Tuy nhiên các phương pháp điều trị này thường gây ra nhiều tác dụng phụ cho người bệnh. Vậy làm thế nào để hóa giải được nỗi lo hóa xạ trị cho người bệnh?
Điều trị ung thư phổi
Theo số liệu thống kê mới nhất của GLOBOCAN – một chuyên trang của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC, vào năm 2018, toàn thế giới có khoảng 2.093.876 người mắc và khoảng 1.761.007 người tử vong vì bệnh ung thư phổi. Tại Việt Nam, cũng theo thống kê của GLOBOCAN, ước tính có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.710 ca tử vong vì ung thư phổi trong năm vừa qua. Có nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi, tuy nhiên khói thuốc lá được nhấn mạnh như là một trong những nguyên nhân chính, chiếm 90% các tác nhân sinh bệnh. Các triệu chứng, dấu hiệu báo động thường mơ hồ, không đặc hiệu, vì vậy dễ bị bỏ qua ở giai đoạn đầu như đau ngực, ho khan kéo dài, khó thở, ho ra máu, gầy sút cân...
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi hiện nay gồm có phẫu thuật, xạ trị, điều trị toàn thân (bao gồm hóa trị độc tế bào, điều trị trúng đích và liệu pháp miễn dịch). Việc điều trị theo phương pháp nào và phối hợp các phương pháp với nhau ra sao để kiểm soát bệnh ung thư sẽ được các chuyên gia hội chẩn thống nhất, dựa trên hướng dẫn thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư của Bộ Y tế, những khuyến nghị của Hội ung thư Hoa Kỳ (NCCN guidelines), châu Âu (ESMO guidelines) hoặc tham khảo thực hành của một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Ở giai đoạn bệnh còn khu trú tại chỗ (giai đoạn I-IIIa) thì phẫu thuật cắt thùy phổi kèm vét hạch trung thất là phương pháp điều trị chính, được ưu tiên lựa chọn đầu tiên.
Điều trị ung thư bằng hoá trị.
Điều trị hóa chất hay xạ trị là các phương pháp bổ sung cho phẫu thuật (còn gọi là điều trị bổ trợ) nếu kết quả giải phẫu bệnh sau mổ có di căn hạch trung thất, diện cắt còn tế bào ung thư hoặc bệnh nhân giai đoạn sớm (Ib) nhưng có yếu tố nguy cơ cao tái phát như khối u kém biệt hóa, xâm lấn mạch máu, diện cắt tiếp cận, kích thước u trên 4cm, xâm lấn lá tạng màng phổi và không được vét hạch. Trường hợp người bệnh có thể trạng kém, không đủ sức khỏe hoặc bệnh lý đi kèm nặng không can thiệp phẫu thuật được, bệnh nhân từ chối mổ có thể áp dụng phương pháp xạ trị đơn thuần ở giai đoạn sớm (Ia).
Ở các giai đoạn muộn hơn, tuy chưa phát hiện di căn xa (giai đoạn III), nhưng nếu đánh giá ban đầu không thể phẫu thuật ngay được do u lan rộng tại vùng (các khối u lan tràn một bên phổi hoặc di căn hạch trung thất, hạch thượng đòn) có thể lựa chọn hóa xạ trị đồng thời triệt căn theo sau điều trị bổ trợ (tùy theo điều kiện của từng trung tâm) hoặc hóa xạ trị tiền phẫu, sau đó đánh giá nếu bệnh có đáp ứng và thể trạng bệnh nhân cho phép có thể tiến hành phẫu thuật cắt thùy phổi kèm vét hạch trung thất và điều trị hóa chất bổ trợ tiếp theo.
Hóa xạ trị là phương pháp điều trị hóa chất kết hợp tia xạ theo một phác đồ chuẩn, trong đó tia xạ có tác dụng chính tiêu diệt tổ chức đích (khối u và hạch) theo trường chiếu đã được lập kế hoạch từ trước. Còn hóa trị có tác dụng làm tăng tính nhạy cảm của tia xạ với tế bào ung thư, giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh ung thư so với phương pháp xạ trị đơn thuần.
