Thực tế cho thấy, ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, trong khi đó hiện nay nhiều người bệnh đến khám và điều trị căn bệnh này đã ở giai đoạn muộn, di căn, gây khó khăn trong việc điều trị và tốn kém về kinh tế.
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết.
1.Nguyên nhân và một số yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày
Có nhiều nguyên nhân nhưng đa số các nhà nghiên cứu đều thống nhất các yếu tố sau.
- Do chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn nhiều muối, nhiều nitride ( thịt muối, thịt hun khói,..) làm tăng nguy cơ bệnh.
- Do Helicobacter Pylori ( vi khuẩn gây viêm dạ dày). Các nghiên cứu cho rằng nhiễm H.pylori gây viêm niêm mạc dạ dày dẫn tới teo niêm mạc và dị sản ruột, loạn sản và cuối cùng là ung thư. Nhiễm H.pylori làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên gấp 6 lần.
- Do tiền sử bệnh lý tại dạ dày
- Do ung thư miệng nối dạ dày sau cắt đoạn điều trị loét dạ dày chiếm 0,5 – 17%.
- Do viêm teo dạ dày, vô toan, thiếu máu ác tính Biermer, dị sản ruột, u tuyến.
2. Nhận biết ung thư dạ dày
Ở giai đoạn sớm thường tình cờ khám phát hiện bệnh. Giai đoạn này các triệu chứng thường rất nghèo nàn và không đặc hiệu. Nhiều người bệnh thường có biểu hiện ậm ạch, đầy hơi vùng thượng vị, đau thượng vị không có chu kỳ, nuốt nghẹn, mệt mỏi, chán ăn.
Người mắc ung thư dạ dày có thể gầy sụt cân gặp ở trên 80% các trường hợp, khi sụt cân trên 10% trọng lượng cơ thể là một dấu hiệu tiên lượng xấu.
Ở giai đoạn muộn, triệu chứng của bệnh rõ ràng hơn, người bệnh sẽ thấy xuất hiện thường xuyên và liên tục của tình trạng sụt cân không rõ nguyên nhân, đau bụng vùng thượng vị, đầy bụng, chán ăn… Khi đó khám lâm sàng có thể thấy các triệu chứng thiếu máu, sờ thấy khối u bụng thường khi bệnh đã tiến triển tại vùng. Các dấu hiệu bệnh lan tràn đôi khi lại là biểu hiện đầu tiên như hạch di căn, tổn thương lan tràn phúc mạc được thể hiện bằng dịch ổ bụng hay tắc ruột, di căn gan hay di căn buồng trứng.
Tùy theo các trường hợp có biểu hiện triệu chứng hoặc không và giai đoạn phát hiện bệnh có thể chia ra các nhóm:
-Tình cờ phát hiện bệnh khi khám kiểm tra sức khỏe có nội soi dạ dày.
- Có các triệu chứng điển hình của bệnh kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng.
- Không có triệu chứng đặc hiệu, chỉ phát hiện khi có các biểu hiện di căn.
- Nhóm biểu hiện bệnh ở giai đoạn muộn, có các biến chứng: Dịch ổ bụng, di căn gan, tắc ruột…
3. Chẩn đoán ung thư dạ dày
Để xác định bệnh chính xác, nội soi dạ dày là phương pháp tốt nhất chẩn đoán ung thư dạ dày, hình ảnh soi cho thấy có khối u sùi, loét, chảy máu, sinh thiết u làm giải phẫu bệnh.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như: Chụp dạ dày có cản quang, siêu âm ổ bụng, siêu âm nội soi, CT, MRI, PET CT.
Xét nghiệm mô bệnh học: Tiêu chuẩn vàng xác định chẩn đoán ung thư dạ dày.
Tuy nhiên cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác như: Viêm dạ dày cấp, viêm teo dạ dầy, viêm dạ dày mạn tính, ung thư thực quản, viêm thực quản, loét dạ dầy, u lympho biểu hiện dạ dày, GIST dạ dày.
