Ung thư đường mật: Triệu chứng, phân loại và nguyên nhân gây bệnh

06-10-2021 10:04 | Ung thư
google news

SKĐS - Nhiều người khi thấy các biểu hiện vàng da, chán ăn, sụt cân, mệt mỏi và sốt .. chỉ nghĩ đến ung thư gan hoặc một loại bệnh nào đó. Nhưng đây có thể là một trong các dấu hiệu của ung thư đường mật.

Ung thư đường mật là ung thư hình thành trong hệ thống các ống dẫn đưa mật từ gan xuống ruột non. Mặc dù hiện đã có rất nhiều những tiến bộ trong y học nhưng tiên lượng về bệnh ung thư đường mật vẫn còn rất hạn chế.

Theo nghiên cứu, tại thời điểm phát hiện bệnh có khoảng 90% các trường hợp phát hiện muộn, khối u đã xâm lấn và di căn nên không thể áp dụng được các biện pháp điều trị triệt để (như phẫu thuật cắt bỏ khối u). Do vậy,  phát hiện và chẩn đoán sớm ung thư đường mật là vô cùng cần thiết giúp người bệnh điều trị hiệu quả căn bệnh này.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của ung thư đường mật

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư đường mật, theo nghiên cứu các bệnh như: Viêm xơ hóa đường mật nguyên phát; bệnh nang đường mật bẩm sinh( nang ống mật chủ, bệnh Caroli).... đều có thể gây ra tình trạng ung thư đường mật. 

Yếu tố nhiễm ký sinh trùng đường mật hay tình trạng bệnh nhân mắc sỏi túi mật, sỏi gan. ... cũng đều có nguy cơ gây ra tình trạng ung thư đường mật. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư đường mật còn phải kể đến tình trạng bệnh nhân mắc viêm gan B, nhiễm sán lá gan, polyp túi mật, viêm túi mật…

Theo thống kê cả nam và nữ đều có thể mắc ung thư đường mật, hầu hết các bệnh nhân đều trên 65 tuổi. Các nhà nghiên cứu đều chỉ ra rằng ung thư đường mật có thể khởi phát ở bất cứ vị trí nào của đường mật. Nếu bị ung thư đường mật mà khối u tăng trưởng sẽ gây tắc nghẽn các ống dẫn mật.

Ung thư đường mật: Triệu chứng, phân loại và nguyên nhân  gây bệnh ai cũng cần phải biết - Ảnh 1.

Ung thư đường mật hầu hết các bệnh nhân đều trên 65 tuổi.

Dấu hiệu nhận biết ung thư đường mật và phân loại

Ung thư đường mật chủ yếu là ung thư tế bào biểu mô tuyến tiết nhầy. Khi mắc ung thư đường mật ở giai đoạn sớm gần như không có biểu hiện gì, mà các biểu hiện thường rất mơ hồ rất khó phát hiện. 

Triệu chứng phổ biến nhất khoảng 90% các trường hợp có biểu hiện này là bệnh nhân vàng da. Sau đó là 30-50% bệnh nhân có biểu hiện đau bụng. Đôi khi bệnh nhân vào viện vì sốt nhiễm trùng đường mật. 

Các triệu chứng khác có thể gặp như: thiếu máu, chán ăn, sụt cân và ngứa toàn thân. Trong các trường hợp muộn, người bệnh có dịch trong ổ bụng.

Ung thư đường mật: Triệu chứng, phân loại và nguyên nhân  gây bệnh ai cũng cần phải biết - Ảnh 2.

Vàng da, vàng mắt do nồng độ bilirubin cao trong máu

 Biểu hiện của bệnh:

Tuỳ từng vị trí khác nhau thì biểu hiện bệnh cũng khác nhau

- Đối với ung thư bóng Vater thì có các biểu hiện da vàng, củng mạc mắt vàng tăng dần, phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu- Đây là thuộc hội chứng vàng da tắc mật tăng dần. 

Ngoài ra bệnh nhân ung thư còn có các biểu hiện đau vùng hạ sườn phải, thượng vị và yếu tố khiến bệnh nhân nghi ngờ là gầy sút cân, sốt, ăn kém…

- Đối với ung thư túi mật, bệnh nhân thường có các biểu hiện đau tức hạ sườn phải. Ngoài ra cũng có biểu hiện sụt cân, ăn kém, sốt…. 

- Đối với ung thư đường mật trong và ngoài gan, bệnh nhân cũng có các biểu hiện da vàng, củng mạc mắt vàng tăng dần, phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu… Đây là hội chứng vàng da tắc mật tăng dần: da vàng, củng mạc mắt vàng tăng dần, phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu. Ngoài ra người bệnh còn có các biểu hiện đau vùng hạ sườn phải, thượng vị, gầy sụt cân, sốt, ăn kém…

Ung thư đường mật: Triệu chứng, phân loại và nguyên nhân  gây bệnh ai cũng cần phải biết - Ảnh 2.

Hình ảnh minh họa đường mật

Biểu hiện di căn khi ung thư đường mật

Tùy thuộc vào từng cá nhân vị trí khối u mà các biểu hiện di căn xa có các biểu hiện khác nhau. 

- Nếu di căn xương: đau xương, gãy xương bệnh lý…

- Nếu di căn phúc mạc: cổ trướng, bụng căng tức, khó thở…

- Nếu di căn phổi: khó thở, tràn dịch màng phổi… 

- Nếu di căn não: hội chứng tăng áp lực nội sọ…

Cần làm gì khi nghi ngờ ung thư đường mật?

Nếu nghi ngờ bị ung thư đường mật, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử gia đình, kiểm tra lâm sàng và các yếu tố nguy cơ. 

Ngoài ra, các bác sĩ sẽ khám thực thể vị trí khối u và chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết bao gồm: Siêu âm bụng, sinh thiết khối u qua hướng dẫn của siêu âm và làm thêm các chẩn đoán hình ảnh như CT scan, nội soi mật tụy ngược dòng, chụp mật tụy cộng hưởng từ, các xét nghiệm chức năng gan, sinh thiết khối u qua hướng dẫn của siêu âm hoặc CT scan…để chẩn đoán chính xác khối u.

Ung thư đường mật: Triệu chứng, phân loại và nguyên nhân  gây bệnh ai cũng cần phải biết - Ảnh 3.

Ung thư đường mật ngoài gan

Điều trị ung thư đường mật

Cũng như điều trị các ung thư khác, mục đích điều trị ung thư đường mật là để giải quyết khối ung thư và hậu quả tắc nghẽn đường mật do nó gây ra. 

Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định thích hợp, nếu tình trạng bệnh nhân cho phép, việc phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị có thể lựa chọn.

Đối với khối u quá lớn, có thể cắt bỏ toàn bộ gan và ghép gan. Nhưng đa phần các trường hợp phát hiện ra ung thư đường mật thì ở giai đoạn muộn, vì vậy việc điều trị thường là kết hợp đa mô thức bao gồm: Hóa trị hoặc xạ trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát. Trường hợp ung thư đường mật phát hiện ở giai đoạn muộn quá chỉ định phẫu thuật thì sẽ được điều trị bằng hóa trị liệu giảm nhẹ, có hoặc không kèm xạ trị.

Dự phòng bệnh ung thư đường mật

Mặc dù không thể dự phòng hoàn toàn bệnh ung thư đường mật nhưng việc hạn chế giảm nguy cơ các yếu tố thuận lợi có thể giúp phòng tránh được căn bệnh này. Vì vậy, cần tránh tiếp xúc hóa chất độc hại, khi mắc bệnh nhiễm trùng mạn tính, mắc bệnh ký sinh trùng như giun sán, bệnh sỏi mật, viêm loét đại tràng, các bệnh đường mật khác như nang đường mật, xơ gan, viêm đường mật xơ hóa...cần điều trị sớm. Ngoài ra cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm, đặc biệt người trên 50 tuổi. Và cần khám ngay khi có biểu hiện bất thường như đau vùng bụng trên bên phải, nước tiểu vàng sậm, vàng da, vàng mắt để phát hiện bệnh sớm những căn bệnh nguy hiểm.

Video bạn có thể quan tâm:

Tư liệu đặc biệt- Theo chân bác sĩ cấp cứu ca F0 nguy kịch tại nhà, cấp tốc chuyển về bệnh viện dã chiến


BS. Nguyễn Văn Long
Ý kiến của bạn