Ung thư da đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

30-04-2025 10:55 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Trong số các bệnh lý ung thư thì ung thư da đầu không quá phổ biến. Tuy nhiên, căn bệnh này được đánh giá là nguy hiểm khi bị phát hiện muộn, di căn vào não, gây nguy cơ tử vong cao hơn so với các khối u ác tính ở các bộ phận, cơ quan khác trên cơ thể.

1. Ung thư da đầu là gì?

Ung thư da đầu là sự tăng sinh ác tính của các tế bào da ở vùng da đầu, thường liên quan đến tiếp xúc ánh sáng mặt trời kéo dài. Đây là một dạng ung thư da, có thể bao gồm carcinoma tế bào đáy (BCC), carcinoma tế bào vảy (SCC) và u ác tính hắc tố (melanoma).

Ung thư da đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Ung thư da đầu có nhiều loại, chia theo từng giai đoạn khác nhau, thường hay bị nhầm lẫn với viêm da đầu.

- Bệnh lý này tuy không phổ biến bằng những bệnh lý ung thư khác nhưng người bệnh tuyệt đối không được chủ quan với các triệu chứng của bệnh. Ung thư da đầu có tỷ lệ mắc thấp nhưng tỷ lệ tử vong lại cao gấp 2 lần so với các bệnh ung thư khác. Nguyên nhân là do tốc độ phát triển của bệnh rất nhanh, lại di căn vào trong não nên đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng.

- Các loại ung thư da đầu thường gặp:

+ Carcinomar tế bào đáy (BCC): phổ biến, phát triển chậm, ít di căn, thường gặp ở vùng tiếp xúc ánh nắng, dễ tái phát.

+ Carcinomar tế bào vẩy (SCC): ác tính hơn BCC, nguy cơ di căn cao nếu không phát hiện sớm, xuất hiện dưới dạng vết loét, vết sừng.

+ Melanoma ác tính: hiếm nhưng nguy hiểm nhất, dễ di căn, xuất hiện như nốt ruồi bất thường, màu sắc không đồng nhất.

- Phân chia giai đoạn của ung thư da đầu phụ thuộc vào loại tế bào, mô bệnh học và được phân loại theo TNM.

2. Triệu chứng bệnh ung thư da đầu

So với các bệnh ung thư khác thì triệu chứng của ung thư da đầu dễ nhận biết hơn, tuy nhiên lại rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý viêm da đầu, nấm da đầu, nhất là ở giai đoạn đầu.

Bệnh thường có những triệu chứng sau:

  • Xuất hiện các mụn nhỏ trên bề mặt da đầu, những nốt sần sùi …
  • Xuất hiện rất nhiều gàu, đặc biệt là gàu nhớt, gàu ướt hay các loại bã nhờn trên tóc.
  • ụng tóc nhiều và tăng dần mỗi ngày, thường khu trú vùng tổn thương.
  • Cảm giác khó chịu, ngứa ngáy khắp đầu, bệnh nhân luôn cảm thấy muốn gội đầu nhưng sau khi gội vẫn cảm thấy ngứa và bứt rứt.
  • Khối u tiến triển nhanh, loét sùi lan theo bề mặt nông, u có thể xâm lấn vào xương sọ, biến dạng và bội nhiễm, vết loét lâu lành, có thể rỉ máu.
  • Ung thư da đầu hay di căn hạch khu vực vùng cổ, vùng chẩm, hạch trước tai, hạch dưới cằm, dưới hàm.
  • Hạch di căn có đặc điểm to, chắc, đơn độc hoặc dính thành đám, hạch di động hoặc cố định

3. Nguyên nhân nào dẫn đến ung thư da đầu?

Theo TS. BS Đỗ Thị Phương Chung - Trưởng khoa Ung bướu cơ sở An Đồng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, có nhiều nguyên nhân cũng như yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư da đầu.

Nguyên nhân chính gây ung thư da đầu phải kể đến tác hại của các loại hóa chất như thuốc duỗi, thuốc nhuộm, thuốc tẩy,… trong quá trình làm tóc. Những hóa chất này sẽ làm tổn thương da đầu, đặc biệt, nếu thường xuyên sử dụng thì sẽ hình thành nên các nốt sần sùi và khối u ác tính.

Ngoài ra, tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời cũng có thể là nguyên nhân gây ung thư da đầu. Nếu bạn thường xuyên làm việc ngoài trời mà không có biện pháp che chắn, bảo vệ vùng đầu thì da đầu bị tổn thương và có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Bên cạnh đó, ung thư da đầu cũng có thể do di truyền. Nếu gia đình bạn có người thân trực hệ mắc ung thư da thì khả năng cao bạn cũng sẽ bị. Ngoài ra, nếu bản thân mắc các bệnh lý di truyền như hội chứng Gardner, hội chứng Torres thì cũng có nguy cơ cao bị ung thư da đầu. Ngoài các nguyên nhân chính nói trên thì có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc ung thư da đầu. Trong đó có thể kể như:

  • Người da trắng, tóc vàng, trên da có nhiều tàn nhang và nốt ruồi.
  • Người mắc bệnh vảy sừng, vảy nến, da sần sùi, đậm màu.
  • Người bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như nhiễm HIV.
  • Người đang sử dụng thuốc làm suy giảm miễn dịch.
  • Da tổn thương do xạ trị.
  • Vùng đầu tổn thương do chiếu xạ.
  • Thường xuyên làm việc ngoài trời hoặc đi bơi, phơi da dưới nắng.

