Nguyên nhân
Thuốc lá:
Khói thuốc lá đã được xác định một cách chắc chắn là nguyên nhân gây ung thư phế quản phổi. 90% ung thư phế quản phổi là do thuốc lá. Tỉ lệ ung thư phế quản phổi tăng theo số điếu thuốc hút trong ngày và số năm nghiện hút. Nếu hút trên 20 gói/năm, tỉ lệ này tăng rõ rệt.
Khói thuốc lá làm chậm sự thanh lọc nhầy lông làm tổn thương những chức năng thực bào của bộ máy hô hấp. Những enzyme của niêm mạc phế quản không thích ứng với sự tấn công này: biến các chất trong khói thuốc lá thành chất gây ung thư. Khói thuốc lá có tác dụng hợp lực với các yếu tố khác gây ung thư.
Cai thuốc lá làm giảm nguy cơ ung thu và các bệnh phổi khác.
Ô nhiễm môi trường không khí chung:
Khói kỹ nghệ, khói xe hơi chứa benzopyrene và một số chất độc như hydrocabure đa vòng, chất khác như kim loại, chất phóng xạ.
Ô nhiễm môi trường nghề nghiệp:
Bụi thạch miên, bụi mỏ hay các chất trong kỹ nghệ như chrome, niken, arsenic, mực in sản phẩm kỹ nghệ dầu mỏ, các chất phóng xạ.
Triệu chứng lâm sàng
Ở giai đoạn đầu, ung thư phế quản thường không có triệu chứng gì cả. Người ta nhận thấy có đến 5 - 15% bệnh nhân ung thư phế quản phổi được phát hiện là không hề có triệu chứng lâm sàng gì cả. Những người này được phát hiện bệnh là hoàn toàn tình cờ khi đi chụp phim X-quang phổi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm.
Ở giai đoạn tiếp theo, ung thư phế quản sẽ có những triệu chứng như:
Ho:
Là dấu hiệu thường gặp nhất. Đa số bệnh nhân đều bỏ qua triệu chứng này, họ cho rằng ho là do hút thuốc lá (vì đa số bệnh nhân ung thư phế quản có hút thuốc lá). Ung thư phế quản cũng có thể xuất hiện ngay trên bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ không nghĩ rằng ho là do ung thư phế quản mà cứ cho rằng ho là do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Nhưng điểm khác của triệu chứng ho trên người hút thuốc lá hay người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với triệu chứng ho của ung thư phế quản là việc thay đổi tính chất ho: ho tự nhiên nhiều hơn bình thường, thời gian cơn ho kéo dài hơn, số lượng đờm có thể nhiều hơn, đờm có mủ hay tái đi tái lại hơn so với trước đây, có thể ho ra đờm lẫn máu.
Ho ra máu:
Là một triệu chứng báo động quan trọng. Khác với ho đơn thuần, triệu chứng ho ra máu ít khi bị bỏ qua và bệnh nhân thường đến gặp bác sỹ khi thấy có ho ra máu. Triệu chứng ho ra máu khá đặc hiệu ở ung thư phế quản vì thế khi bệnh nhân có hút thuốc lá và ho ra máu thì nên đến khám bác sỹ để được chỉ định nội soi phế quản chẩn đoán.
Khó thở:
Là triệu chứng xuất hiện muộn hơn trong tiến triển của ung thư phế quản, tuy nhiên do khó thở xuất hiện từ từ lại trên bệnh nhân lớn tuổi nên cũng thường bị bỏ qua vì cho rằng khó thở này do tuổi già, do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khó thở xuất hiện khi khối u đã lớn làm tắc nghẽn phế quản, làm xẹp một vùng phổi, hoặc do khối u xâm lấn ra màng phổi làm tràn dịch màng phổi.
Đau ngực:
Đặc điểm đau ngực trong ung thư phế quản ban đầu là đau ngực dai dẳng, mơ hồ không rõ vị trí, sau đó là đau ngực nhiều gây khó chịu, có thể bị chẩn đoán nhầm thành đau thần kinh liên sườn, đau cơ...
Có thể đau ngực do tràn dịch thanh tơ huyết hay tràn máu, có thể do u lan trực tiếp hay do di căn, có khi do phản ứng của xẹp phổi
Các triệu chứng: ung thư phế quản giai đoạn muộn biểu hiện chèn ép, tắc nghẽn do u, do di căn, do hạch vùng:
Tĩnh mạch chủ trên trong trung thất bị chèn ép làm cổ lớn ra, sau đó phù áo khoác, tím mặt, giãn tĩnh mạch dưới da ở vai, ngực.
Thần kinh quặt ngược trái bị chèn ép, gây khàn giọng, liệt dây thanh âm trái (dây thanh âm phải có vòng ở cao quanh động mạch dưới đòn nên ít bị chèn ép).
