Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

13-05-2023 13:45 | Ung thư
google news

SKĐS -Ung thư cổ tử cung là ung thư hay gặp ở nữ giới tại Việt Nam và thế giới. Một số yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung như nhiễm HPV (Human Papilloma Virus), quan hệ tình dục sớm, thiếu chăm sóc vệ sinh phần phụ, suy giảm miễn dịch.

1.Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là tổn thương ác tính phát triển tại cổ tử cung dưới nhiều dạng: chồi, sùi, loét, polyp... dễ chảy máu.

Ung thư xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi và phát triển bất thường một cách không kiểm soát. Ung thư cổ tử cung có thể là ung thư xâm lấn tại chỗ hoặc lan rộng đến các cơ quan khác của cơ thể và gây tử vong.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có trên 500.000 ca mắc mới và khoảng 250.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung. Riêng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cứ mỗi 2 phút lại có một phụ nữ qua đời vì căn bệnh này. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có đến 5000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng một nửa số ca gây tử vong. Trung bình mỗi ngày, có 7 phụ nữ tử vong và 14 ca mắc mới vì căn bệnh này.

2.Nguyên nhân của ung thư cổ tử cung?

Theo các nghiên cứu, 99.7% các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus gọi là Human Pappiloma Virus thuộc type nguy cơ cao.

Human Papilloma Virus (còn gọi là virus HPV) là loại virus với hơn 100 type , trong đó có khoảng 15 type có khả năng gây ung thư gọi là type "nguy cơ cao" và phổ biến nhất là các type HPV 16 và 18 gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn cầu, kế đến là type 31 và 45.

Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị - Ảnh 2.

Các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus gọi là Human Pappiloma Virus thuộc type nguy cơ cao.

HPV là loại virus lây truyền qua quan hệ tình dục và ngay cả khi chỉ tiếp xúc ngoài da cũng đã có thể lây nhiễm. Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không gây triệu chứng gì và có thể tự khỏi sau đó vài tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễm HPV type nguy cơ cao có thể tồn tại lâu dài, làm biến đổi tế bào cổ tử cung một cách bất thường, không kiểm soát, gây ra các tổn thương từ mức độ thấp và cao rồi tiến triển dần thành ung thư. Tiến trình này có thể mất hơn 10 năm.

3. Biểu hiện ung thư cổ tử cung

Thường không nhận biết ở giai đoạn sớm, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ.

Dấu hiệu thường gặp nhất là chảy máu âm đạo bất thường (bao gồm chảy máu sau quan hệ tình dục, khi khám có thể không nhìn thấy hoặc sờ thấy tổn thương).

Ngoài ra, còn có thể có các biểu hiện khác như: Ra khí hư nhiều, khí hư lẫn máu, có mùi hôi. Người bệnh đau vùng hạ vị, đau ngang cột sống thắt lưng, chán ăn, sút cân, suy thận, phù hai chân, rò phân và nước tiểu qua đường âm đạo… khi bệnh ở giai đoạn muộn.

Ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể chữa được nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên do bệnh diễn tiến âm thầm ít có triệu chứng rõ ràng nên nhiều người bệnh đã phát hiện đã quá trễ. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có nhiều biến chứng đáng sợ như: phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung, tước đi quyền làm mẹ của người phụ nữ, suy thận, ung thư di căn đến phổi, gan,… thậm chí gây tử vong ở giai đoạn cuối.

Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị - Ảnh 3.

Hình ảnh ung thư cổ tử cung.

4. Điều trị ung thư cổ tử cung

Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ chỉ định điều trị thích hợp. Cũng như các bệnh ung thư khác, điều trị cá biệt hóa và đa mô thức.

Nếu bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm và mới chỉ có ở bề mặt cổ tử cung, bác sĩ có thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư bằng phương pháp khoét chóp bằng dao điện (LEEP) hoặc dao lạnh, có thể bảo tồn tử cung nếu người bệnh còn trẻ và chưa đủ con. Sau đó, người bệnh cần được theo dõi và tái khám định kỳ để xác định nếu có nguy cơ tái phát.

Chỉ định phẫu thuật và xạ trị là những phương pháp thường được áp dụng để điều trị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn xâm lấn. Một số phương pháp khác bao gồm hóa trị và các liệu pháp sinh học (liệu pháp miễn dịch nhắm trúng đích).

Với những trường hợp ung thư lan rộng, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt tận gốc tử cung, có thể kết hợp xạ trị và các phương pháp khác. Với các trường hợp ung thư giai đoạn muộn vượt quá chỉ định phẫu thật, các phương pháp khác như xạ trị, hóa trị hoặc liệu pháp sinh học sẽ được áp dụng. Tuy nhiên ung thư phát hiện ở giai đoạn càng muộn, tiên lượng sống còn của người bệnh sẽ càng thấp.

5. Phòng ngừa ung thư cổ tử cung như thế nào?

Theo khuyến cáo, phòng ung thư cổ tử cung bằng cách khám phụ khoa định kỳ, tầm soát và phát hiện sớm các bất thường tiền ung thư cổ tử cung. Nếu phát hiện các bất thường sẽ được điều trị sớm là biện pháp hữu hiệu nhất để dự phòng ung thư cổ tử cung.

Giảm nguy cơ nhiễm HPV bằng cách áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục lành mạnh và an toàn, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Tiêm phòng ngừa vaccine HPV cho cả nam giới và phụ nữ, tốt nhất nên tiêm trong độ tuổi tử 9 đến 26 tuổi và trước khi có quan hệ tình dục lần đầu (theo khuyến cáo của FDA).

Mời độc giả xem thêm video:

Tuyên bố của WHO không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa đối với y tế công toàn cầu


BS. Nguyễn Phương Thúy
Ý kiến của bạn