Ung thư phổi là một trong ba loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai, sau ung thư gan. Bệnh thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.
Ung thư phổi được chia thành 2 loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 10 – 15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ, chiếm khoảng 85%.
Việc chẩn đoán sớm và điều trị ung thư phổi còn nhiều khó khăn, tuy nhiên có thể chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng, dấu hiệu và các yếu tố nguy cơ.
1.Các yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi, trong đó hút thuốc lá và ô nhiễm khí thở là nguyên nhân quan trọng nhất. Ước tính 80-90% ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá. Nguy cơ ung thư phổi tăng theo thời gian và số lượng điếu thuốc hút. Những người hút thuốc thụ động như sống cùng nhà với người hút thuốc cũng tăng nguy cơ ung thư phổi.
Ngoài ra, tiếp xúc với amiang, bụi phóng xạ và một vài đột biến di truyền cũng là yếu tố liên quan.
2.Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh ung thư phổi
Trong giai đoạn đầu, khi bệnh còn khu trú, người bệnh thường ít có triệu chứng đặc hiệu và được chẩn đoán qua tầm soát hoặc phát hiện tình cờ bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh.
Khi bệnh ung thư phổi lan rộng, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:
- Các triệu chứng tại chỗ như ho kéo dài, ho ra máu, khó thở, đau ngực, đau vai, tay, hoặc các triệu chứng do chèn ép tại chỗ như nuốt vướng, khàn tiếng, nặng mặt,…
- Các triệu chứng do bệnh di căn tới cơ quan khác như: đau đầu, buồn nôn, nôn, giảm trí nhớ (di căn não), đau xương, hạn chế vận động, rối loạn cảm giác (di căn xương)…
- Các triệu chứng của hội chứng cận u: sút cân, phì đại đầu chi, nhợt nhạt thiếu máu, sốt kéo dài…
3.Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư phổi:
Có nhiều phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ung thư phổi. Với sự phát triển của khoa học hiện nay, có xét nghiệm đến cấp độ phân tử, gen … để chẩn đoán ung thư phổi. Tuy nhiên, tuỳ từng trường hợp, từng bệnh nhân, thể trạng, tiền sử, có phải là đối tượng nguy cơ cao hay không…. mà bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chỉ định phù hợp.
Một số phương pháp xét nghiệm phát hiện ung thư phổi hiện nay:
- Xquang ngực thẳng, nghiêng: Là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, có thể áp dụng rộng rãi ở các cơ sở để phát hiện tổn thương u phổi. Tuy nhiên với những khối u nhỏ hoặc ở vị trí khó quan sát nên sử dụng chụp cắt lớp vi tính lồng ngực.
- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Cần tiêm thuốc cản quang để đánh giá hình ảnh khối u và hạch trung thất cũng như mức độ lan rộng của bệnh.
- Nội soi phế quản: Giúp quan sát các tổn thương trong đường thở, từ đó sinh thiết tổn thương làm mô bệnh học.
- Sinh thiết u phổi dưới hướng dẫn CT: Là phương pháp quan trọng để lấy bệnh phẩm khối u làm chẩn đoán mô bệnh học, đặc biệt hiệu quả với các khối u ở ngoại vi mà không tiếp cận chẩn đoán được qua nội soi phế quản.
- Xét nghiệm mô bệnh học: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư phổi và định hướng điều trị. Có 2 phương pháp cơ bản để lấy bệnh phẩm mô bệnh học như đã trình bày bên trên là nội soi phế quản và sinh thiết u phổi dưới hướng dẫn CT. Ngoài ra có thể lấy bệnh phẩm ở dịch màng phổi, dịch màng tim, hạch thượng đòn hoặc nội soi màng phổi, nội soi trung thất… đối với những tổn thương khó hơn.
- Xét nghiệm sinh học phân tử: Đột biến gen, biểu lộ miễn dịch nhằm định hướng phương pháp điều trị
- Các xét nghiệm khác đánh giá mức độ lan rộng của bệnh như: MRI hoặc CT sọ não, PET-CT, siêu âm ổ bụng, xạ hình xương…
- Các xét nghiệm máu chất chỉ điểm khối u như CEA, Cyfra 21-1, ProGRP, NSE, SCC… đặc biệt có ý nghĩa trong việc theo dõi để phát hiện tái phát, di căn.
Việc chẩn đoán cần xác định loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh và các biểu hiện sinh học phân tử (gen đột biến, PD-L1).
4.Các phương pháp điều trị ung thư phổi
Nguyên tắc chung điều trị ung thư phổi là đa mô thức (phối hợp nhiều phương pháp) và cá thể hóa theo từng người bệnh, trong đó yếu tố đặc biệt quan trọng để quyết định phác đồ là giai đoạn bệnh, loại mô bệnh học, kết quả xét nghiệm sinh học phân tử, thể trạng bệnh nhân, bệnh lý nền phối hợp, hoàn cảnh kinh tế - xã hội và nguyện vọng của người bệnh.
Dưới đây là một số phương pháp được bác sĩ chỉ định, hoặc kết hợp nhiều phương pháp trong điều trị bệnh ung thư phổi:
- Phẫu thuật: Thường được chỉ định đối với giai đoạn sớm (I-IIIA), khi bệnh còn khu trú và thể trạng bệnh nhân chịu đựng được cuộc phẫu thuật
- Xạ trị: Có nhiều kỹ thuật xạ trị như xạ trị gia tốc, xạ trị định vị thân (SBRT), áp dụng cho các bệnh nhân bệnh tiến triển tại chỗ không phẫu thuật được hoặc không thể/không đồng ý phẫu thuật. Với những tổn thương phù hợp và thể trạng người bệnh cho phép, thường kết hợp hóa chất và xạ trị để đạt được hiệu quả tối ưu.
- Hóa chất: Là phương pháp được áp dụng từ lâu nhưng vẫn có vị trí rất quan trọng, có nhiều phác đồ hóa chất khác nhau được chỉ định tùy thuộc vào loại mô bệnh học, bước điều trị, thể trạng bệnh nhân… Một số loại hóa chất dùng trong ung thư phổi là paclitaxel, pemetrexed, docetaxel, gemcitabin..
- Thuốc đích: Là phương pháp mới hơn, được áp dụng trong hơn 1 thập niên gần đây và đang phát triển mạnh mẽ. Người bệnh phải có xét nghiệm sinh học phân tử phù hợp như EGFR, ALK, ROS-1… dương tính mới được chỉ định nhóm thuốc này. Một số thuốc đích được phê duyệt ở Việt Nam là: gefitinib, erlotinib, afatinib, osimertinib, alectinib.
- Liệu pháp miễn dịch: Là phương pháp được quan tâm đặc biệt hiện nay, mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư phổi. Thuốc giúp kéo dài thời gian sống đáng kể so với phương pháp hóa trị truyền thống. Các thuốc miễn dịch đã được phê duyệt ở Việt Nam là pembrolizumab, atezolizumab, duvarlumab.
- Các điều trị phối hợp khác: Chống hủy xương, xạ giảm đau xương, xạ não, chống phù não chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng (giảm đau, giảm ho) và điều trị tâm lý cho người bệnh…