Ung thư thực quản: Biện pháp điều trị, cách chăm sóc và phòng ngừa

27-12-2021 09:26 | Ung thư

SKĐS - Ung thư thực quản là loại phổ biến và có tiên lượng xấu. Bởi đa số khi được phát hiện trên lâm sàng thì khối u đã ở giai đoạn tiến triển, có xâm lấn. Do đó cần phát hiện sớm để việc điều trị đạt hiệu quả và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Ung thư thực quản: Chẩn đoán, điều trị và tiên lượng Ung thư thực quản: Chẩn đoán, điều trị và tiên lượng

SKĐS- Ung thư thực quản có tỉ lệ mắc cao đứng thứ 3 trong ung thư đường tiêu hóa. Bệnh có tiên lượng xấu với tỉ lệ tử vong cao do được chẩn đoán muộn khi đã di căn xa tại gan, phổi, hạch ổ bụng. Vì vậy việc phát hiện chẩn đoán sớm là hết sức quan trọng.

1. Ai có nguy cơ mắc ung thư thực quản?

Tại Việt Nam, ung thư thực quản nằm trong 10 loại ung thư hay gặp nhất. Đối với ung thư đường tiêu hóa, ung thư thực quản chỉ đứng sau ung thư đại tràngung thư dạ dày.

Như vậy, đây loại bệnh khá thường gặp, nguy cơ gia tăng theo độ tuổi. Thường gặp ở tuổi 40 trở lên, nam giới nhiều hơn nữ giới (trong 10 trường hợp thì có khoảng 8-9 trường hợp là nam giới).

Về tỉ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn, có thể liên quan đến thói quen sinh hoạt, ăn uống làm gia tăng mắc ung thư thực quản. Trong các thống kê thì những người có thói quen thường xuyên uống rượu, hút thuốc là có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.

Ngoài ra, một số người mắc các bệnh: Trào ngược dạ dày - thực quản; viêm thực quản mạn tính do trào ngược; thực quản Barette… đều có nguy cơ cao dẫn tới ung thư thực quản.

Ung thư thực quản và biện pháp điều trị, chăm sóc - Ảnh 1.

Hình ảnh ung thư thực quản.

Hiện nay, dù đã có những tiến bộ rất lớn trong y học, nhưng việc điều trị dứt điểm bệnh này vẫn còn là một thách thức, bởi khi được phát hiện thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn.

Việc chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh sẽ mang lại thêm nhiều cơ hội cho người bệnh. Vì vậy, đối với những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao như trên cần phải có sự theo dõi sức khỏe thường xuyên cũng như tư vấn của các bác sĩ.

2. Bệnh có biểu hiện như thế nào?

Khi khối u còn khu trú, người bệnh sẽ có biểu hiện như rối loạn khi nuốt. Cảm giác nghẹn có thể xuất hiện nhiều hoặc ít. Nếu giai đoạn này bệnh nhân không đi khám và phát hiện bệnh để điều trị, thì sau khoảng thời gian vài tháng khối u sẽ phát triển nhanh chóng, triệu chứng nuốt nghẹn sẽ tăng lên dần và kéo dài.

Tuy nhiên, một số trường hợp có thể không có triệu chứng này do khối u tiên phát chỉ xâm lấn vào những tổ chức lân cận mà không xâm lấn vào thực quản. Hơn nữa, với đặc điểm cấu tạo của thực quản là một ống cơ trơn có khả năng co giãn nên triệu chứng nuốt nghẹn thường xuất hiện muộn, không đặc hiệu.

