Hà Nội

Ung thư phổi sống được bao lâu?

21-07-2023 06:44 | Ung thư
google news

SKĐS - Hiệu quả điều trị ung thư phổi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, bệnh lý đi kèm, thể trạng người bệnh và đáp ứng của người bệnh với các phương pháp điều trị.

Tiên lượng cho người mắc ung thư phổi qua từng giai đoạn

Tiên lượng của ung thư phổi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh. Ngoài ra còn phụ thuộc loại tế bào ung thư, các bệnh lý nền đi kèm, thể trạng của người bệnh. Và đáp ứng của người bệnh với các phương pháp điều trị.

Ở giai đoạn sớm, ung thư phổi hoàn toàn có thể điều trị khỏi (điều trị triệt căn) bằng phẫu thuật, xạ trị triệt căn, hoặc hóa chất và xạ trị kết hợp... Sau khi điều trị triệt căn, người bệnh vẫn cần được tái khám định kỳ theo hẹn để theo dõi diễn biến bệnh.

Đối với những giai đoạn muộn hơn (bệnh tiến triển tại chỗ hoặc di căn xa), tiên lượng về thời gian sống cũng thấp hơn. Thường dao động khoảng 1-3 năm tùy giai đoạn và cơ quan bị khối u di căn tới. Việc điều trị khỏi hoàn toàn thường không đặt ra ở những giai đoạn này. Mục tiêu điều trị thời điểm này là duy trì sự ổn định bệnh lâu dài nhất có thể và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Các liệu pháp điều trị đặt ra là hóa chất, thuốc điều trị đích, thuốc miễn dịch, chăm sóc giảm nhẹ (giảm đau, nâng cao thể trạng…).

Hiện nay nhờ các thành tựu nghiên cứu mới, chúng ta đã có thuốc điều trị đích, thuốc miễn dịch đang phát huy hiệu quả tốt ở những người bệnh ung thư phổi giai đoạn muộn, giúp nâng cao thời gian sống thêm và cả chất lượng sống cho người bệnh. Đã có nhiều người ung thư phổi giai đoạn 4 đáp ứng tốt với điều trị có thời gian sống thêm 7- 10 năm.

ThS.BSNT Phan Hữu Kiệm giái đáp thông tin về tiên lượng đối với bệnh nhân ung thư phổi qua từng giai đoạn.

Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh lại rằng đa số người bệnh Việt Nam phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, di căn (giai đoạn muộn). Nên việc khám sức khỏe phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm là rất quan trọng. Và cần nhớ rằng, các ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng có thể điều trị khỏi hoàn toàn ở giai đoạn sớm.

Phòng ngừa ung thư phổi

Có thể phòng ngừa ung thư phổi bằng cách sau:

Nhận diện các yếu tố nguy cơ gây ung thư để loại bỏ chúng. Nếu bạn đang sống trong một môi trường đầy ô nhiễm khói bụi, làm việc ở môi trường độc hại... hãy cố gắng thay đổi điều đó. Nếu trong gia đình có nhiều người mắc ung thư phổi, bạn cần phải để ý hơn về vấn đề u phổi trong những lần khám sức khỏe tổng quát. Nếu bạn đang có những bệnh lý hô hấp mạn tính, hãy điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ và tuân thủ kiểm tra định kỳ. Nếu bạn bị mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch, HIV-AIDS thì cần phải đặc biệt chú ý tới vấn đề ung thư bên cạnh các bệnh cơ hội có thể mắc phải.

Nâng cao sức đề kháng (hệ miễn dịch) của cơ thể. Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các tế bào ung thư ngay từ khi chúng vừa được hình thành. Và ngay cả trong quá trình điều trị, nếu một cơ thể có một hệ miễn dịch tốt thì hiệu quả điều trị cũng sẽ tốt. Đó là lý do mà các nghiên cứu về điều trị ung thư ngày nay đang tập trung vào các cơ chế miễn dịch ở cấp độ tế bào, phân tử.