Thần kinh hoành: các dây thần kinh này đi dọc theo trung thất trước mỗi bên, một trong hai có thể bị chèn ép, gây liệt nửa cơ hoành tương ứng, chỉ phát hiện nhờ rọi phổi, thấy cơ hoành di động ngược chiều.
Hội chứng Pancoast Tobias: ung thư đỉnh phổi xâm lấn màng phổi đỉnh chèn ép các rễ dưới của đám rối thần kinh cánh tay, thần kinh giao cảm cổ. Hội chứng gồm đau vai, đau cánh tay kèm hội chứng Claude Bernard Horner cùng bên (đồng tử co, sụp mí, hẹp khe mắt) có khi ăn mòn xương đòn.
Di căn hệ xương gây đau xương, đau trội lúc nằm nghỉ, tái phát với các thuốc giảm đau thông dụng.
Di căn hệ thần kinh trung ương: tỉ lệ u phổi di căn lên não rất cao, gây liệt các dây thần kinh sọ não, liệt nửa người.
Di căn gan: đau vùng gan, báng bụng.
Chẩn đoán phân biệt
Lao phổi:
Chẩn đoán khó khăn trong những trường hợp sau: BK đàm (-) và không tìm thấy tế bào ung thư trong đàm trong 3 ngày liền, trên phim X-quang có khối mờ hình tròn, đường kính 2 - 3 cm bờ rõ hoặc một đám mờ. Gặp các trường hợp này nên điều trị thử lao một cách tích cực, đồng thời tìm mọi cách phát hiện tế bào ung thư. Sau 1 tháng chậm nhất là 2 tháng nếu hình ảnh trên phim rõ nét hơn là ung thư.
Viêm phổi:
Sau một thời gian điều trị viêm phổi, nếu sức khoẻ không trở lại bình thường, các tổn thương trên phim X-quang không xóa hết, lắng máu vẫn cao... cần nghĩ đến ung thư phế quản phổi.
Điều trị
Về mặt điều trị người ta chia ung thư phế quản phổi ra làm 2 nhóm chính.
Ung thư không phải ung thư tế bào nhỏ không biệt hóa:
Có thời gian nhân đôi 100 - 200 ngày, gồm 3 loại: ung thư dạng biểu bì, ung thư dạng tuyến, ung thư tế bào lớn.
Phẫu thuật
Là phương pháp hữu hiệu nhất, áp dụng cho các giai đoạn ung thư ẩn, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 và một số trường hợp chọn lọc như T3, No, Mo hay T1, N2, Mo.
Kết quả:
Ung thư ẩn: sống sót sau 5 năm khoảng 60%. Theo dõi kỹ vì dễ bị tái phát khoảng 5%/năm/người.
Ung thư nốt đơn độc: mổ cắt bỏ thùy phổi. Tiên lượng tuỳ theo kích thước khối u, theo hạch vùng và theo sự biệt hóa của tế bào K.
Sống sót sau 5 năm khoảng 40 - 60% nếu kích thước < 3cm và không có hạch vùng.
- Sống sót sau 5 năm khoảng 20% đến < 40% nếu kích thước > 3cm và có hạch vùng.
Không phẫu thuật được, dùng đa hóa trị liệu và xạ trị liệu nếu không có chống chỉ định.
Xạ trị liệu kết quả không tốt lắm, đôi khi không hơn bệnh nhân không được xạ trị liệu.
Đa hóa trị liệu.
Ung thư tế bào nhỏ không biệt hoá:
Đây là loại ung thư phát triển nhanh, di căn sớm và nhiều ngay khi bệnh có vẻ khu trú, do đó mọi cố gắng cắt bỏ đều vô hiệu, nên đa hoá trị liệu và xạ trị liệu là chính.
Hóa trị liệu:
Thuốc ức chế topoisomerase I bao gồm irinotecan và topotecan. Phối hợp irinotecan hay topotecan với ciplastin cho kết quả tốt, tuy nhiên có một số tác giả phối hợp etoposide với cisplatin hay với carboplatin
Xạ trị:
Xạ trị được dùng trước hoặc sau hoá trị liệu bởi bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ: cho cả hai loại:
Chống đau, chống nhiễm khuẩn, giảm ho.
Chống chèn ép thần kinh: dexamethasone 20 - 80mg/ngày.
Hút dịch màng phổi.
Chống suy tủy, chống thiếu máu.
Phòng bệnh:
Tuyên truyền tác hại của thuốc lá trên các phương tiện truyền thông đại chúng để vận động mọi người bỏ thuốc lá.
Chống ô nhiễm môi trường trong nhà, môi trường nghề nghiệp.