Mặc dù hiện đã có vắc-xin phòng viêm gan vi- rút nhưng do hiểu biết của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn và miền núi còn nhiều hạn chế nên người dân thường không khám sức khỏe định kỳ, không tiêm phòng vắc-xin đầy đủ…
Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng. Các tế bào ung thư phát triển gây ảnh hưởng đến mô bình thường liền kề và có thể lây lan sang các vùng khác của gan cũng như các cơ quan bên ngoài gan. Ung thư gan nguyên phát gồm 3 loại chính: Ung thư biểu mô tế bào gan (phát triển từ tế bào gan), ung thư biểu mô đường mật (phát triển từ đường mật trong gan) và u nguyên bào gan (Hepatoblastoma). Trong đó ung thư biểu mô tế bào gan là hay gặp nhất. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng thứ 3 trong các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và thứ 8 ở nữ giới.
Nguyên nhân, triệu chứng và cách phát hiện sớm
Hầu hết những người mắc ung thư gan đều bị bệnh gan mạn tính (tổn thương gan lâu dài gọi là xơ gan), gây sẹo xơ ở gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan. Điều kiện gây xơ gan là viêm gan B, viêm gan C, nghiện rượu, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc…Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống, lối sống. Xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan.
Ung thư gan giai đoạn sớm ít có triệu chứng nên thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi đã có biến chứng. Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển như: Chán ăn; đau, nặng tức vùng hạ sườn phải (HSP); trướng bụng; vàng da, củng mạc mắt… Trong giai đoạn muộn hơn, các triệu chứng trên rõ ràng, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh: Sụt cân; buồn nôn, nôn; mệt mỏi; chán ăn; trướng bụng; đau, nặng tức vùng HSP; ngứa; vàng da, củng mạc mắt; đi ngoài phân trắng/bạc màu. Vì vậy nếu có một trong các triệu chứng trên người bệnh cần đi kiểm tra và tầm soát bệnh ngay.
Chẩn đoán phát hiện bệnh
Cách tốt nhất để phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ có siêu âm gan ít nhất mỗi 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao (xơ gan, viêm gan mạn do rượu, viêm gan virus B, C,…). Khi nghi ngờ có ung thư gan, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm những xét nghiệm, thăm dò sau để chẩn đoán:
Xét nghiệm máu: Alpha – fetoprotein (AFP) có thể tăng lên ở 70% bệnh nhân ung thư gan nhưng cũng có thể bình thường. Khi AFP tăng cao là dấu hiệu nghi ngờ lớn với ung thư gan. Tuy nhiên, AFP có thể tăng trong xơ gan và viêm gan mạn. Ngoài AFP, xét nghiệm khác cũng có thể được dùng để phát hiện ung thư gan là DCP (Des – gamma – carboxyprothrombin) hay còn gọi là PIVKA – II cũng có độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán ung thư gan.
Chẩn đoán hình ảnh: Chụp cắt lớp vi tính đa dãy có tiêm thuốc cản quang hoặc cộng hưởng từ (MRI) có dùng thuốc đối quang từ có thể được chỉ định để đánh giá động học của u gan. Các phương pháp này cho phép đánh giá tương đối chính xác tính chất của u gan cũng như số lượng, vị trí, liên quan của u gan với các thành phần quan trọng khác trong gan (mạch máu, đường mật). Ngoài ra, còn giúp đánh giá tình trạng di căn tại gan, ngoài gan của ung thư gan. Tuy nhiên với các tổn thương kích thước nhỏ (dưới 1cm) thường khó đánh giá tính chất.
Sinh thiết gan: Không cần thiết trong mọi trường hợp, đặc biệt là khi các dấu ấn miễn dịch và chẩn đoán hình ảnh là rõ ràng cho việc chẩn đoán ung thư gan. Do đó sinh thiết gan chỉ nên chỉ định khi thật sự cần thiết bởi việc sinh thiết cũng có những rủi ro nhất định: Nhiễm trùng, chảy máu, gieo rắc tế bào ung thư theo đường đi của kim sinh thiết (1 – 3% trường hợp).
