Ung thư phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong

16-11-2020 16:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tiếp nối những thành công của chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giai đoạn 2 của chương trình sẽ tiếp tục nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, chăm sóc, và quản lý hai căn bệnh hô hấp nói trên, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực mới là bệnh ung thư phổi.

Trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế - GS.TS. Trần Văn Thuấn; Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác mới mở rộng chương trình "Vì Lá phổi khỏe" cho ung thư phổi tại Việt Nam 2021-2023.

Trong 3 năm tiếp theo, chương trình thực hiện với các mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh hen, COPD và bệnh ung thư phổi để sàng lọc, phát hiện bệnh sớm. Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng về khám, chẩn đoán, điều trị, và quản lý bệnh, đào tạo chuyên viên y tế; và hỗ trợ thiết lập Trung tâm quản lý ngoại trú bệnh hen và COPD và Trung tâm thực hành lâm sàng đạt chuẩn trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư phổi.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: “Chương trình Vì Lá Phổi Khỏe sau 3 năm đầu thực hiện đã triển khai những giải pháp toàn diện trong công tác kiểm soát bệnh hen và COPD tại Việt Nam. Vì vậy, việc duy trì và phát huy hiệu quả của các giải pháp này sâu rộng hơn trên cả nước trong giai đoạn tiếp theo 2021-2023 là rất quan trọng để đảm bảo người bệnh được hưởng lợi ích lâu dài, bền vững.

Bên cạnh đó, chương trình mở rộng sang lĩnh vực ung thư phổi, sẽ giúp người bệnh được tiếp cận các dịch vụ có chất lượng về chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh, nâng cao chất lượng quản lý các bệnh hô hấp, bệnh ung thư phổi, đặc biệt trong tình hình mới. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ tiếp tục thực hiện vai trò chỉ đạo và điều phối để chương trình được thực hiện đạt hiệu quả cao nhất".

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ mở rộng chương trình "Vì lá phổi khỏe".

Hen và COPD là hai bệnh lý gây ra nhiều gánh nặng bệnh tật và kinh tế - xã hội toàn cầu. COPD là nguyên nhân gây bệnh tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc COPD trong dân số là 4,2%, trong đó có hơn 1/3 (37,5%) người trưởng thành mắc COPD được ghi nhận là có các triệu chứng nghiêm trọng.

Về bệnh hen, thống kê cho thấy gần 4 triệu người Việt Nam đang mắc bệnh hen (chiếm 4,1% dân số) và cũng tương tự, xấp xỉ 1/3 trong số này (29,1%) được ghi nhận có các triệu chứng nghiêm trọng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính năm 2018, trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi mắc cả hai giới, mỗi năm có khoảng 23.667 ca mắc mới và 20.170 ca tử vong do căn bệnh này.

Phần lớn người bị bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn cho bệnh nhân. Trước tình trạng này, chương trình Vì Lá Phổi Khỏe giai đoạn 2021-2023 sẽ thúc đẩy công tác chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm, cập nhật các giải pháp điều trị tiên tiến và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân mắc ung thư phổi, bên cạnh hai lĩnh vực trọng tâm của giai đoạn đầu là bệnh hen và COPD.

Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” là sáng kiến đa quốc gia nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh Hen và COPD tại 9 quốc gia Châu Á. Từ năm 2017 đến nay, chương trình đã góp phần giải quyết các thách thức hiện tại trong quản lý bệnh hen và COPD qua việc đóng góp xây dựng tiêu chí “Đơn vị quản lý hen và COPD” áp dụng thí điểm trong chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” tại Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, hỗ trợ thành lập mới và cải thiện 110 đơn vị quản lý bệnh hen và COPD (còn gọi là UMAC), giúp hơn 101.364 bệnh nhân được tiếp cận điều trị tốt hơn, tầm soát hơn 4.820 người có nguy cơ mắc bệnh hô hấp, hỗ trợ các chương trình giáo dục về cách thức kiểm soát bệnh hen và COPD cho hơn 11.515 bệnh nhân thông qua các câu lạc bộ dành bệnh nhân.

Bên cạnh đó, chương trình đã tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học cập nhật kiến thức y khoa cho 8.200 cán bộ y tế, đặc biệt hỗ trợ đào tạo và cấp bằng chứng nhận cho 96 bác sĩ và điều dưỡng.

Lê Nguyên
Ý kiến của bạn