Cũng giống với các loại ung thư khác nếu ung thư dạ dày phát hiện muộn, bệnh ở giai đoạn cuối thì gần như mất đi cơ hội điều trị. Vậy nên, việc hiểu biết về căn bệnh này là vô cùng quan trọng.
1. Tổng quan về ung thư dạ dày
Dạ dày là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Thành dạ dày cấu tạo bao gồm 5 lớp, từ trong ra ngoài là lớp niêm mạc, lớp dưới niêm, lớp cơ, lớp dưới thanh mạc và lớp thanh mạc. Ung thư dạ dày thường bắt đầu từ lớp niêm mạc sau đó lan dần ra ngoài đến lớp thanh mạc, và có thể xâm lấn các cơ quan lân cận như đầu tuỵ, gan, mạc treo đại tràng.
Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính hình thành và phát triển bên trong dạ dày. Đây là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết.
Theo thống kê, ung thư dạ dày là một trong những ung thư phổ biến trên thế giới, tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam và thứ 4 ở nữ. Tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi của nam giới gấp 2 lần nữ giới.
Số liệu của Globocan 2020 cho thấy, ung thư dạ dày là loại ung thư thường gặp tại Việt Nam với 17.906 ca mắc mới, chiếm 9.8%. Tỷ lệ tử vong của mặt bệnh ung thư này cũng đứng thứ 3 trong top các bệnh ung thư chết người nhất với 14.615 ca tử vong, chiếm 11.9%. Đây là mặt bệnh thường xuyên nằm trong top những bệnh ung thư nguy hiểm nhất.
2. Nguyên nhân ung thư dạ dày
Nguyên nhân dẫn đến hình thành ung thư dạ dày hiện vẫn chưa được xác định rõ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có một vài yếu tố liên quan làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày, bao gồm:
- Tình trạng nhiễm Helicobacter pylori (H. pylori) tại dạ dày
- Do viêm dạ dày mạn tính
- Do dạ dày chuyển sản ruột
- Do polyp dạ dày
- Tình trạng nhiễm Virus EBV
- Nếu ăn nhiều muối, thực phẩm hun khói, ít rau và trái cây
- Ăn nhiều thực phẩm sống hoặc không được bảo quản tốt
Ngoài ra, yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày thường thấy là nam giới, người lớn tuổi, tình trạng hút thuốc lá hoặc gia đình có người thân trực hệ bị ung thư dạ dày… dễ mắc ung thư dạ dày.
3. Triệu chứng ung thư dạ dày
Những triệu chứng của ung thư dạ dày bao gồm:
- Người bệnh thấy đau âm ỉ vùng bụng trên rốn
- Có biểu hiện ăn uống không ngon miệng
- Có cảm giác đầy bụng, chậm tiêu, khó chịu ở dạ dày.
Nếu bệnh ở giai đoạn nặng hơn thì các biểu hiện rõ như: người bệnh có cảm giác đau bụng quặn cơn, nuốt nghẹn, nôn ói sau khi ăn, ói ra máu hoặc đi cầu phân đen.
4. Chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày
- Đối với chẩn đoán ung thư dạ dày
Ngoài việc khám lâm sàng để chẩn đoán chính xác ung thư dạ dày thì các bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm máu, nội soi thực quản – dạ dày kèm sinh thiết, chụp cắt lớp vi tính vùng bụng và một số xét nghiệm khác: chụp MRI, xạ hình xương, PET-CT nếu cần thiết.
- Về điều trị ung thư dạ dày
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp. Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày bao gồm: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, thuốc nhắm trúng đích và điều trị miễn dịch.
Trên thực tế việc điều trị được lựa chọn phụ thuộc vào: tình trạng bệnh, vị trí của khối u dạ dày, tuổi và toàn trạng của bệnh nhân và khả năng thích ứng với điều trị và các tác dụng phụ khi điều trị của bệnh nhân.
Phẫu thuật thường ung thư dạ dày phụ thuộc vào kích thước, vị trí khối u. Nếu khối u nhỏ, phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn. Nếu khối u không có khả năng cắt bỏ, bác sĩ sẽ phẫu thuật để ngăn chặn và giảm nhẹ triệu chứng.
Tóm lại: Ung thư dạ dày là một bệnh lý ác tính của tổn thương dạ dày, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư ống tiêu hoá. Hiện nguyên nhân chưa rõ ràng, tiến triển nhanh và chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.
Đây là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến, nguy hiểm với tỷ lệ gây tử vong cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên đa số bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn, ung thư xâm lấn, di căn nhiều tạng trong cơ thể. Với những người bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nếu được phát hiện và điều trị phù hợp thì tỉ lệ bệnh nhân có thể sống thêm khoảng 5 năm lên đến 90%, 10 năm là 70%.
Với bệnh nhân ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, việc điều trị khó khăn, không chỉ điều trị bằng một mà phải kết hợp nhiều phương pháp (gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị).
Vì vậy, người dân trên 40 tuổi nên định kỳ khám sức khỏe, nội soi dạ dày, đại trực tràng để tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa. Hoặc nếu có các biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn đầy đủ. Tuyệt đối không được điều trị theo mách bảo có thể dẫn đến hệ lụy mất đi cơ hội điều trị.
Mời độc giả xem thêm video:
Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày