Ung thư phổi: Những biểu hiện và phương pháp điều trị ngoại khoa

18-07-2017 15:00 |
google news

SKĐS - Những trường hợp điều trị cho kết quả tốt là những trường hợp bệnh được phát hiện sớm, những khối u phổi kích thước còn nhỏ ở giai đoạn I hoặc II.

Còn những bệnh nhân khối u đã quá to, xâm lấn và di căn xa ở giai đoạn III và IV,  kết quả điều trị rất là hạn chế, tiên lượng chỉ còn tính bằng tháng, thậm chí bằng ngày.

Những xét nghiệm cần làm

X-quang phổi: thông thường là hình ảnh của một khối u xuất phát từ vùng rốn phổi hoặc ngoại vi là dấu hiệu đặc trưng của carcinoma phổi. Ở một số bệnh nhân khác có thể thấy hình ảnh thâm nhiễm của phổi có hoặc không hình ảnh tạo hang. Hình ảnh tràn dịch màng phổi. Hình ảnh cơ hoành bị dâng lên cao trong tình trạng liệt thần kinh hoành. Hình ảnh tổn thương của xương sườn hoặc các xương dài do di căn. Có thể thấy hình ảnh xẹp phổi trong trường hợp có tắc nghẽn của các phế quản. Một dạng tổn thương khác là thấy hình ảnh khối u ở ngoại vi với bờ mềm mại, góc nhọn. Phần lớn các trường hợp bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng gì cả và hình ảnh khối mờ trên phim X-quang là triệu chứng đầu tiên được phát hiện trên phim chụp kiểm tra thường quy. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không có cả triệu chứng X-quang. Trong vòng 10 năm tại bệnh viện May đã có 54 bệnh nhân bị ung thư phổi mà hoàn toàn không hề có một biến đổi nào trên phim X-quang.  Một kỹ thuật X-quang khác có thể được dùng: kỹ thuật X-quang chủ động còn gọi là kỹ thuật quét nhằm tìm kiếm bằng chứng di căn ở gan, não, xương.

ung thu phoiX-quang phổi

Chụp X-quang cắt lớp bằng vi tính: kỹ thuật này rất hữu ích trong việc xác định độ xâm lấn của khối u, cũng như đánh giá mức độ di căn ở các cơ quan khác như: tuyến thượng thận. Ngoài ra nó còn được sử dụng đế phân loại giai đoạn của ung thư. Với thế hệ thứ III của máy CT có thể phát hiện những hạch nhỏ của vùng trung thất mà không cần đến kỹ thuật nội soi trung thất.

Sinh thiết và nghiên cứu về tế bào học: có thể tìm tế bào học qua đàm, qua soi phế quản, qua sinh thiết phế quản, chải rửa và phế quản. Với những kỹ thuật này cho phép định danh tế bào học trong 90 - 95% các trường hợp. Tuy nhiên, với các khối u ở ngoại vi việc chẩn đoán xác định chỉ vào khoảng 60%.

Sinh thiết xuyên thành ngực bằng kim: với việc vô cảm tại chỗ, việc sủ dụng kim để sinh thiết xuyên thành ngực có thể giúp ích cho chẩn đoán những trường hợp ung thư phổi và những sang thương khác không thể chẩn đoán xác định được bằng nội soi phế quản. Tác giả Sagel năm 1978 trong nhóm nghiên cứu với 896 bệnh nhân đã chẩn đoán xác định về mặt tế bào học trong 96% các trường hợp.

Nội soi trung thất: dùng một đường rạch nhỏ nơi hõm ức trên và đưa máy soi vào dọc theo mặt trước của khí quản. Thông thường những tổn thương của phế quản gần hay cho di căn vùng trung thất và các tổn thương vùng ngoại vi ít khi cho di căn trung thất trong giai đoạn sớm. Một số phẫu thuật viên thích dùng đường mổ ngắn phía trước hoặc bên để nội soi trung thất vì qua đường này có thể quan sát cả vùng rốn phổi. Hơn thế nữa với đường này, có thể mở lớn ra để cắt phổi nếu khối u còn khả năng cắt được. Một số trường hợp, nội soi trung thất có thể có biến chứng chảy máu nhiều khi đặt ống soi hoặc sinh thiết, chính vì vậy với đường mổ này cho phép kiểm soát và cấm máu khi có biến chứng.

Mở ngực thám sát: trong một số trường hợp, việc mở ngực để thám sát cũng được đặt ra khi có tràn dịch màng phổi mà không tìm thấy tế bào ác tính. Màng phổi thành, màng phổi tạng, cơ hoành, màng ngoài tim được quan sát kỹ với nội soi trung thất bằng ống mềm qua đường mở ngực nhỏ.

Chọc dò và sinh thiết tủy xương: giúp cho chẩn đoán tế bào học trong một số trường hợp ung thư phổi, đặc biệt là ung thư biểu mô dạng tế bào lúa mạch. Tuy nhiênviệc phát hiện di căn xương bằng kỹ thuật này thường thấp.

ung thu phoiX-quang cắt lớp bằng vi tính

Điều trị ngoại khoa

Không thể phẫu thuật được cho bệnh nhân khi thấy có các dấu hiệu: di căn xa, tràn dịch màng phổi, hội chứng Horners, liệt dây thanh âm, liệt dây thần kinh hoành, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên. Khi có các chống chỉ định phẫu thuật trên, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị tiếp tục bằng hóa trị và xạ trị.

Có vào khoảng một nửa bệnh nhân bị ung thư biểu mô của phổi khi đến bệnh viện đã có di căn xa. Do đó cũng chỉ có khoảng một nửa bệnh nhân mổ được. Trong số đó lại có 1/2 số bệnh nhân trong thời gian chuẩn bị mổ đã có di căn vào thành ngực làm cho số lượng bệnh nhân ung thư phổi có thể điều trị được bằng phẫu thuật giảm xuống. Trong số những bệnh nhân, nếu chưa có bằng chứng cụ thể của di căn xa hoặc ăn lan ra ngoài cấu trúc của phổi cũng được chỉ định phẫu thuật thăm dò. Trước khi mổ cần tìm các di căn xa như: não, xương, gan, hạch di căn, tuyến thượng thận… bằng CT-scan và các xét nghiệm sinh học.

Trong kỹ thuật cắt phổi, việc sử dụng máy khâu phổi để đóng mỏm cắt phế quản rất quan trọng, với cách khâu này ít khi thấy có dò phế quản sau mổ. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng việc khâu phế quản bằng kẹp kim loại tốt hơn là khâu bằng chỉ. Trước khi cắt phế quản bằng máy cần phải phẫu tích và cột hết các động mạch và tĩnh mạch đi vào phổi. Trong phần lớn các trường hợp cắt thùy phổi hoặc cắt phổi không điển hình, một hoặc hai ống dẫn lưu được đặt vào xoang màng phổi để dẫn lưu máu, dịch và khí là điều bắt buộc.

Lời khuyên của thầy thuốc
Với những nhóm người có nguy cơ cao: hút thuốc lá, công nhân mỏ, trên 60 tuổi…, việc cần làm là đi chụp X-quang phổi định kỳ mỗi 6 tháng/lần. Qua những thông tin từ khám lâm sàng và X-quang, cho phép người thầy thuốc chẩn đoán sớm bệnh và từ đó mới cho kết quả điều trị khả quan, kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.


PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM
Ý kiến của bạn