Thanh quản là cơ quan nằm giữa hạ họng (đáy lưỡi) và thực quản/ khí quản, là một phần của cơ quan hô hấp. Ung thư thanh quản thuộc vùng đường hô hấp - tiêu hóa trên (V.A.D.S), gặp nhiều ở các nước công nghiệp phát triển (Âu - Mỹ), trung bình chiếm khoảng 10% so với ung thư toàn thân. Ở Việt Nam ngày càng gặp nhiều thể ung thư thanh quản đơn thuần hơn là ung thư hạ họng. Hàng năm tại Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương thường khám và điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân ung thư vùng thanh quản, đứng hàng thứ hai sau ung thư vòm mũi họng trong chuyên khoa tai mũi họng. Ung thư thanh quản xuất hiện ở đàn ông gấp nhiều lần so với phụ nữ.
Nguyên nhân gây bệnh theo thứ tự nguy hiểm
Về mặt y học, ung thư thanh quản là các khối u ác tính xuất phát từ nội thanh quản (gồm 3 tầng) hoặc ở vùng bờ thành của thanh quản. Khi khối u lan rộng vào hạ họng thì còn được gọi là ung thư thanh quản hạ họng.
Trên thế giới hiện nay còn có nhiều tranh cãi về nguyên nhân gây ra ung thư thanh quản nhưng tổng hợp được từ những tài liệu cập nhật nhất, PGS. Phạm Trần Anh (Bệnh viện Tai- Mũi- Họng trung ương) đã đưa ra các nguyên nhân quan trọng theo thứ tự như sau: thuốc lá, rượu (sự phối hợp giữa rượu và thuốc lá có nguy cơ cao hơn), yếu tố nghề nghiệp (làm việc trong nhà máy hóa chất, mỏ có Nikel, Amiante, chrome...), đã bị tia xạ vùng trước cổ, nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, vitamine, viêm thanh quản mạn tính, tình trạng sừng hóa (kératore), bạch sản (leucoplasie), u nhú (papillome) của dây thanh được coi là tình trạng tiền ung thư.
Nhận biết có khó?
Vì lý do tiên lượng nặng nề của bệnh ung thư thanh quản giai đoạn muộn nên việc phát hiện sớm có liên quan chặt chẽ đến tiên lượng sống chết của bệnh nhân, nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. Người bệnh khi thấy xuất hiện các triệu chứng sau cần đi khám:
Triệu chứng xuất hiện đầu tiên là rối loạn giọng nói: giọng khàn, cứng, dai dẳng kéo dài và tăng dần. Các biện pháp điều trị nội khoa không đỡ, cứ tăng dần tới mức độ nói rất khàn, rè, nói mệt và kèm các dấu hiệu khác nữa.
Các dấu hiện xuất hiện muộn trên bệnh ung thư thanh quản có thể kể đến là ho khan, rồi ho khạc đờm nhầy lẫn máu; đau vùng cổ, trước thanh quản, có thể đau lan lên tai; khó chịu ở họng, cảm giác như có dị vật; khó thở thanh quản: khi khối u lan rộng che lấp lòng thanh quản; rối loạn về nuốt: có khi khối u lan ra ngoài thanh quản đến hạ họng gây ra nuốt vướng, nghẹn, đau, nuốt tắc.
Điều trị như thế nào?
Để chẩn đoán ung thư thanh quản, bệnh nhân nhất thiết phải đến khám bác sĩ tai mũi họng. Các bác sĩ sẽ tiến hành khám nội soi, chụp phim cắt lớp vi tính (CT- Scan), khi cần sẽ sinh thiết khối u để đưa ra chẩn đoán quyết định dựa trên kết quả giải phẫu bệnh lý.
Thành công của điều trị ung thư thanh quản phụ thuộc vào giai đoạn của khối u. Ở giai đoạn sớm các bác sĩ có thể sử dụng phẫu thuật cắt dây thanh, vẫn có thể bảo tồn giọng nói. Khi đến giai đoạn muộn, phải cắt thanh quản bán phần, hoặc cắt thanh quản toàn phần, kèm theo phẫu thuật nạo vét hạch cổ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được tia xạ hậu phẫu và điều trị hoá chất phối hợp, kèm theo nâng cao thể trạng và tình trạng miễn dịch chung. Để phục hồi giọng nói sau cắt bỏ thanh quản toàn phần có 3 phương pháp: lắp van phát âm khí thực quản, tập nói giọng thực quản và dùng dụng cụ thanh quản điện.
Về tiên lượng của bệnh ung thư thanh quản phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và việc chọn lựa phương pháp điều trị đúng, triệt để. Ung thư thanh quản là một trong các bệnh lý ung thư vùng tai mũi họng có thể mổ cắt bỏ được triệt để và có thể phục hồi phát âm tốt, tiên lượng sống sau 5 năm trên 70%. Tiên lượng trở nên xấu khi xuất hiện ung thư thứ 2.
Do vậy, người dân cần đi khám phát hiện sớm khi có các dấu hiệu gợi ý như khàn tiếng kéo dài hoặc thay đổi giọng, nhất là khi kéo dài sau 2 đến 3 tuần, để phát hiện và điều trị sớm ung thư thanh quản.