Ung thư dạ dày là một bệnh hay gặp, nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây tử vong trong các bệnh do ung thư trên thế giới. Tại Nhật Bản, ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 ở cả nam và nữ.
Từ xa xưa cho đến ngày nay, khi đã có nhiều tiến bộ trong y học nói chung cũng như về chẩn đoán và điều trị ung thư nói riêng đều cho thấy ung thư nếu chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn thì khả năng cứu chữa là rất nhỏ, thời gian sống còn rất ngắn, đặc biệt chất lượng cuộc sống thấp. Ở Nhật Bản, ung thư dạ dày là “thảm họa gây chết người”, giới Y học Nhật Bản đã phải đặt câu hỏi bằng cách nào để hạn chế được bệnh ung thư dạ dày?
Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, các bác sĩ về Tiêu hóa và Ung thư Nhật Bản đã có chương trình sàng lọc phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm. Giai đoạn này, chủ yếu sàng lọc bằng phương pháp chụp dạ dày với đối quang kép có nghĩa là cho bệnh nhân uống thuốc cản quang, đồng thời bơm hơi vào trong dạ dày và dùng bóng ép phía ngoài thành bụng, giúp cho thuốc cản quang láng rất mỏng trên bề mặt niêm mạc dạ dày để có thể thấy rõ tổn thương, ngay cả tổn thương nhỏ như trong ung thư dạ dày sớm. Đến 1983, trong luật về sức khỏe của Nhật Bản đã quy định tuổi sàng lọc của ung thư dạ dày là 40 tuổi.
Ngày nay, tại Nhật Bản trên 70% ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu được phát hiện sớm và điều trị thì trên 97% người bị ung thư dạ dày còn sống sau 5 năm với chất lượng sống tốt gần như người bình thường, trong khi đó, nếu ung thư dạ dày phát hiện ở giai đoạn muộn sau 5 năm chỉ còn dưới 10% còn sống với chất lượng cuộc sống thấp.
Việc điều trị ung thư dạ dày sớm cũng đơn giản hơn rất nhiều so với ung thư ở giai đoạn tiến triển hay giai đoạn muộn. Bệnh nhân không cần điều trị hóa chất, không phải chịu đựng phẫu thuật. Ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần tiến hành nội soi dạ dày để cắt hớt niêm mạc (Endoscopic Mucosal Resection- EMR) hoặc cắt tách niêm mạc (Endoscopic Submucosal Dissection- ESD) có nghĩa là tiến hành lấy toàn bộ vùng niêm mạc bị ung thư qua nội soi đường miệng.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày
Từ năm 1994, vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xếp loại là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P của người Việt Nam rất cao, chiếm trên 70% dân số. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn H.P cũng đều bị ung thư dạ dày, mà còn phụ thuộc độc lực của chủng vi khuẩn mắc phải và cơ thể con người tức là yếu tố thể tạng hay gene.
Có hai phương pháp hay được sử dụng để phát hiện nhiễm vi khuẩn H.P bao gồm: Phương pháp test urease nhanh và phương pháp xét nghiệm bằng test thở C13. Phương pháp test urease nhanh bằng cách lấy sinh thiết khi soi dạ dày, sau đó cho mảnh sinh thiết vào dung dịch thuốc thử ngay tại phòng nội soi để tìm H.P. Đây là phương pháp đơn giản dễ làm, có kết quả chính xác cao.
Phương pháp xét nghiệm bằng test thở C13, người bệnh được thuốc có gắn C13 sau đó thở vào một túi để lấy không khí và đưa túi khí này vào máy phát hiện nhiễm H.P, phương pháp này có khả năng phát hiện cao không cần nội soi dạ dày. Cả hai phương pháp này đều được làm thường quy tại Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai.