Ở giai đoạn muộn hơn, khi khối u tăng kích thước làm chèn ép, hẹp lòng thực quản, bệnh nhân sẽ có triệu chứng nôn. Nôn xuất hiện sau khi biểu hiện nuốt nghẹn đã rõ rệt. Nôn có thể xảy ra trong bữa ăn ngay sau khi ăn. Chất nôn là thức ăn vừa mới ăn vào không có lẫn dịch vị và có thể có vài tia máu nhỏ trong chất nôn.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện khác như:

  • Tiết nhiều nước bọt
  • Ho
  • Nấc
  • Đau tức ngực, đau sau xương ức
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Sặc
  • Khàn tiếng
  • Sút cân nhanh…

3. Biện pháp nào điều trị ung thư thực quản?

Hiện nay, điều trị ung thư thực quản là điều trị đa mô thức. Cần phối hợp nhiều chuyên ngành cùng chăm sóc nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Tùy vị trí khối u và giai đoạn bệnh mà bác sĩ lựa chọn chiến thuật điều trị hợp lý.

Mặc dù biện pháp phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất trong điều trị ung thư thực quản. Nhưng ở những bệnh nhân có các tổn thương không thể phẫu thuật, thì biện pháp hóa trị, xạ trị triệt căn là phương pháp thay thế hiệu quả.

3.1. Biện pháp phẫu thuật:

Phương pháp này được áp dụng để loại bỏ những khối u trong thực quản. Tùy vào tình trạng bệnh cũng như giai đoạn phát triển của khối u mà các bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định phẫu thuật khác nhau.

Với tổn thương thực quản giai đoạn sớm, khối u chưa xâm lấn tới lớp cơ, được điều trị bằng cắt hớt niêm mạc nội soi, laser hoặc quang đông. Phẫu thuật cắt thực quản làm ống cuốn dạ dày được chỉ định cho tổn thương chưa xâm lấn khỏi thành thực quản, chưa có di căn hạch. Khi khối u xâm lấn khỏi thành thực quản hoặc có di căn hạch thì cần kết hợp điều trị bằng hóa chất, xạ trị và phẫu thuật.

Có thể phẫu thuật cắt bỏ một đoạn thực quản mang theo khối u và tái lập lưu thông tiêu hóa bằng nhân tạo hoặc phẫu thuật cắt bỏ những khối u trong lòng ống thực quản với mục đích giảm triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân….

Với bệnh nhân đã có di căn xa, thì chỉ điều trị hóa chất và chăm sóc giảm nhẹ. Những tổn thương xâm lấn rộng gây triệu chứng nuốt nghẹn, đau ngực, khó thở có thể chỉ định xạ giảm nhẹ, đặt stent hoặc mở thông dạ dày nuôi dưỡng.

Với bệnh nhân có vị trí khối u ở 1/3 đoạn thực quản phía trên thi việc thực hiện phẫu thuật rất khó khăn, do đó được chỉ định hóa/xạ trị triệt căn.

Ung thư thực quản và biện pháp điều trị, chăm sóc - Ảnh 3.

Phẫu thuật nội soi điều trị ung thư thực quản.

3.2. Biện pháp xạ trị:

Là biện pháp sử dụng nguồn tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Có thể sử dụng xạ ngoài với tia phóng xạ phát ra từ máy xạ trị, hoặc xạ trong bằng hoạt chất có hoạt tính phóng xa được đặt vào khối u.

Biện pháp xạ trị có thể được sử dụng để điều trị đơn độc hoặc kết hợp với hóa chất để thay cho phương pháp phẫu thuật. Đặc biệt là vớikhối u ở vị trí khó can thiệp bằng ngoại khoa, khối u lớn. Điều trị tia xạ có thể giúp bệnh nhân giảm đau và nuốt dễ dàng hơn.

Hiện nay, xạ trị đơn thuần ít được sử dụng để điều trị ung thư thực quản vì hiệu quả thấp hơn hóa trị liệu. Tuy nhiên, xạ trị được sử dụng phối hợp với phẫu thuật và hóa trị cho thấy hiệu quả trong cải thiện triệu chứng cũng như kiểm soát khối u tại chỗ.

Với sự tiến bộ của y học, các kỹ thuật xạ trị hiện đại như xạ trị điều biến liều hoặc xạ trị quay điều biến thể tích giúp kiểm soát u tốt hơn trong khi hạn chế tác dụng phụ trên mô lành.