Tác dụng không mong muốn của hóa xạ trị và giải pháp
Hóa xạ trị trong điều trị ung thư phổi là phương thức điều trị cơ bản, có thể thay thế phẫu thuật hoặc điều trị trước/sau phẫu thuật tùy giai đoạn của bệnh, song đôi khi cũng mang lại nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Các độc tính của điều trị hóa xạ trị là sự cộng hợp các tác dụng phụ do cả quá trình điều trị hóa chất và điều trị tia xạ mang lại. Những tác dụng không mong muốn này có thể xảy ra trong hoặc sau vài ngày điều trị (gọi là độc tính cấp) như nôn, buồn nôn, rụng tóc, mệt mỏi, viêm đỏ, phồng rộp, bỏng rát vùng da bị chiếu xạ, tê bì đầu chi, đau nhức xương khớp, trường hợp nặng có thể gặp sốt nhiễm khuẩn do giảm bạch cầu, thiếu máu ở các mức độ... Thông thường độc tính cấp sẽ hồi phục khi kết thúc quá trình điều trị và không để lại di chứng về sau.
Cũng có khi tác dụng phụ xuất hiện muộn sau vài tháng, thậm chí vài năm (gọi là độc tính muộn) như viêm phổi, xơ phổi do teo mô phổi sau xạ trị, suy tim không hồi phục, gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống hoặc nguy hiểm hơn có thể gây tử vong.
Để hạn chế những tác dụng không mong muốn kể trên cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, theo dõi giữa thầy thuốc và người bệnh, người chăm sóc nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa biến chứng, di chứng của điều trị. Một số biện pháp làm giảm tác dụng phụ của hóa trị như sử dụng các thuốc chống nôn, sử dụng các chế phẩm máu (khi cần), bổ sung chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ, khoa học, tránh ăn kiêng, tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, dùng kem dưỡng ẩm, tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất hoặc ánh sáng mặt trời với vùng da bị chiếu xạ.
Phương pháp xạ trị điều trị ung thư.
Hiện nay, với nhiều tiến bộ trong lĩnh vực xạ trị và điều trị hệ thống bệnh ung thư như việc áp dụng các phương pháp xạ trị tiên tiến: xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ điều biến liều thể tích (VMAT), xạ phẫu (SRS) cùng với sự ra đời của các thuốc điều trị mới như thuốc kháng tyrosine kinase thế hệ 3 (osimertinib) hay các thuốc miễn dịch (durvalumab, pembrolizumab, atezolizumab) sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng điều trị, đồng thời làm giảm thiểu tối đa tác dụng phụ trên cơ quan xung quanh và tổ chức lành của cơ thể. Trong tương lai phương pháp xạ trị hạt photon năng lượng cao không những cho phép nâng liều điều trị tại u, làm tăng hiệu quả điều trị mà còn giảm thiểu tác dụng phụ lên các mô lành xung quanh.
Đồng thời quỹ Bảo hiểm y tế Việt Nam đã chi trả một phần hay toàn bộ cho các dịch vụ kỹ thuật cao này. Nên ngày nay tại Bệnh viện K Trung ương, các bệnh nhân ung thư có cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến, sánh ngang các quốc gia trong khu vực và trên thế giới với một chi phí và giá thành phù hợp. Ngoài ra, các quỹ, hội ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo như quỹ Ngày mai tươi sáng cũng giúp người bệnh trang trải phần nào khó khăn về kinh tế trong điều trị, giúp họ có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật.
Trong năm 2018, Bệnh viện K Trung ương cũng đã thành lập khu xạ trị kỹ thuật cao, hy vọng sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người bệnh trong nước, góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Phòng bệnh
Công tác phòng chống hút thuốc lá và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của khói thuốc lá trở thành chiến lược then chốt trong dự phòng bệnh ung thư phổi. Với sự tăng cường hiểu biết của người dân nhằm phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh như ho, đau ngực dai dẳng kéo dài hoặc gầy sút cân không rõ nguyên nhân, nhất là ở nam giới nghiện hút thuốc, cùng các tiến bộ y học hiện đại hy vọng tương lai gần Việt Nam sẽ có thể khống chế và làm giảm cả tỷ lệ mắc mới cũng như tử vong của căn bệnh này.