Ung thư đại, trực tràng: Nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được

25-03-2016 07:39 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ca sĩ Trần Lập qua đời để lại bao sự thương tiếc và cảm giác hụt hẫng trong hàng triệu khán giả Việt Nam đã, đang và vẫn tiếp tục say mê với những ca khúc của ban nhạc Bức Tường.

Ca sĩ Trần Lập qua đời để lại bao sự thương tiếc và cảm giác hụt hẫng trong hàng triệu khán giả Việt Nam đã, đang và vẫn tiếp tục say mê với những ca khúc của ban nhạc Bức Tường. Một trong những bài hát của anh Đường đến đỉnh vinh quang đã là người bạn thân thiết động viên tinh thần cho nhiều bạn trẻ trên con đường phấn đấu học hành và sự nghiệp. Anh đã mắc bệnh và qua đời khi tuổi còn trẻ vì căn bệnh ung thư trực tràng. Là bác sĩ, bản thân chúng tôi và các đồng nghiệp vẫn hàng ngày gặp những bệnh nhân đến khám nội soi đường tiêu hóa và được chẩn đoán là ung thư đại trực tràng, ở giai đoạn tiến triển, nghĩa là không còn ở giai đoạn sớm nữa. Đối với người bệnh này thì đây là “thảm họa” khi nghe được kết luận của bác sĩ vì họ biết rằng họ sắp phải đối mặt với cái chết gần kề. Điều rất đáng tiếc là có những bệnh nhân mới chỉ 28 - 30 tuổi, khi công danh-sự nghiệp-gia đình mới bắt đầu... Anh Trần Lập đã qua đời, chúng tôi cũng tin là ở “bên kia thế giới”, anh rất mong muốn không còn nhiều người mắc bệnh như anh nữa.

Hình ảnh polyp đại trực tràng là tổn thương lành tính.

Hình ảnh khối u ác tính ở đại trực tràng phát triển từ polyp lành tính.

Vậy ung thư đại trực tràng là gì?

Đây có lẽ là câu hỏi nhiều người quan tâm. Dưới góc độ chuyên môn, chúng tôi xin được chia sẻ bài viết dưới đây, mong rằng sẽ mang đến cho mọi người những thông tin hữu ích, góp phần giảm thiểu những người bệnh bị mắc căn bệnh đáng tiếc này.

Ung thư đại, trực tràng là ung thư phát triển từ đại tràng hoặc trực tràng, đời thường người ta vẫn gọi là ung thư “ruột già”. Theo báo cáo của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan, WHO 2012), ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng là 1 trong 6 loại ung thư phổ biến nhất, đứng sau ung thư phổi, gan, vú, dạ dày và cổ tử cung. Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng:

Tuổi tác: tuổi càng cao thì khả năng mắc càng cao. Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trên 90% ca ung thư đại trực tràng xuất hiện ở người trên 50 tuổi.

Người mắc bệnh viêm ruột không rõ nguyên nhân như: Crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu.

Người có người thân trong gia đình bị bệnh ung thư đại, trực tràng (cha, mẹ, anh, chị, em ruột…).

Một số hội chứng do gen di truyền: bệnh polyp có tính chất gia đình, hội chứng Lynch.

Lối sống: ít tập thể dục hoặc vận động; chế độ ăn ít rau, quả, nhiều mỡ; béo phì; uống rượu; hút thuốc lá...

Vậy làm thế nào để dự phòng và phát hiện sớm căn bệnh ung thư đại, trực tràng?

Hầu hết ung thư đại trực tràng nguyên phát đều bắt đầu từ những tổn thương tiền ung thư gọi là polyp tiền ung thư, tức là sự phát triển bất thường của niêm mạc đại, trực tràng tạo thành những khối u. Ban đầu, những polyp này phát triển mang tính chất lành tính, lâu ngày, khoảng 1% số polyp đó sẽ trở thành ác tính, tức là ung thư. Đa số bệnh nhân có polyp không có biểu hiện gì ra bên ngoài, do vậy, nhiều người bệnh ngại không đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư đại trực tràng là một trong ba loại ung thư có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn tiền ung thư, tức là cắt bỏ những polyp tiền ung thư sẽ phòng được ung thư. Hàng ngày, tại Khoa Thăm dò chức năng - Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi gặp khoảng 15 - 20% bệnh nhân đến nội soi đại tràng có polyp. Tất cả các bệnh nhân này nếu không có chống chỉ định đặc biệt thì chúng tôi đều khuyên cắt polyp qua nội soi để phòng tránh ung thư. Còn với những bệnh nhân khi có biểu hiện bệnh ra bên ngoài như tắc ruột, đi ngoài phân nhày máu, gầy sút nhiều… mới đi khám thì khi đó bệnh đã ở giai đoạn muộn. Theo báo cáo, ở Việt Nam hiện nay, khoảng 70 - 80% bệnh nhân ung thư nói chung là phát hiện ở giai đoạn muộn, đồng nghĩa với tiên lượng sống của bệnh nhân còn rất thấp. Theo quan sát tại khoa chúng tôi, tỉ lệ bệnh nhân ung thư đại, trực tràng được phát hiện sớm chỉ chiếm khoảng < 5%.

Ngoài việc khám định kỳ phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư sớm thì để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, người dân nên có một lối sống khỏe mạnh và lành mạnh như: tập thể dục, vận động đều đặn, thường xuyên; ăn nhiều rau, quả sạch, ít mỡ, ít thịt; giảm thiểu uống rượu; không hút thuốc lá...

Hiệp hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society) khuyến cáo, hiện nay, có rất nhiều phương pháp để khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư đại trực tràng như nội soi đại, trực tràng, chụp Xquang đại tràng đối quang kép, chụp cắt lớp vi tính đại tràng có nội soi ảo hoặc xét nghiệm máu… Tuy nhiên, ở Việt Nam, nội soi đại trực tràng bằng ống mềm vẫn là phương pháp chẩn đoán phù hợp nhất vì giá trị chẩn đoán cao, chi phí thấp, dễ dàng thực hiện, không độc hại… Đặc biệt, bệnh nhân sẽ không có cảm giác khó chịu nếu nội soi bằng phương pháp gây mê. Tuỳ theo đối tượng sàng lọc mà các bác sĩ khuyên người dân, đặc biệt là những người trên 50 tuổi và những người có yếu tố nguy cơ như trên, nên đi nội soi đại trực tràng định kỳ 1- 5 năm/lần.


BS. Việt Hùng - Vân Ngọc (Khoa Thăm dò chức năng - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội)
Ý kiến của bạn