể bổ sung nước ép hoa quả, nước cam, trà xanh…

3. Bệnh nhân ung thư tụy nên kiêng ăn gì?

Ngoài những thực phẩm nên dùng, người mắc ung thư tụy cần lưu ý những thứ nên kiêng hay cách chế biến đồ ăn, như:

- Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn

- Rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có cồn và chất kích thích.

- Thực phẩm chứa nhiều đường, nước ngọt.

- Thực phẩm chứa tinh bột tinh chế

- Thực phẩm chứa nhiều chất béo

Đặc biệt với những bệnh nhân mắc nhiều bệnh lý song song sẽ cần chú trọng hơn trong chế độ ăn uống. Để hiểu rõ hơn về chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng bệnh lý, người bệnh nên trao đổi thêm với bác sĩ điều trị và nhận tư vấn cụ thể.

Các loại thuốc điều trị ung thư tụyCác loại thuốc điều trị ung thư tụy

SKĐS - Ung thư tụy đặc biệt nguy hiểm bởi vì nó thường chỉ được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Để điều trị ung thư tụy, ngoài các phương pháp kỹ thuật hiện đại như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị còn cần kết hợp với các loại thuốc chuyên biệt.





Tiến Sinh
Ý kiến của bạn