Các phương pháp điều trị hiện nay
Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư gan tùy thuộc vào mức độ lan rộng của tổn thương và tình trạng xơ gan:
Phẫu thuật: Giúp loại bỏ phần gan chứa u, được lựa chọn với các trường hợp u gan không quá to, còn khả năng cắt bỏ. Đây là phương pháp điều trị triệt căn quan trọng nhất trong số các phương pháp điều trị ung thư gan hiện nay và thường được khuyến cáo là lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân nếu còn chỉ định. Mặc dù phẫu thuật có thể gặp các biến chứng: Chảy máu, nhiễm trùng, rò mật, suy gan… Tuy nhiên các tai biến này ít gặp và đa phần có thể xử lý tốt mà không gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.
Ghép gan: Thay thế gan bệnh bằng gan lành từ người cho sống hoặc người cho chết não. Ghép gan cũng có thể gặp các biến chứng như phẫu thuật. Ngoài ra, ghép gan còn có thể gặp một số biến chứng khác liên quan đến thải ghép, nhiễm trùng do dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép, tăng huyết áp, cholesterol máu cao, đái tháo đường, suy thận…
Phá hủy u tại chỗ: Đây là phương pháp hiện đại giúp phá hủy mô ung thư mà không cần phẫu thuật. Cơ chế chung là dùng nhiệt hoặc các chất gây chết tế bào ung thư: Đốt u bằng sóng cao tần (RFA), vi sóng (MWA); tiêm cồn tuyệt đối qua da (PEI); áp lạnh (Cryotherapy). Phương pháp này thường chỉ định cho các khối u nhỏ (dưới 3cm), thường được làm dưới hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là siêu âm.
Nút hóa chất động mạch gan (TACE): Đây là biện pháp chặn nguồn cấp máu cho khối u. Bác sĩ sẽ luồn dụng cụ vào đến nhánh động mạch gan cấp máu cho khối u, sau đó bơm vật liệu nút mạch kèm hóa chất gây tắc mạch đó. Khối u sau đó sẽ bị thiếu máu và hoại tử dần. Đây không phải phương pháp điều trị triệt căn nhưng là phương pháp quan trọng, chỉ định trong những trường hợp u gan to, nhiều ổ không còn khả năng phẫu thuật. Hoặc có thể được chỉ định như là bước đệm trước khi tiến hành cắt gan.
Xạ trị: Hiện nay có một số loại hình xạ trị đang được nghiên cứu, áp dụng như: Xạ trị dùng hạt vi cầu phóng xạ Yttrium – 90, xạ trị proton… tuy nhiên hiệu quả cần thêm thời gian đánh giá.
Hóa trị: Là sử dụng hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc có thể dùng đường uống, hoặc tiêm truyền tĩnh mạch, hoặc bơm chọn lọc vào nhánh động mạch gan cấp máu cho khối u khi làm tắc mạch. Hiệu quả của hóa trị cũng như xạ trị hiện còn những hạn chế nhất định.
Điều trị nhắm trúng đích: Thường được chỉ định khi các phương pháp điều trị kể trên không còn chỉ định. Có nhiều loại thuốc điều trị đích hiện nay đã được sử dụng hoặc đang nghiên cứu phát triển, trong đó sorafenib (nexavar) đang được sử dụng rộng rãi.
Kỹ thuật nút động mạch gan bằng hóa chất.
Các biện pháp phòng ngừa
Để phòng chống ung thư gan, toàn dân cần thực hiện một số biện pháp sau:
Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên mỗi 6 tháng/lần bằng siêu âm, xét nghiệm máu… để phát hiện sớm các tổn thương gan, đặc biệt ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao của ung thư gan: Viêm gan virus B, C, xơ gan…
Tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng viêm gan B.
Hạn chế hoặc bỏ bia, rượu, thuốc lá, đặc biệt đối với những bệnh nhân có xơ gan, viêm gan virus.
Không dùng thuốc bừa bãi, đặc biệt thuốc chưa rõ nguồn gốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Hầu hết các thuốc đều chuyển hóa qua gan, việc lạm dụng thuốc có thể gây suy giảm chức năng gan, nhất là những bệnh nhân đã có bệnh gan mạn tính và đây là nguy cơ cao cho ung thư gan.
Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan.