Theo dữ liệu Globocal 2020, ở Việt Nam, ung thư hạ họng phổ biến đứng hàng thứ 17 với 2356 ca mới mắc và 1.246 ca tử vong mỗi năm.
Yếu tố nguy cơ ung thư hạ họng
Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới (90%) và có liên quan nhiều đến vấn đề nghiện rượu, hút thuốc lá, hít nhiều các khí thải độc hại…Trong đó phải kể đến một số yếu tố nguy cơ hàng đầu là sử dụng thuốc lá và rượu thường xuyên.
Thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với sự phát triển của ung thư hạ họng. Ở những người hút thuốc lá nặng, nguy cơ ung thư tăng gấp 5 đến 25 lần so với những người không hút thuốc. Thời gian hút càng dài, số lượng càng nhiều nguy cơ ung thư càng cao.
Rượu: Theo một nghiên cứu đã báo cáo nguy cơ ung thư hạ họng tăng gấp 5-6 lần khi uống nhiều hơn 50 g rượu 1ngày so với ít hơn 10 g/ngày.
Ngoài ra, uống rượu khi kết hợp với thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạ họng.
Triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn
Nhiều người nhầm lẫn triệu chứng ban đầu của ung thư hạ họng – thanh quản là viêm đường hô hấp trên nên tự đi mua thuốc điều trị. Sau một thời gian mới đến khám thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, điều trị rất khó khăn.
Vì vậy, người dân khi gặp các triệu chứng dưới đây đi khám chuyên khoa, tuyệt đối không được tự mua thuốc điều trị.
Ung thư hạ họng thường diễn biến âm thầm trong thời gian dài, triệu chứng thường gặp là:
- Nuốt: vướng, nghẹn, đau.
- Khàn tiếng kéo dài, tăng dần, không khỏi sau điều trị kháng viêm, nặng mất tiếng.
- Nổi hạch cổ cùng bên tổn thương. Giai đoạn muộn lan sang cả hai bên.
Bệnh có thể phòng được
Ung thư hạ họng có thể đề phòng được. Hạn chế tiếp xúc với thuốc lá (như không hút thuốc hay tránh hút thuốc thụ động ) và bỏ rượu là 2 phương pháp quan trọng nhất có thể làm giảm nguy cơ ung thư hạ họng.
Đối với những người làm việc với hóa chất có liên quan đến các bệnh ung thư này, thiết kế nơi làm việc có nhiều thông gió và sử dụng mặt nạ phòng độc công nghiệp là các biện pháp bảo vệ quan trọng.
Khi xuất hiện các triệu chứng khàn tiếng, khó thở, khó nuốt, nhất là ở người trên 40 tuổi cần phải đi khám chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện sớm bệnh.
Ung thư hạ họng có 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Khối u nhỏ hơn 2cm, phát triển tại 1 vùng hạ họng, chưa xâm lấn ra xung quanh và chưa nổi hạch cổ.
Giai đoạn 2: Khối u lớn hơn 2cm nhưng nhỏ hơn 4cm hoặc xâm lấn vị trí khác của hạ họng hoặc lan ra xung quanh nhưng chưa xâm lấn dây thanh âm, thanh quản chưa bị cố định. Bệnh nhân chưa nổi hạch cổ và chưa di căn tới cơ quan xa.
Giai đoạn 3: Khối u lớn hơn 4cm hoặc đã ảnh hưởng đến dây thanh âm hoặc đã xâm lấn tới thực quản. Bệnh nhân có thể nổi hạch với kích thước hạch nhỏ hơn 3cm ở 1 bên cổ.
Giai đoạn 4: Khối u đã xâm lấn tới sụn, xương và phần mềm. Bệnh nhân có thể nổi hạch cổ hai bên, xuất hiện các di căn xa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Xúc động hình ảnh bác sĩ dốc sức điều trị cho 120 sản phụ mắc COVID-19.