4. Điều trị ung thư dạ dày
Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp trong đó có các phương pháp sau.
4.1. Phẫu thuật:
Là phương pháp cơ bản để điều trị ung thư dạ dày. Phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi phần dạ dày bị ung thư, vét sạch mỡ và các hạch xung quanh dạ dày là phương pháp điều trị quan trọng nhất.
- Phẫu thuật triệt căn:
- Cắt dạ dầy chuẩn ( cắt 2/3 dạ dày + nạo vét hạch D2)
- Cắt dạ dày không chuẩn ( cắt dạ dày + hạch biến đổi theo đặc điểm khối u)
- Cắt dạ dày biến đổi, cắt dạ dày mở rộng ( cắt dạ dày, vét hạch, cắt bỏ cơ quan lân cận).
- Phẫu thuật không triệt căn: điều trị triệu chứng.
4.2. Hóa trị - xạ trị:
- Hóa chất đóng vai trò điều trị bổ trợ ung thư dạ dày giai đoạn xâm lấn, điều trị triệu chứng giai đoạn muộn. Các phác đồ điều trị hóa chất ung thư dạ dày, căn bản dựa trên 5 FU. Một số phác đồ hay dùng: ECF, ECX, EOX, EOF, 5 FU và cisplatin, FLOT.
- Hóa xạ trị đồng thời: Với các bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn IB phẫu thuật không hóa chất tiền phẫu, hướng điều trị tiếp theo là hóa trị hoặc xạ trị bổ trợ. Một số nghiên cứu chứng minh hóa xạ trị bổ trợ tăng thời gian sống thêm 5 năm so với nhóm phẫu thuật đơn thuần.
Nhìn chung, ung thư dạ dày có di căn hạch chỉ có 20 – 30% sống sau 5 năm nếu được điều trị hóa chất phối hợp. Nếu xâm lấn các tạng xung quanh mà cắt bỏ được cũng có hóa chất bổ trợ chỉ có 15 – 20% sống sau 5 năm. Nếu có di căn vào não, gan, phổi,... hầu như không có bệnh nhân qua khỏi sau 5 năm.
- Giai đoạn muộn: Điều trị chăm sóc giảm nhẹ.
4.3. Điều trị đích:
Sử dụng kháng thể đơn dòng, ức chế men tyrosine kinase. Trastuzumab đựơc chỉ định với ung thư dạ dày có Her -2/ neu dương tính 3+/ hóa mô miễn dịch hoặc(+)/ miễn dịch quỳnh quang ( FISH). Cetuximab, bevacizumab, labatilib,..
5. Theo dõi ung thư dạ dày sau điều trị
- Theo dõi định kỳ 3 tháng/ lần trong vòng 2 năm đầu, sau đó 6 tháng/ lần trong các năm tiếp theo.
- Theo dõi các chỉ tiêu khám: lâm sàng, XQ tim phổi, siêu âm ổ bụng, CT, MRI, xét nghiệm chỉ điểm ung thư ( CEA, CA 19-9, CA72-4), nội soi dạ dầy, xét nghiệm máu cơ bản đánh giá thiếu máu.
Tóm lại: Việc phát hiện sớm rất có ý nghĩa hiệu quả trong việc điều trị ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng. Vì vậy việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm là cần thiết. Để phòng tránh ung thư dạ dày chúng ta cần duy trì cân nặng lý tưởng và thường xuyên tập thể dục. Hạn chế bia, rượu và các chất kích thích. Ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện chế độ ăn giàu chất xơ. Nếu mắc các bệnh lý liên quan cần điều trị triệt để và khám tầm soát và xử lý triệt để các khối polyp, u lành trong dạ dày.
Video có thể bạn quan tâm
Những bài tập thể dục buổi sáng giúp bạn tăng cường sức khỏe