4. Cách nào để phòng bệnh ung thư da đầu?

TS. BS Đỗ Thị Phương Chung cũng chỉ ra rằng, bạn không thể ngăn ngừa ung thư da đầu nhưng có thể chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư da đầu như:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời không tắm nắng vào khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, chỉ nên tắm nắng vào buổi sáng sớm, không để da cháy nắng. 
  •  Người làm việc ngoài trời cần có bảo hộ lao động như dùng mũ, nón, quần áo dài tay hoặc che ô tránh nắng. 
  •  Không lạm dụng dùng quá đà các loại sản phẩm chứa hóa chất như thuốc xịt, keo vuốt tóc, thuốc nhuộm tóc. 
  •  Kiểm tra da định kì, đặc biệt với những người nguy cơ cao. Điều trị các tổn thương da tiền ung thư.

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư da đầu

5.1 Chẩn đoán

- Bác sĩ sẽ khám lâm sàng vùng da đầu để kiểm tra những bất thường.

- Trường hợp có bất thường thì sẽ tiến hành sinh thiết bằng cách lấy một mẫu mô nhỏ tại vùng da đầu nghi ung thư để kiểm tra dưới kính hiển vi. Sau 1 - 2 tuần thì có kết quả sinh thiết.

- Nếu là ung thư thì bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác, chẳng hạn như chụp X-quang, chụp CT hoặc chụp MRI,… để xem ung thư đang ở giai đoạn nào, mức độ lan rộng ra sao, từ đó có phác đồ điều trị cụ thể.

- Đối với melanoma: xét nghiệm gen BRAF, PET/CT đánh giá di căn.

5.2 Điều trị

Việc điều trị tốt ung thư da đầu tùy thuộc vào mức độ lan rộng của khối u, giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe, độ tuổi… của mỗi người bệnh, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp.

- Phẫu thuật: Được thực hiện ở giai đoạn sớm, khi khối u có kích thước nhỏ, chưa lan rộng và xâm lấn. Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ khối u ung thư ở vùng da đầu và làm sạch các mô xung quanh khối u, phòng tránh ung thư tái phát. Nói chung, phương pháp điều trị này đơn giản, mang lại hiệu quả cao và tỷ lệ tái phát thấp.

- Hóa trị: Được thực hiện ở giai đoạn muộn hơn, khi khối u đã tương đối lớn, có dấu hiệu hoặc đã lan rộng và xâm lấn đến những vị trí khó làm phẫu thuật. Mục đích của hóa trị là tiêu diệt tế bào ung thư, làm thuyên giảm triệu chứng bệnh, kéo dài thời gian điều trị và thời gian sống cho người bệnh (chủ yếu dùng cho SCC giai đoạn tiến xa).

- Xạ trị: So với 2 phương pháp điều trị ung thư da đầu trên thì xạ trị được đánh giá là mang lại hiệu quả cao nhất và ít gây ảnh hưởng trên diện rộng. Phương pháp này sử dụng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư và phòng ngừa nguy cơ tái phát, thường được chỉ định khi khối u không phẫu thuật được hoặc tái phát.

- Liệu pháp miễn dịch và nhắm trúng đích thường được áp dụng với thể melanoma.

TS. BS Đỗ Thị Phương Chung đánh giá rằng, ung thư da đầu tiên lượng khá tốt nếu phát hiện và điều trị sớm. Phương pháp điều trị đa mô thức, nhưng dù áp dụng phương pháp điều trị nào thì quan trọng nhất vẫn là người bệnh giữ tinh thần lạc quan, mạnh mẽ và tuân theo phác đồ điều trị.

Mời quý vị xem thêm:

12 giờ ‘cân não’, bác sĩ mang lại dung nhan mới cho người phụ nữ dân tộc bị ung thư da đầu 12 giờ ‘cân não’, bác sĩ mang lại dung nhan mới cho người phụ nữ dân tộc bị ung thư da đầu

SKĐS - Căn bệnh hiểm nghèo – ung thư da đầu đã khiến chị L.T.T, 46 tuổi, dân tộc Tày ở Tuyên Quang phải trải qua hàng loạt cuộc phẫu thuật trong nhiều năm qua. Tết này, chị đã có được một dung nhan, diện mạo mới, như được hồi sinh cả về chức năng và thẩm mỹ...


Tiến Sinh
Ý kiến của bạn