Ngoài ra, có thể phát hiện nhiễm vi khuẩn H.P bằng xét nghiệm phân, xét nghiệm kháng thể kháng H.P trong máu (Anti- H.P IgG) hoặc lấy mảnh sinh thiết qua nội soi để nuôi cấy vi khuẩn. Tuy nhiên, phát hiện nhiễm vi khuẩn H.P bằng xét nghiệm kháng thể kháng H.P trong máu không có ý nghĩa trong việc chẩn đoán nhiễm vi khuẩn H.P để điều trị cũng như theo dõi sau điều trị. Bởi vì, xét nghiệm dương tính chỉ cho thấy người đó có nhiễm vi khuẩn H.P, có thể là nhiễm trong quá khứ hoặc hiện tại có nhiễm nhưng cũng có thể hiện tại không còn nhiễm vi khuẩn H.P. Mặt khác, sau khi điều trị diệt trừ thành công vi khuẩn H.P thì kháng thể kháng vi khuẩn H.P vẫn còn tồn tại lâu sau đó, nên không thể dùng xét nghiệm kháng thể này để đánh giá hiệu quả của điều trị diệt H.P.
Các bác sĩ tiến hành nội soi tại khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai.
Nội soi phát hiện sớm ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày sớm là khi tổn thương ung thư chỉ nằm ở lớp niêm mạc chưa xâm lấn vào lớp dưới niêm mạc. Bình thường, thành dạ dày có 4 lớp từ trong ra ngoài: lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ, ngoài cùng là lớp thanh mạc. Giữa lớp niêm mạc và dưới niêm mạc ngăn cách nhau bởi lớp cơ niêm. Ung thư dạ dày sớm có nghĩa là chưa có di căn nơi khác vì lớp niêm mạc không có mạch máu và cũng chưa xâm lấn sang các cơ quan trong ổ bụng cũng như di căn hạch. Vì vậy, chỉ cần lấy toàn bộ phần ung thư là khỏi bệnh.
Không giống ung thư ở giai đoạn muộn, ung thư dạ dày sớm không có biểu hiện triệu chứng, thường phát hiện được tình cờ khi nội soi. Khi có biểu hiện triệu chứng như đau bụng, chán ăn, đầy bụng, xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen là khi ung thư đã ở giai đoạn muộn.
Phương pháp tốt nhất để phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm là tiến hành nội soi. Tổn thương ung thư sớm có thể rất nhỏ chỉ 2-3mm trên hình ảnh nội soi, nhưng cũng có thể tới 3-4cm mà vẫn còn ở giai đoạn sớm. Tại Nhật Bản hiện nay, ngoài nội soi các bác sĩ vẫn còn sử dụng phương pháp chụp dạ dày với đối quang kép để sàng lọc ung thư dạ dày sớm trong cộng đồng. Tuy nhiên, phương pháp này cần nhiều thời gian, trong thực tế ở Việt Nam ít khi chụp dạ dày bằng phương pháp đối quang kép. Như vậy, đối với Việt Nam chỉ có phương pháp duy nhất là phát hiện ung thư dạ dày sớm bằng nội soi.
Tại Nhật Bản, xét nghiệm máu CA 72- 4 và các xét nghiệm khác không có giá trị để chẩn đoán ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, khi ung thư mà có tăng CA 72 - 4 hoặc các chỉ số ung thư khác thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Mặt khác, khi xét nghiệm thấy các chỉ số này tăng thì cũng không đặc hiệu cho ung thư dạ dày có nghĩa là chưa chắc người này đã bị ung thư dạ dày hay một loại ung thư nào khác, các xét nghiệm này có thể tăng do nhiều yếu tố, kể cả bị viêm nhiễm. Vì vậy, việc xét nghiệm các chỉ số trong máu để chẩn đoán ung thư dạ dày là hoàn toàn không chính xác và cũng không được các nước trên thế giới khuyến cáo sử dụng để phát hiện ung thư dạ dày sớm.
Muốn phát hiện ung thư dạ dày sớm cần có kế hoạch nội soi dạ dày khi không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu tất cả mọi người trưởng thành đều được nội soi thì sẽ gây tốn phí không cần thiết và nghành y tế không thể đáp ứng được nhu cầu này. Vì vậy, cần tiến hành nội soi để phát hiện ung thư sớm cho những đối tượng có nguy cơ cao hoặc dễ bị ung thư dạ dày.
(Còn nữa...)
TS. Vũ Trường Khanh
Phó trưởng Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai