Ung thư tụy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

19-09-2024 20:05 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ung thư tụy là một căn bệnh ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm bởi khó phát hiện, khó điều trị và tỉ lệ tử vong cực cao. Hầu hết bệnh nhân ung thư tụy sau khi điều trị bằng phẫu thuật chỉ sống được khoảng 2-3 năm, tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật cũng khá lớn.

1. Ung thư tụy là gì?

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ác tính nhất của đường tiêu hóa, đứng hàng thứ 6 trong các ung thư đường tiêu hóa và thứ 5 về tỷ lệ tử vong. Tỷ lệ sống thêm 5 năm chung cho tất cả các giai đoạn không quá 4%.

Ung thư tụy xảy ra khi các tế bào trong tuyến tụy bắt đầu sản sinh quá mức, vượt quá tầm kiểm soát và tạo thành một khối u.

Các loại ung thư tụy phổ biến nhất (95%) thường phát sinh từ tuyến ngoại tiết và được gọi là carcinom tuyến của tụy. Carcinom tuyến của tụy là một trong những loại ung thư xâm lấn nhất. Vào thời điểm chẩn đoán, hầu hết (80%) các trường hợp ung thư đều đã di căn đến các vị trí khác của cơ thể. Ung thư tuyến của tụy cũng ít hiệu quả với điều trị nội khoa và điều trị duy nhất có khả năng chữa khỏi hẳn là phẫu thuật.

Ung thư tụy là căn bệnh ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm bởi khó phát hiện, khó điều trị và tỉ lệ tử vong cực cao. Hầu hết bệnh nhân ung thư tụy sau khi điều trị bằng phẫu thuật chỉ sống được khoảng 12-18 tháng, tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật cũng khá lớn. Còn với những bệnh nhân bị ung thư tụy giai đoạn cuối không thể can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật thì đa số người bệnh đều không sống quá 1 năm sau khi phát hiện bệnh.

Ung thư tụy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Vị trí tụy trong ổ bụng. Ảnh: TL

Ung thư tụy chia làm 4 giai đoạn:

  1. Ung thư tụy giai đoạn 1: Xuất hiện khối u nằm khu trú trong tuyến tụy, kích thước chỉ dưới 2cm, hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nên bệnh nhân rất khó phát hiện bệnh.
  2. Ung thư tụy giai đoạn 2: Khối u đã có kích thước > 2cm, xâm lấn đến các mô lân cận tuyến tụy (tá tràng, ống mật) nhưng chưa ảnh hưởng đến các mạch máu
  3. Ung thư tụy giai đoạn 3: Khối ung thư xâm lấn vào các mạch máu và di căn tới nhiều hạch bạch huyết cũng như các cơ quan lân cận (dạ dày, đại tràng, lách)
  4. Ung thư tụy giai đoạn 4: Khối u có thể đạt bất kỳ kích thước nào, xâm lấn đến những bộ phận xa hơn như gan, phổi...

2. Triệu chứng bệnh ung thư tụy

Ở giai đoạn sớm, các biểu hiện lâm sàng của ung thư tụy khá mơ hồ, thường được phát hiện bệnh thường được phát hiện tình cờ.

Đến khi phát hiện muộn, bệnh nhân thấy đau thường ở vùng thượng vị hay vùng hạ sườn phải, đau ở bụng dưới trong thời gian dài trước khi biểu hiện các triệu chứng khác.

Vì thế, đa phần người bệnh không phát hiện sớm bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường thì bệnh đã tới giai đoạn muộn. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ thấy các triệu chứng như:

  • Đau bụng thượng vị xuyên sau lưng;
  • Vàng da và vàng mắt;
  • Ngứa da lòng bàn tay, bàn chân;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Túi mật phình to;
  • Phân lỏng, có mùi;
  • Thay đổi màu sắc nước tiểu;
  • Sụt giảm cân…

3. Nguyên nhân nào dẫn đến ung thư tụy?

Theo BS. Trần Tuấn Hạnh – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, bất kỳ điều gì làm tăng khả năng phát triển ung thư đều được xem là yếu tố nguy cơ; có thể từ những hoạt động của chính bản thân người bệnh, tác động từ môi trường sống xung quanh hoặc được truyền từ ba mẹ sang con cái qua bộ gen (gen là bộ mã hóa cho các tế bào trong cơ thể chúng ta).

