Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ. Các ca tử vong do ung thư phổi nhiều hơn so với ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư ruột kết cộng lại.
Bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ bị ung thư phổi. Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào trong phổi đột biến hoặc thay đổi. Có nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra đột biến này.
Điều đáng nói, các bệnh nhân ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến kết quả điều trị và dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân nào gây ra ung thư phổi?
Hiện nay vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ đã được chứng minh góp phần biến các tế bào trở thành ác tính.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi bao gồm hút thuốc, tiếp xúc với ô nhiễm không khí và di truyền.
Hút thuốc lá gây ung thư phổi
Nguyên nhân chính của ung thư phổi ở nam giới và phụ nữ là hút thuốc lá. Hiện nay, khoảng 90% các ca ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá. Khí radon, ô nhiễm, chất độc và các yếu tố khác đóng góp vào 10% còn lại.
Thuốc lá và khói thuốc lá chứa hơn 70 hóa chất gây ung thư. Một số chất gây ung thư được tìm thấy trong khói thuốc lá bao gồm: chì (một kim loại cực độc), asen (một loại hóa chất có trong thuốc trừ sâu), cadmium (một thành phần có trong pin), isoprene (được sử dụng để sản xuất cao su tổng hợp), benzen (phụ gia xăng dầu).
Khói xì gà chứa nhiều nitrosamine dành riêng cho thuốc lá (TSNA), được coi là chất đặc biệt gây ung thư.
Khói thuốc lá làm tổn thương và giết chết các tế bào giống như sợi tóc trên các tế bào đường thở. Chúng được gọi là lông mao. Các lông mao thường quét ra chất độc, chất gây ung thư, virus và vi khuẩn. Khi lông mao bị hư hỏng hoặc bị phá hủy bởi khói thuốc lá, tất cả những thứ này có thể tích tụ trong phổi và gây ra các vấn đề như nhiễm trùng và ung thư phổi.
Ung thư phổi có nguyên nhân chủ yếu do khói thuốc lá gây ra.
Hít khói thuốc thụ động cũng gây ung thư phổi
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những người hút thuốc lá có khả năng ung thư phổi cao gấp 15-30 lần so với những người không hút. Tuy nhiên, những người hít phải khói thuốc lá thường xuyên cũng mắc ung thư phổi và các bệnh hô hấp khác.
Một người không nghiện thuốc lá (vợ, con, những người khác) sống chung với người hút thuốc có nguy cơ phát triển ung thư phổi tăng 20- 30% do tiếp xúc với nồng độ khói trong môi trường.
Ung thư phổi và khí radon
Khí radon là nguyên nhân thứ hai gây ung thư phổi sau khói thuốc lá. Khí radon là chất có trong tự nhiên. Nó thẩm thấu qua mặt đất và khuếch tán vào không khí. Mỗi người đều hít thở radon mỗi ngày nhưng thường với tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, những người hít thở radon với nồng độ cao sẽ có nguy cơ bị ung thư phổi. Radon có thể xâm nhập vào nhà thông qua những vết rạn nứt ở sàn nhà, tường hoặc móng nhà. Nó không màu và không mùi nhưng có thể được phát hiện bằng các bộ thử tương đối đơn giản và rẻ tiền. Những người hút thuốc tiếp xúc với khí này có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn những người không hút thuốc.
Khí radon là nguyên nhân thứ 2 gây ung thư phổi.
Ung thư phổi và phơi nhiễm môi trường làm việc
Mặc dù hút thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất của ung thư phổi, nhưng các hợp chất và hóa chất khác cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Đối với một số người, nơi làm việc có thể là nguồn tiếp xúc với các chất gây ung thư như amiăng và khí thải diesel.
Các tác nhân như amiăng, uranium, asen, benzen, và nhiều chất khác làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi. Tiếp xúc với amiăng có thể gây ung thư phổi (u trung biểu mô) nhiều năm sau lần tiếp xúc ban đầu, do đó mọi người có thể có nguy cơ mắc bệnh phổi trong nhiều thập kỷ (10 - 40 năm).
Người làm việc ở những môi trường độc hại, tiếp xúc với bụi amiăng dễ bị ung thư phổi.
Ung thư phổi và ô nhiễm không khí
Một số nhà điều tra cho rằng ô nhiễm không khí góp phần vào sự phát triển của bệnh ung thư phổi. Một số nghiên cứu đưa ra dữ liệu cho thấy các chất ô nhiễm trong không khí như khí thải diesel có thể khiến một số người mắc bệnh ung thư phổi. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng khoảng 5% trường hợp ung thư phổi là do các chất gây ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe con người, trong đó có ung thư phổi.
Một số yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư phổi
Các yếu tố di truyền cũng có thể đóng một vai trò trong khả năng phát triển ung thư phổi. Tiền sử gia đình bị ung thư phổi có nghĩa là bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về bệnh ung thư phổi, nhưng vẫn còn nhiều tình huống chưa rõ ràng. Có những trường hợp mắc ung thư phổi ở nhiều thế hệ trong cùng một gia đình mặc dù không có yếu tố nguy cơ rõ ràng. Điều đó cho thấy ung thư phổi có thể mang tính di truyền.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy, uống nước có nồng độ asen cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Các triệu chứng ung thư phổi
Ung thư phổi thường không có triệu chứng ban đầu hoặc các triệu chứng ban đầu không đặc trưng nên rất dễ bị bỏ qua. Khoảng 25% những người mắc ung thư phổi không có triệu chứng được chẩn đoán sau khi chụp Xquang hoặc CT ngực trong một cuộc kiểm tra định kỳ hoặc khi khám các bệnh lý khác.
Nếu bạn là người hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường nhiều khói bụi hay gia đình có người đã mắc ung thư, hãy chú ý triệu chứng báo hiệu ung thư phổi, bao gồm: ho mạn tính, hay tái phát, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, giảm cân bất thường, khó thở hoặc khò khè, ho nhiều đờm lẫn máu, đau ngực,…
Phòng ngừa ung thư phổi
Căn bệnh này rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu và các phương pháp điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối mang lại tiên lượng xấu. Vì vậy, ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ từ sớm là rất quan trọng.
Ung thư phổi có thể phòng ngừa nếu một người không bao giờ hút thuốc và tránh khói thuốc thụ động.
Đối với những người đã hút thuốc nên bỏ thuốc lá. Những nghiên cứu cho thấy, bỏ thuốc lá trong vòng 10 năm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tương đương với những người chưa bao giờ hút thuốc.
Nếu phải làm việc trong môi trường có chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư phổi, hãy thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn để bảo vệ mình khỏi tiếp xúc với chúng.
Tránh các yếu tố nguy cơ khác (ví dụ, một số hóa chất hoặc hợp chất như benzen hoặc amiăng hoặc ô nhiễm không khí) cũng có thể ngăn ngừa ung thư phổi.
Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống nhiều trái cây và rau quả, giảm ăn thịt đỏ và các loại thịt đã qua chế biến. Những loại thịt này đã được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư, trong đó có ung thư phổi.
Thăm khám sức khỏe định kỳ và theo dõi những biểu hiện khác lạ trên cơ thể để kịp thời thông báo với bác sĩ, nhất là khi bạn nằm trong nhóm người có nguy cơ cao.
Xem thêm video đang được quan tâm
Rùng mình với lá phổi đông cứng do chưa tiêm phòng COVID-19.