Nhà máy giấy Lee & Man (TT. Mái Dầm, H. Châu Thành, Hậu Giang) vừa đi vào hoạt động được ít ngày đã lập tức gây ô nhiễm môi trường. Hàng chục hộ dân phản ánh bị ảnh hưởng bởi khói, bụi, mùi hôi, tiếng ồn từ nhà máy này. Đáng chú ý là trước khi chạy thử nghiệm, quy trình và hệ thống xử lý chất thải đã được UBND tỉnh Hậu Giang và các cơ quan môi trường cho phép, giám sát chặt chẽ.
Nhà máy rục rịch, dân lo ngay ngáy
UBND TT. Mái Dầm cho biết, có khoảng 60 hộ dân phản ánh bị ảnh hưởng bởi khói, bụi, mùi hôi từ Nhà máy giấy Lee & Man. Ngay sau đó, Cục Môi trường miền Nam và Tổ giám sát môi trường của tỉnh Hậu Giang xác định bụi phát sinh từ phần mái và phần thân kho chứa than đá bị hở, khi gặp gió to phát tán ra ngoài; bụi cũng phát tán từ các công trình đang thi công. Còn tiếng ồn phát tán từ khu giải nhiệt làm mát. Mùi hôi được xác định xuất phát từ khu lưu chứa bùn - nơi đóng bánh bùn, hệ thống bể yếm khí và ở khu vực đốt khí metan.
Sở TN-MT Hậu Giang cho biết, Công ty TNHH giấy Lee & Man VN (Lee & Man) đã có văn bản gửi nhóm kỹ thuật thường trực giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải dự án Nhà máy giấy Lee & Man VN (TT. Mái Dầm, H. Châu Thành, Hậu Giang), do Tổng giám đốc Chung Waifu ký, thừa nhận một số hạn chế dẫn đến ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh.
Nhà máy Lee & Man với quy mô lớn như vậy, nếu gây ô nhiễm thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Theo lý giải của Lee & Man, bụi có thể phát sinh tại kho than và khu đất trống sau kho than. Khi trời nắng, gió lớn tạt khiến bụi bay đến khu vực ven sông Mái Dầm. Để khắc phục, công ty dự kiến lắp đặt bao lưới chống bụi quanh kho than và trồng cây tại vị trí đất trồng sau kho than, đến ngày 17/4 hoàn thành. Còn tiếng ồn, công ty này sẽ lắp đặt thêm tấm cách âm, dự kiến ngày 13/4 hoàn thành. Riêng mùi hôi được công ty này thừa nhận đã phát sinh từ ngày 10/3 tại vị trí kho chứa bùn thuộc khu vực ép bùn và hệ thống bể hiếu khí của nhà máy xử lý nước thải, đến khoảng đầu tháng 5 sẽ xử lý dứt điểm.
Ông Trần Phong - Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam, Tổng cục Môi trường trong buổi đối thoại chiều 3/4 đã yêu cầu, sau khi thực hiện xong các giải pháp khắc phục thì Lee & Man phải công khai kế hoạch hoạt động của nhà máy liên quan đến vấn đề môi trường để người dân theo dõi, giám sát và thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi có sự cố về môi trường xảy ra. Tổ giám sát của tỉnh Hậu Giang tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động vận hành thử nghiệm của nhà máy để kiểm soát và kịp thời xử lý các sự cố. “Từ nay trở về sau, người dân nếu thấy vấn đề gì bất thường liên quan đến môi trường thì báo cáo ngay cho cán bộ huyện và cán bộ phụ trách của công ty hoặc thành viên tổ giám sát các vấn đề sẽ được tiếp nhận ngay”. Cũng theo ông Phong, nếu Lee & Man để tái diễn ô nhiễm thì họ chắc chắn phải trả giá theo quy định pháp luật Việt Nam.
Bao giờ hết nạn giấy trắng, “nước đen”
Người dân chưa có nhiều thông tin về Nhà máy giấy Lee & Man, chỉ biết rằng đây là nhà máy giấy lớn nhất Việt Nam, top 5 thế giới, nằm cặp dòng sông Hậu, sử dụng 80% nguyên liệu nhập khẩu, sản phẩm sản xuất ra là giấy bao bì và... được Bộ TN-MT cấp phép xả thải qua xử lý ra môi trường.
Theo một số thông tin từ các nguồn thì thời gian đầu nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu, hóa chất chủ yếu nhập từ Thái Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Đức... Khi đi vào hoạt động 100% công suất, doanh thu đạt khoảng 120 triệu USD/năm. Có thể cho rằng Lee & Man thuê đất ở Hậu Giang để xây dựng một cơ sở gia công, chưa biết những lợi ích kinh tế họ mang lại cho người dân ra làm sao, nhưng họ được hưởng các chính sách đãi ngộ của địa phương. Đặc biệt là các nhà máy giấy thường sử dụng nguồn tài nguyên nước ngọt khổng lồ phục vụ cho quy trình sản xuất giấy.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, nếu đúng là nhà đầu tư Lee & Man có kế hoạch nhập tới 80% lượng giấy đã sử dụng để tái chế có nguy cơ đẩy ra môi trường lượng xút (NaOH) rất lớn - tới 28.500 tấn. Bên cạnh đó, nhà máy còn thải ra rất nhiều hóa chất độc hại khác nhau.
Và khi đi vào vận hành chính thức, nhà máy công suất như vậy sẽ tiêu thụ đến hàng triệu lít nước mỗi ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn an ninh nước sạch, sức khỏe và cuộc sống an toàn của dân cư.
Từ trước đến nay, công việc tái chế giấy luôn đem lại một khoản lợi nhuận lớn cho nhà sản xuất, nhưng hệ lụy thì oái oăm thay lại do… ngân sách nhà nước xử lý. Thậm chí có tiền còn chưa khắc phục được ngay các sự cố môi trường. Nếu còn ai đó chưa hình dung ra những sự tốn kém để đi sau dọn dẹp cho các cơ sở sản xuất, tái chế giấy thì đây. Năm 2011, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề giấy Phong Khê, một trong 5 điểm gây ô nhiễm nghiêm trọng, với tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng. Khi đó có 234 cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê, hầu hết sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nguyên liệu sản xuất chủ yếu là các loại giấy phế liệu được thu gom trong nước và một phần nhập khẩu từ nước ngoài. Đã có hàng loạt kế hoạch, chương trình hành động, giải pháp được áp dụng. Thế nhưng xử lý đâu chả biết, cho đến 2016, nghĩa là tận 5 năm sau, thậm chí tình cảnh còn bi đát hơn.Làng nghề giấy Phong Khê vẫn tiếp tục “bức tử” môi trường, các hộ dân còn lén lút đốt lò bằng rác thải độc hại như bao nilon, vải vụn, nhựa vào ban đêm, xả thải tứ tung nguồn nước chưa qua xử lý ra môi trường, bầu trời Phong Khê vẫn cứ u ám vì khói đen.