Ung thư cổ tử cung hiện là căn bệnh ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn cầu. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ mắc bệnh lại cao nhất ở nhóm tuổi vẫn đang trong giai đoạn sinh hoạt tình dục. Chính vì vậy, câu hỏi "Ung thư cổ tử cung có quan hệ tình dục được không?" luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều chị em phụ nữ và cả những người bạn đời của họ.

Người bệnh ung thư cổ tử cung có thể quan hệ tình dục trở lại sau vài tuần đến vài tháng sau điều trị.Ảnh minh họa
Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là một dạng ung thư ác tính nguyên phát, xuất phát từ các tế bào ở cổ tử cung – phần nối giữa âm đạo và tử cung. Đây là loại ung thư tiến triển chậm, điều này có nghĩa là bệnh có thể được phát hiện và điều trị kịp thời nếu phụ nữ thực hiện các biện pháp sàng lọc định kỳ.
Tuy nhiên, một khi đã bước vào giai đoạn điều trị, người bệnh sẽ phải đối diện với hàng loạt ảnh hưởng về thể chất, tinh thần, đặc biệt là chức năng tình dục. Điều này không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống vợ chồng, hạnh phúc gia đình.
Triệu chứng và yếu tố nguy cơ
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, khiến nhiều phụ nữ chủ quan. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, các dấu hiệu có thể bao gồm:
- Đau khi quan hệ tình dục:
- Ra máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ, giữa kỳ kinh hoặc sau mãn kinh;
- Dịch âm đạo có mùi hôi;
- Đau vùng xương chậu, thắt lưng;
- Tiểu ra máu, khó tiểu;
- Đại tiện ra máu;
- Mệt mỏi, chóng mặt, giảm cân không rõ nguyên nhân.
Khi gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào, chị em nên đi khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt, tránh để bệnh diễn tiến đến giai đoạn muộn.
Các yếu tố nguy cơ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung:
- Quan hệ tình dục sớm;
- Quan hệ với nhiều bạn tình;
- Sinh đẻ nhiều lần;
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách;
- Hút thuốc lá;
- Nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus), đặc biệt là chủng 16 và 18;
- Hệ miễn dịch suy yếu (như người mắc HIV/AIDS).
Hiện nay, tiêm vắc-xin HPV là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất giúp phụ nữ giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung
Cách phát hiện bệnh
Để phát hiện ung thư cổ tử cung, phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc như:
- Pap smear;
- Xét nghiệm Thinprep;
- Soi cổ tử cung;
- Xét nghiệm HPV;
- Kiểm tra trực quan bằng acid acetic (VIA).
Tùy theo mức độ tổn thương và giai đoạn bệnh, ung thư cổ tử cung được chia làm các giai đoạn từ 0 đến IV theo phân loại FIGO-1998.
Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung
Tùy vào giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng quát và khả năng đáp ứng điều trị, bệnh nhân có thể được chỉ định một hoặc phối hợp nhiều phương pháp sau:
- Phẫu thuật: Loại bỏ khối u hoặc cắt bỏ tử cung;
- Xạ trị: Sử dụng tia năng lượng cao tiêu diệt tế bào ung thư;
- Hóa trị: Dùng thuốc mạnh để tiêu diệt tế bào ác tính;
- Liệu pháp miễn dịch: Kích hoạt hệ miễn dịch để tấn công tế bào ung thư;
- Thủ thuật LEEP hoặc dao lạnh: Áp dụng khi ung thư chỉ mới xuất hiện trên bề mặt cổ tử cung.
Dù lựa chọn phương pháp nào, người bệnh cũng sẽ phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ như: khô âm đạo, teo cơ, đau khi quan hệ, thay đổi hormone, mệt mỏi, rụng tóc, buồn nôn, lo âu và giảm chất lượng giấc ngủ.
Ung thư cổ tử cung có quan hệ tình dục được không?
Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất khi phụ nữ nhận được chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Theo các chuyên gia y tế, câu trả lời là: Có thể, nhưng cần thận trọng.
Trong giai đoạn đang điều trị, đặc biệt là khi phải trải qua hóa trị hoặc xạ trị, người bệnh thường mệt mỏi, suy giảm thể lực và gần như mất đi hứng thú với "chuyện ấy". Ngoài ra, các tổn thương tại vùng kín, cảm giác đau, khô rát, và dễ chảy máu khi quan hệ là những lý do khiến bác sĩ khuyến cáo nên hạn chế hoặc kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị.
Không chỉ thể chất, vấn đề tâm lý cũng là rào cản lớn. Người bệnh dễ rơi vào cảm giác tự ti, lo lắng, trầm cảm, ảnh hưởng đến ham muốn và chất lượng đời sống tình dục. Đây cũng là thời điểm mà sự cảm thông, thấu hiểu và hỗ trợ từ người bạn đời đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Ung thư cổ tử cung không có nghĩa là người bệnh phải từ bỏ hoàn toàn nhu cầu tình dục của bản thân.
Khi nào có thể quan hệ tình dục trở lại?
Sau khi kết thúc điều trị và cơ thể phục hồi tốt, nhiều phụ nữ vẫn có thể duy trì đời sống tình dục bình thường. Tuy nhiên, việc này cần thực hiện từng bước, dựa trên hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa.
Thông thường, nếu không có biến chứng, người bệnh có thể quan hệ trở lại sau vài tuần đến vài tháng sau điều trị. Tuy nhiên, nên tránh quan hệ trong những trường hợp sau:
- Vùng kín đang bị tổn thương, viêm nhiễm;
- Có hiện tượng chảy máu hoặc đau khi tiếp xúc;
- Cơ thể còn quá yếu, chưa phục hồi sức khỏe.
Trong giai đoạn này, việc sử dụng chất bôi trơn, luyện tập giãn cơ vùng chậu hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia tâm lý, chuyên gia tình dục học sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình "hồi phục cảm xúc".
Ung thư cổ tử cung không chỉ là nỗi lo về sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tình dục và hạnh phúc gia đình của người phụ nữ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người bệnh phải từ bỏ hoàn toàn nhu cầu tình dục của bản thân. Quan trọng là hiểu rõ cơ thể, tôn trọng cảm xúc của chính mình và nhận được sự chia sẻ từ người bạn đời.