3.3. Biện pháp hóa trị:

Biện pháp này được áp dụng với các giai đoạn bệnh tiến xa hoặc di căn. Biện pháp này sử dụng các hóa chất kháng ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị thường được sử dụng trước hoặc sau khi phẫu thuật ở những người bị ung thư thực quản. Hóa trị cũng có thể được kết hợp với xạ trị. Ở người bị bệnh ung thư đã lan rộng ra khỏi thực quản, hóa trị có thể được sử dụng đơn độc để giúp làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi ung thư.

3.4. Biện pháp laser:

Đây là phương pháp sử dụng ánh sáng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Biện pháp này ảnh hưởng đến các tế bào trong vùng điều trị, có tác dụng phá hủy khối u, giúp giải phóng tắc nghẽn thực quản, làm giảm triệu chứng nghẹn, khó nuốt cho bệnh nhân.

3.5. Biện pháp quang động học:

Biện pháp này sử dụng thuốc đặc hiệu, chỉ tế bào ung thư mới hấp thụ khi chiếu một loại ánh sáng đặc biệt vào vùng tế bào này. Các thuốc sẽ hoạt động và tiêu diệt tế bào ung thư, giúp giảm triệu chứng khó nuốt.

3.6.Các phương pháp hỗ trợ:

Dù có rất nhiều các phương pháp khác nhau để hỗ trợ điều trị bệnh ung thư thực quản. Nhưng một vấn đề đặt ra gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị đó là giúp làm giảm đau cho bệnh nhân.

Các loại thuốc giảm đau dù có thể có tác dụng, nhưng đau do ung thư là dạng đau thường kéo dài với cường độ đau rất mạnh, nên việc dùng thuốc giảm đau cũng gây không ít nguy hại cho bệnh nhân. Do vậy, những liệu pháp bổ sung rất đáng được cân nhắc và sử dụng để giúp làm giảm bớt đi những cơn đau cho người bệnh như: Massage, châm cứu, kỹ thuật thư giãn…

4. Chăm sóc cho bệnh nhân ung thư thực quản

Ngoài chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, thì việc chuẩn bị tinh thần và tâm lý cho bệnh nhân cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong điều trị. Hầu hết bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc ung thư đều sẽ rơi vào một tâm trạng khủng hoảng, tuyệt vọng...

Lúc này, các bác sĩ cần có sự tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh và gia đình của họ, giúp họ vượt qua được sự khủng hoảng tâm lý và tạo cho họ niềm tin, quyết tâm nỗ lực đấu tranh với bệnh tật. Việc làm này rất quan trọng và gần như có thể nói là chìa khóa giúp bệnh nhân chiến thắng bệnh tật.

Sau khi điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi rất chặt chẽ, do bệnh ung thư thực quản có khả năng tái phát, di căn xa nhanh. Ngoài khám bệnh định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ thì cần theo dõi các triệu chứng: Cân nặng, nuốt nghẹn, đau.

5. Cách nào để phòng bệnh?

Để phòng tránh và giảm tỷ lệ mắc ung thư thực quản, cần bỏ thói quen hút thuốc lá, không lạm dụng bia rượu hay các chất kích thích khác…

Nên sử dụng nhiều các thực phẩm sạch và tươi như rau củ, trái cây trong bữa ăn hàng ngày.

Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì, tăng cân quá mức.

Khi có một trong các triệu chứng nêu trên, người bệnh nên đi khám bệnh để được chẩn đoán đúng. Có rất nhiều bệnh không phải ung thư thực quản cũng có các triệu chứng tương tự, như: Co thắt tâm vị, hẹp thực quản do viêm…

Do đó, dù có biểu hiện nhưng cũng không nên quá lo lắng, tự chẩn đoán bệnh cho mình. Không nên nghe theo những phương pháp điều trị không có cơ sở khoa học mà nên đến ngay những cơ sở y tế đáng tin cậy để thăm khám và tuân thủ theo phác đồ điều trị của các bác sĩ đưa ra.

Mời độc giả xem thêm video:

Vai trò của các đột biến đối với sức mạnh của Omicron | SKĐS

B.S Vũ Dũng
Ý kiến của bạn