Hà Nội

Ung thư đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

05-05-2023 09:58 | Ung thư
google news

SKĐS - Ung thư đại tràng là ung thư gây tử vong cao, tuy nhiên nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%. Vì vậy, việc hiểu biết nguyên nhân, nhận biết các triệu chứng và điều trị căn bệnh này là vô cùng quan trọng.

1.Tổng quan ung đại tràng

Ung thư đại tràng phát triển ở ruột già (đại tràng) hoặc trực tràng. Đây là bệnh lý ung thư ác tính rất hay gặp trong số các bệnh ung thư đường tiêu hóa. Theo thống kê của Globocan, trên thế giới có khoảng 1 triệu ca ung thư đại tràng được phát hiện mới và một nửa trong số đó tử vong. Còn ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca mắc bệnh mới và con số tử vong khoảng 50%. Tuy nhiên, ung thư đại tràng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng, người ta ghi nhận các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng ung thư thường thấy là : người lớn tuổi, người có tiền sử bị polyp đại tràng, bệnh viêm ruột, tiền sử bản thân và gia đình bị ung thư đại tràng…là những nguy cơ gia tăng dễ mắc bệnh ung thư đại tràng.

Ngoài ra, nếu người nào thường xuyên mắc táo bón, tiêu chảy, tiêu ra máu tươi, tiêu phân đen, đau bụng vùng quanh rốn thường xuyên, đi cầu có búi trĩ ra hậu môn… cũng có nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

3. Biểu hiện ung thư đại tràng

Tùy theo vị trí của khối u mà bệnh ung thư đại tràng có những biểu hiện triệu chứng khác nhau.

Thông thường thì bệnh ung thư đại tràng sẽ không có biểu hiện gì trong một thời gian dài ủ bệnh. Đến khi các biểu hiện rõ ràng thường đã ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cảnh báo sau có thể là biểu hiện của ung thư đại tràng:

- Xuất hiện sự thay đổi liên tục thói quen đại tiện: Xuất hiện táo bón, tiêu chảy hoặc táo bón, đại tiện ra phân có kèm theo chất nhầy.

- Biểu hiện đau quặn bụng và đại tiện có mót rặn thường xuyên mà không giải thích được nguyên nhân. Lúc này bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ nếu nó ngày càng trầm trọng.

Ung thư đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị - Ảnh 2.

Các giai đoạn của ung thư đại tràng.

- Người mệt mỏi, khó thở, chóng mặt. Đây là dấu hiệu của chứng thiếu máu do việc mất máu để nuôi dưỡng khối u. Người bệnh bị giảm cân nhanh chóng.

- Biểu hiện trực tràng bị chảy máu bất kể với tần suất ít hay thường xuyên mà không có lý do rõ ràng.

Trên thực tế các triệu chứng ban đầu của ung thư đại tràng không có gì đặc hiệu và cũng chưa gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Chính vì thế điều quan trọng là nhận biết được tình trạng sức khỏe của mình để nhận ra được những thay đổi bất thường nhằm đi khám và điều trị bệnh kịp thời.

4. Điều trị ung thư đại tràng

Cũng như các loại ung thư khác, ung thư đại tràng hiện nay thường được áp dụng điều trị theo phương pháp đa mô thức. Tùy thuộc vào các yếu tố của bệnh nhân, giai đoạn bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp.

Thông thường điều trị chủ yếu là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Nếu ở giai đoạn đầu ung thư đại tràng, khối u nhỏ bác sĩ có thể loại bỏ nó hoàn toàn bằng nội soi.

Nếu ung thư đại tràng đã phát triển có thể bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật, sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể sẽ được tiếp tục hóa trị, xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót. Trong một vài trường hợp cần thiết có thể các bác sĩ sẽ phẫu thuật nội soi kết hợp với phẫu thuật hở. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định điều trị đích. Đây là biện pháp điều trị sử dụng thuốc để nhắm đến và tiêu diệt các tế bào ung thư mang các đặc tính cụ thể. Hoặc cũng có thể bệnh nhân sẽ được điều trị miễn dịch- là biện pháp điều trị sử dụng hệ thống miễn dịch của người bệnh để chống lại bệnh ung thư.

Ung thư đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị - Ảnh 3.

Các vị trí thường gặp của ung thư đại tràng

Tóm lại: Ung thư đại tràng là bệnh phổ biến, chiếm tỉ lệ cao ở Việt Nam và trên thế giới. Để phòng ngừa và giảm nguy cơ ung thư đại tràng cần thay đổi lối sống khoa học, lành mạnh cụ thể: Không hút thuốc lá; Hạn chế thức uống có cồn; Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng thừa cân hoặc béo phì; Cần ăn uống khoa học, ăn nhiều chất xơ, tiêu thụ lượng chất đạm hợp lý; chế biến thức ăn khoa học và cần thường xuyên tập thể dục thể thao đều đặn, 2 – 3 lần/tuần.

Quan trọng nhất, mỗi người cần chủ động tầm soát và phát hiện sớm để giúp điều trị hiệu quả và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Khi nào nên tầm soát ung thư đại tràng?

Kế hoạch tầm soát ung thư đại tràng tùy thuộc vào mức độ nguy cơ của từng người. Thông thường những người trên 45 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư đại tràng, hoặc sớm hơn ở những người có yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng.

Những người có yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng bao gồm:
- Người có tiền sử bị ung thư đại- trực tràng hoặc đa polyp.
- Người có tiền sử viêm ruột: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
- Người có tiền sử gia đình bị ung thư đại- trực tràng hoặc polyp.
- Người có tiền sử gia đình bị các hội chứng ung thư đại- trực tràng di truyền: hội chứng đa polyp gia đình hoặc hội chứng Lynch.

Những người có yếu tố nguy cơ cao nên bắt đầu sàng lọc sớm và tiến hành thường xuyên hơn.

Mời độc giả xem thêm video:

Thực Phẩm Tốt Cho Tiêu Hóa Và Giấc Ngủ Vào Buổi Tối | SKĐS


BS. Nguyễn Thị Hà
Ý kiến của bạn