Để có một hệ miễn dịch tốt thì người dân cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và thể dục thể thao phù hợp với từng cá nhân. Về chế độ ăn uống, người bệnh cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, bữa ăn cần đa dạng các thành phần rau củ quả, thịt cá, trứng sữa…

Ung thư phổi sống được bao lâu - Ảnh 1.

Nếu được phát hiện sớm, ung thư phổi có thể được điều trị triệt căn.

Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ (thường 6-12 tháng/lần) rất quan trọng trong việc phát hiện sớm những tổn thương trong cơ thể nói chung và tổn thương u ở phổi nói riêng.

Những đối tượng hút thuốc lâu năm trên 40 tuổi cần đặc biệt chú ý hơn về vấn đề này. Vì đây là những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.

Ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng có những phương pháp điều trị sau:

  • Phẫu thuật
  • Hóa chất
  • Xạ trị
  • Thuốc điều trị đích
  • Thuốc điều trị miễn dịch
  • Điều trị chăm sóc giảm nhẹ.

Việc điều trị thông thường sẽ là sự kết hợp của các phương pháp trên. Tùy thuộc vào từng giai đoạn, loại tế bào ung thư, thể trạng, bệnh lý nền và điều kiện kinh tế của bệnh nhân.

Phác đồ điều trị cũng như các nghiên cứu về ung thư luôn được đổi mới và cập nhật. Trong tương lai sẽ có những thuốc và phương pháp điều trị mới có hiệu quả hơn nữa.

Ung thư phổi sống được bao lâu - Ảnh 2.

Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt.

Người mắc ung thư phổi có nên kiêng ăn loại thực phẩm nào không?

Hiện chưa có khuyến cáo về loại thực phẩm đặc biệt nào cần phải kiêng đối với người bệnh ung thư phổi. Trong quá trình điều trị, nếu có loại thực phẩm nào tương tác với thuốc điều trị thì bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân và gia đình để họ có thể nắm bắt được. 

Hiện nay, trong thời đại mà việc tiếp cận thông tin quá dễ dàng, người bệnh không có đủ kiến thức và kỹ năng chọn lọc, phản biện nên rất dễ bị lôi cuốn vào những trào lưu phản khoa học như thực dưỡng, nhịn ăn kéo dài, ăn kiêng hoàn toàn một loại thực phẩm nào đó như thịt, tinh bột…

Những hành vi này khiến cho cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng để hoạt động bình thường. Khiến các cơ quan bị rối loạn, bệnh nhân mệt mỏi, suy kiệt hệ miễn dịch. Từ đó bị suy giảm khả năng chống lại tế bào ung thư. Đồng thời còn khiến người bệnh còn mắc thêm một số bệnh cơ hội khác. Ngoài ra, còn có những người bệnh tự tìm hiểu và điều trị bằng thuốc lá, thuốc không rõ nguồn gốc như nấm linh chi, nấm lim xanh, lá xạ đen…

Điều đó cực kỳ nguy hiểm vì chúng tiềm ẩn nguy cơ gây suy gan, suy thận đối với người dùng và còn làm bệnh nhân lỡ mất thời điểm vàng cho việc điều trị bệnh. Nhiều bệnh nhân trở lại cơ sở y tế khi cơ thể đã bị suy kiệt vì suy gan, suy thận, ăn uống kém. Lúc này bệnh lại tiến triển rầm rộ, việc điều trị lúc này hết sức khó khăn và tiên lượng cũng không khả quan. Người bệnh cần tham vấn ý kiến của bác sĩ, người có chuyên môn về bệnh ung thư cho những thông tin cũng như phương pháp điều trị được đưa ra.

Xem thêm video được quan tâm:

Ung Thư Phổi Trẻ Hóa, Ai Có Nguy Cơ Mắc | SKĐS


ThS.BSNT Phan Hữu Kiệm
Khoa Nội IV - Bệnh viện Phổi Hà Nội
Ý kiến của bạn