Một số yếu tố có nguy cơ gây ung thư tụy như: Hút thuốc lá (30%), người lớn tuổi (tuổi trung bình khoảng 70), nam giới - tỷ lệ nam/nữ của ung thư tuyến tụy là 1,5/1, viêm tụy mạn do rượu, sỏi mật..., đái tháo đường, chế độ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, đường, uống nhiều nước ngọt có gas, tiền sử gia đình bị ung thư tụy, nhóm máu… 40% là tự phát, 5% có sự liên quan tới đột biến gen.

Theo một nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, những người thuộc nhóm máu A và B có nguy cơ mắc ung thư tụy cao hơn.

4. Cách nào để phòng bệnh ung thư tụy?

Bạn không thể ngăn ngừa ung thư tụy, nhưng có thể chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư tụy như:

  • Không hút thuốc lá;
  • Hạn chế thức uống có nồng độ cồn cao;
  • Ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt…;
  • Giảm lượng thịt đỏ, đường, thực phẩm chế biến sẵn;
  • Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại như amiang, thuốc trừ sâu, hóa dầu; cần mang đồ bảo hộ cẩn thận khi hoạt động trong môi trường hóa nhất;
  • Duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng cơ thể, thường xuyên tập luyện thể thao phù hợp với sức khỏe;
  • Tầm soát ung thư định kỳ nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy (tiền căn gia đình, đột biến gen đã biết…).

5. Cách nào điều trị ung thư tụy?

Khi thăm khám một bệnh nhân nghi ngờ có ung thư tụy, ngoài hỏi bệnh sử, tiền căn bản thân, tiền sử gia đình và kiểm tra tổng quát người bệnh, bác sĩ còn cần thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng cần thiết để đánh giá toàn diện và chính xác nhất về bệnh như:

  • Xét nghiệm máu;
  • Chẩn đoán hình ảnh;
  • Nội soi;
  • Sinh thiết;
  • Xét nghiệm gen;
  • Xét nghiệm dấu ấn sinh học.
Ung thư tụy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Khối u tuyến tụy. Ảnh: TL

Việc điều trị tốt ung thư tụy tùy thuộc vào mức độ lan rộng của khối u, giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe, độ tuổi… của mỗi người bệnh, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp. Người bệnh có thể được chỉ định:

Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần ung thư xâm lấn, giữ lại các phần và bộ phận không bị khối u tấn công.

Hóa trị: Đây là phương pháp sử dụng các loại thuốc điều trị ung thư nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Xạ trị: Là biện pháp sử dụng tia X và các tia năng lượng cao khác để tiêu diệt tế bào ung thư.

Liệu pháp xâm lấn: Đây là phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư thần kinh nội tiết tuyến tụy đã di căn đến gan hoặc các cơ quan khác.

Thuyên tắc: Đây là một kỹ thuật được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách ngăn chặn sự cung cấp máu cho khối u.

Phẫu thuật lạnh: Phương pháp này làm đóng băng các tế bào ung thư và các mô xung quanh bằng một đầu dò được đưa vào các mô và chứa đầy nitơ lỏng hoặc carbon dioxide lỏng. Ngoài ra, trong điều trị ung thư tuyến tụy, người bệnh có thể được chỉ định liệu pháp nội tiết, phương pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp dinh dưỡng, cắt bỏ tần số vô tuyến điện.

Mức độ của ung thư có thể được phân loại như sau:

  • Ung thư tại chỗ: Ung thư chỉ khu trú giới hạn trong tuyến tụy;
  • Ung thư tại chỗ nhưng đã tiến triển nhiều: Ung thư đã lan rộng từ tuyến tụy đến các mạch máu hoặc cơ quan lân cận;
  • Ung thư di căn: Ung thư đã lan ra khỏi tuyến tụy để đến các bộ phận khác của cơ thể.

BSCKII Trần Tuấn Hạnh cho hay, bệnh ung thư tụy khiến người bệnh phải chịu những cơn đau đớn triền miên bởi khối u chèn ép lên các dây thần kinh và những cơ quan xung quanh.

Việc điều trị chủ yếu cho người bệnh ở giai đoạn muộn là nhằm mục đích giảm đau, giảm nhẹ những triệu chứng khó chịu ở bệnh nhân. Đa số bệnh nhân ung thư tuyến tụy khi được phát hiện bệnh thì đã tiến triển đến giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn trong việc điều trị.

Theo đó, chúng tôi khuyến cáo, người dân nên đi kiểm tra định kỳ thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, đặc biệt khi có các triệu chứng bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có phương pháp xử lý đúng đắn. Tùy vị trí và giai đoạn bệnh có các phương pháp điều trị tương ứng.


Tiến SInh
Ý kiến của bạn