Ung thư tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị

18-07-2024 11:22 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ung thư tinh hoàn là bệnh lý hiếm gặp nhưng tỷ lệ chữa khỏi khá cao. Nam giới cần phát hiện ra những bất thường sớm ở tinh hoàn để thăm khám và điều trị.

Ung thư tinh hoàn là một bệnh lý nguy hiểm nhưng ít gặp. Tỷ lệ chữa khỏi của căn bệnh này khá cao. Ung thư tinh hoàn là tình trạng tế bào ung thư phát triển bất thường ở nhu mô tinh hoàn. Khối u có thể ở một hoặc hai bên tinh hoàn. Ban đầu kích thước khối u khá nhỏ, lâu ngày sẽ to lên và xâm lấn toàn bộ tinh hoàn.

1. Nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn

Hiện tại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn. Ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn trở nên bất thường. 

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn:

  • Nam giới trong độ tuổi 15-35 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
  • Tiền sử có bất thường về bộ phận sinh dục như: tinh hoàn lạc chỗ, tinh hoàn không hạ xuống, tinh hoàn bất thường, tinh hoàn ẩn
  • Di truyền: Trong gia đình có người bị ung thư tinh hoàn
  • Người nghiện hút thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích…
  • Người quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến tình trạng viêm mạn tính đường tiết niệu và gây viêm tinh hoàn. Nếu bị viêm tinh hoàn mạn tính có thể dẫn đến ung thư tinh hoàn.

2. Triệu chứng ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn có dấu hiệu gì? Dựa vào giai đoạn bệnh và tình trạng bệnh của từng người sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Bệnh được chia làm 2 giai đoạn: ung thư tinh hoàn giai đoạn sớm và ung thư tinh hoàn giai đoạn muộn:

Giai đoạn sớm: Ở giai đoạn này, bệnh chưa có biểu hiện rõ ràng hay bất thường gì ở cơ thể. Nam giới chỉ có thể phát hiện bệnh thông qua thăm khám sức khỏe sinh sản. Các bác sĩ khi phát hiện ra bất thường ở nhu mô tinh hoàn và dựa vào sinh thiết khối u bất thường để chẩn đoán bệnh.

Giai đoạn muộn: Bệnh thường có các biểu hiện toàn thân và tại cơ quan sinh dục. Những triệu chứng toàn thân có thể gặp ở giai đoạn này là:

  • Cảm thấy mệt mỏi và xuất hiện các cơn sốt nhẹ khoảng 37,5 -38,5 độ C
  • Sút cân không rõ lý do
Ung thư tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 1.

ThS.BSCKII Nguyễn Trần Thành - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu - Nam học (Bệnh viện 19-8).

Các biểu hiện ở vùng sinh dục ở giai đoạn này là:

  • Khi sờ tinh hoàn bằng tay có thể phát hiện những khối u bất thường cảm giác lổn nhổn, cứng và chắc hơn nhu mô mềm của tinh hoàn. Nếu ấn vào có cảm giác đau tức, khó chịu. Cảm giác đau tức tinh hoàn là biểu hiện thường gặp nhất.
  • Một bên hoặc hai bên tinh hoàn to bất thường
  • Cảm giác đau lan theo thần kinh sang khu vực bẹn bìu và tầng sinh môn.
  • Khi khối u di căn sẽ có biểu hiện ở vùng di căn. Ví dụ di căn đến xương sẽ gây đau mỏi xương, di căn đến nội tạng gan phổi và cơ quan trong ổ bụng sẽ gây rối loạn tiêu hóa.
  • Xét nghiệm máu liên quan đến chỉ số ung thư tăng cao. Khi siêu âm Doppler tinh hoàn xuất hiện các khối u tại một hoặc cả 2 bên có biểu hiện tăng sinh mạch.

Thông qua các triệu chứng lâm sàng bác sĩ nam khoa sẽ chỉ định xét nghiệm như chụp MRI để xác định khối u có di căn hay không. Kết quả này sẽ giúp bác sĩ đánh giá được mức độ của ung thư tinh hoàn. Ngoài ra bệnh nhân có thể được chỉ định xét nghiệm sinh thiết để tìm bản chất của tế bào ung thư và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

3. Ung thư tinh hoàn có lây không?

Ung thư tinh hoàn không phải là bệnh lý truyền nhiễm, không thể lây từ người này qua người khác hoặc lây qua đường tình dục.

Ung thư tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 2.

Một trường hợp người bệnh bị đau tinh hoàn do viêm tinh hoàn nhưng không thăm khám dẫn tới ung thư phải cắt bỏ tinh hoàn trái.

4. Phòng ngừa ung thư tinh hoàn

Không có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn bệnh ung thư tinh hoàn, nam giới nên giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách duy trì các thói quen lành mạnh:

  • Duy trì lối sống khoa học để nâng cao sức khỏe tổng quát cũng như sức khỏe sinh sản ở nam giới. Nam giới nên duy trì lối sống lành mạnh bằng việc tập luyện thể thao thường xuyên, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Thói quen duy trì vận động vừa giúp tăng cường thể trạng vừa giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư trong đó có ung thư tinh hoàn.
    Ngoài ra, nam giới nên lựa chọn thực đơn bổ sung nhiều rau củ quả, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhiều chất béo, nên giảm đường và muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Có đời sống tình dục lành mạnh, quan hệ tình dục với các đối tác an toàn và sử dụng biện pháp bảo vệ. Nam giới nên quan hệ với một đối tác, quan hệ chung thủy một vợ một chồng. Việc sử dụng bao cao su khi quan hệ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục từ đó tránh được các tác nhân gây ung thư tinh hoàn.
  • Nam giới nên tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… vừa tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục hàng ngày và nên tự kiểm tra tinh hoàn khi tắm để phát hiện được những bất thường. Khi tinh hoàn to lên, sưng hoặc có những cục/u bất thường sờ vào thấy đau tức… thì nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa.
  • Thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc kiểm tra sức khỏe sinh sản theo khuyến nghị của bác sĩ nam khoa. Đây là cách giúp nam giới phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường hoặc triệu chứng sớm của ung thư tinh hoàn. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ có những phương pháp điều trị hiệu quả.
  • Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại như asbest, chì… Nếu làm việc trong môi trường độc hại cần tuân thủ bảo hộ nghiêm ngặt.

5. Điều trị ung thư tinh hoàn

Dựa vào tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn là:

  • Phẫu thuật: Người bệnh sẽ được cắt tinh hoàn nạo vét hạch bẹn triệt để
  • Xạ trị hoặc hóa trị cho bệnh nhân. Trước khi hóa xạ trị người bệnh có thể trữ tinh trùng ở ngân hàng tinh trùng nếu có nhu cầu sinh sản.
  • Hóa trị hoặc phẫu thuật lấy hạch bạch huyết sau phúc mạc cho ung thư không tuyến tinh

Sau khi điều trị, người bệnh cần thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi các nguy cơ tái phát bệnh.

Bài tập cải thiện chất lượng sống cho người bệnh ung thư tinh hoànBài tập cải thiện chất lượng sống cho người bệnh ung thư tinh hoàn

SKĐS – Với người bệnh ung thư tinh hoàn, kiên trì thực hiện các bài tập luyện thể chất hàng ngày không chỉ giúp phục hồi sức khỏe mà còn giúp cải thiện tâm trạng, nâng cao chất lượng sống...


ThS.BSCKII Nguyễn Trần Thành
Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu - Nam học (Bệnh viện 19-8)
Ý kiến của bạn