Hà Nội

Ung thư dạ dày từ lối sống thiếu lành mạnh

03-02-2021 09:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết. Đây là một trong những ung thư phổ biến trên thế giới, tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam và thứ 4 ở nữ. Tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi của nam giới gấp 2 lần nữ giới.

Nguyên nhân từ những thói quen xấu

Chế độ ăn uống: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh ung thư dạ dày. Chế độ ăn mặn, nhiều muối, đặc biệt là các món như dưa cà muối, các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn khiến lượng muối đưa vào cơ thể quá nhiều, gây quá tải cho hệ tiêu hóa. Ngoài việc tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, ăn mặn còn gia tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày do muối thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn H.pylori, một loại vi khuẩn gây viêm loét niêm mạc dạ dày.

Uống nhiều rượu bia cũng là nguyên nhân khá phổ biến gây ung thư dạ dày qua con đường làm tổn thương gen. Khả năng gây ung thư của rượu bia do tính chất cộng dồn các yếu tố gây ung thư.

Thói quen ăn quá nhanh cũng khiến dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng do thức ăn không được nhai kỹ, các enzyme trong nước bọt chưa kịp được tiết ra để bôi trơn và phân hủy thức ăn trước khi được đưa xuống dạ dày. Do đó, dạ dày cũng không kịp tiết ra lượng dịch vị đầy đủ để kịp tiêu hóa chúng khiến thức ăn ứ đọng, dạ dày hoạt động quá tải gây trào ngược acid, viêm loét và lâu dần dẫn đến ung thư dạ dày.

Uống nhiều rượu bia cũng là nguyên nhân khá phổ biến gây ung thư dạ dày qua con đường làm tổn thương gen. Khả năng gây ung thư của rượu bia do tính chất cộng dồn các yếu tố gây ung thư.

Nhiễm vi khuẩn H.pylori: H.pylori là vi khuẩn gây nên viêm loét ở dạ dày dẫn tới bệnh ung thư, trong khi loại vi khuẩn này lại rất dễ lây lan qua việc ăn uống chung bát, đũa, cốc, chén… Chính vì vậy, việc thường xuyên ăn uống tại các quán xá, nhà hàng hay những nơi cung cấp dịch vụ ăn uống không đảm bảo vệ sinh hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh cũng có thể là nguyên nhân gây ung thư dạ dày.

Không có thói quen khám sức khỏe định kỳ: Rất nhiều bệnh nhân phát hiện mình mắc bệnh ung thư dạ dày khi đã ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân chủ yếu là do họ không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trong khi đây lại là cách duy nhất để phát hiện bệnh sớm hoặc phát hiện nguy cơ từ khi bị viêm loét dạ dày để sớm có phương pháp điều trị, không để bệnh chuyển thành ung thư.

Ung thư dạ dày từ lối sống thiếu lành mạnhKhám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nguy cơ ung thư.

Dấu hiệu cảnh báo người bệnh cần đi khám

Các triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày khá mơ hồ nên khó phát hiện chẩn đoán khi ở giai đoạn sớm, vì vậy khi thấy bất kì biểu hiện nào dưới đây thì bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn:

Trướng bụng đầy hơi: Triệu chứng này xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày và tồn tại trong suốt quá trình mắc bệnh. Trên 70% người bệnh có biểu hiện này ngay từ đầu.

Ợ chua, nóng ruột (nóng dạ dày): Đây là triệu chứng dễ lầm tưởng với bệnh đau dạ dày, viêm dạ dày nhưng cũng không nên chủ quan với nó. Cảm giác khó chịu, đau âm ỉ ở dạ dày, uống thuốc giảm đau thấy giảm đau hữu hiệu là đặc điểm của triệu chứng này.

Sụt cân, mệt mỏi, thiếu máu: Cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn gì, nếu tình trạng này kéo dài khiến họ bị sút cân nghiêm trọng.

Những bệnh nhân mắc bệnh thời gian dài, có thể xuất hiện hiện tượng xuất huyết đường tiêu hóa, nôn ra máu, đại tiện phân đen, hoặc xét nghiệm tìm thấy hồng cầu trong máu.


ThS.Nguyễn Thu Hiền
Ý kiến của bạn