PGS.TS Nguyễn Công Long - Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai cho biết những thông tin trên khi trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Cập nhật xử trí ung thư gan và các biến chứng do xơ gan do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hôm nay 25/11.
Hội thảo do Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về gan, mật đến từ một số bệnh viện lớn của Hàn Quốc phối hợp tổ chức nhằm chia sẻ, cập nhật và trao đổi những thông tin hữu ích đặc biệt về phương pháp tiếp cận chẩn đoán sàng lọc ung thư gan.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, các chuyên gia cũng cùng chia sẻ kinh nghiệm về các phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư gan, đặc biệt là các phương pháp điều trị mới, thuốc mới hiện nay, triển vọng điều trị bệnh nhân ung thư gan cũng như kỹ thuật, thuốc điều trị bệnh nhân xơ gan có biến chứng.
Tỷ lệ các bệnh ung thư gan, xơ gan và các biến chứng do xơ gan ngày càng tăng
Ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Theo Globocan 2020 (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 ca mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư và 77% số ca ung thư gan là nam giới. Ung thư gan cũng là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư.
Theo PGS.TS Nguyễn Công Long hiện nay tỷ lệ các bệnh về gan mật như ung thư gan, xơ gan và các biến chứng do xơ gan ngày càng tăng. Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật thường xuyên ghi nhận các ca bệnh ung thư gan tới khám ở giai đoạn muộn, trong khi đó bệnh này ngày càng trẻ hoá, đặc biệt, có không ít trường hợp dưới 30 tuổi, hoặc dưới 35 tuổi đã mắc bệnh này.
"Đáng chú ý, chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân ung thư gan không có triệu chứng gì nhưng đến viện thì đã ở giai đoạn rất nặng. Vì thế, vấn đề sàng lọc trên các đối tượng nguy cơ cao hết sức quan trọng", PGS Long nhấn mạnh. Chẳng hạn, viêm gan virus B là yếu tố, nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Vì thế, những trường hợp bị viêm gan virus B cần được theo dõi định kỳ, tùy từng đối tượng, mức độ xơ của gan mà cách 3-6 tháng sàng lọc một lần.
"Nhiều trường hợp bệnh nhân bị đau tức hạ sườn mới tìm đến bệnh viện khám. Khi đó gan đã tổn thương, khối u to và làm xét nghiệm đều dương tính viêm gan B. Bệnh nhân không biết mình mang bệnh. Có gia đình mẹ - con, cha - con cùng mắc ung thư gan do viêm gan virus B gây ra. Ngoài viêm gan virus B, viêm gan virus C cũng là tác nhân gây xơ gan, ung thư gan"- PGS.TS Nguyễn Công Long cho biết.
Sàng lọc, phát hiện sớm: Chìa khóa để tránh nguy cơ trở nặng, tử vong của bệnh ung thư gan
Bác sĩ Long cũng đồng thời khuyến cáo những người bị viêm gan virus B, C cần phải theo dõi định kỳ từ 3 tới 6 tháng. Bệnh nhân viêm gan B mà có biểu hiện xơ gan mức độ nặng thì cần theo dõi sát hơn, sàng lọc 3 tháng một lần. Với các trường hợp viêm gan virus có xơ gan, thời gian khám sàng lọc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện các tổn thương ung thư gan sớm, từ đó giúp kéo dài cuộc sống của người bệnh.
"Với những trường hợp phát hiện sớm, bệnh hoàn toàn có thể chữa được bằng các phương pháp điều trị triệt căn như phẫu thuật, đốt vi sóng, đốt sóng cao tần…"- PGS.TS Nguyễn Công Long cho hay.
Chuyên gia cũng cảnh báo thêm tình trạng lạm dụng rượu kết hợp với viêm gan virus khiến tình trạng gan bị phá hủy ngày càng tăng. Đã có nhiều trường hợp xơ gan biến chứng chảy máu thực quản do lạm dụng rượu. Cùng đó, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì… cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
PGS.TS Nguyễn Công Long cũng cảnh báo thêm tình trạng nhiều người bệnh tự mua thuốc uống. Trong khi đó, các loại thuốc đều phải kê đơn theo đúng chỉ định. Tại Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị viêm gan nặng do tự mua thuốc điều trị. Họ chỉ mua thuốc theo mách bảo, và dùng thuốc theo kinh nghiệm, theo mách bảo, theo lời hướng dẫn của người bán. Từ đó, bệnh nhân bị viêm gan, nhiễm độc gan nặng.
"Chi phí điều trị tốn kém do thuốc đắt đỏ, các loại thuốc mới kéo dài cuộc sống chưa lâu. Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt nhưng khi đến viện khám bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, sàng lọc trên đối tượng nguy cơ cao là chìa khóa giải quyết nguy cơ trở nặng, tử vong của bệnh ung thư gan, xơ gan. Ngoài ra, để phòng các bệnh về gan, việc tiêm vaccine phòng viêm gan B, thay đổi lối sống tránh thừa cân béo phì, hạn chế bia rượu, tăng cường luyện tập thể dục thể thao..."- PGS.TS Nguyễn Công Long nhấn mạnh.
Những đối tượng có nguy cơ cao cần tầm soát ung thư gan bao gồm:
- Những người mắc bệnh viêm gan virus B, C, xơ gan, gan nhiễm mỡ… hoặc trong gia đình có người mắc ung thư gan rất cần được tầm soát.
- Những người béo phì, tiểu đường.
- Những người dùng nhiều đồ uống có cồn.
- Những người ăn thực phẩm bị nấm mốc.
- Người hay ăn thịt tươi sống nhiễm sán.
- Người lạm dụng thuốc, hóa chất gây tổn thương gan.
- Người sử dụng chất kích thích (như thuốc lá, café nếu sử dụng với hàm lượng nhiều, trong thời gian dài có thể gây nên các bệnh về gan, trong đó có ung thư gan).
Theo các chuyên gia, việc khám kiểm tra ung thư gan không quá phức tạp, thông thường, các bác sĩ sẽ cho chỉ định làm xét nghiệm chỉ số ung thư gan (Alphafetoprotein-AFP) và siêu âm hình thái gan, để có thể đánh giá về nguy cơ đối với lá gan.
Sau đó, nếu nghi ngờ, các bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm khác nữa để chẩn đoán xác định, mà không nhất thiết phải chọc kim sinh thiết vào gan mới khẳng định ung thư gan.