1. Nguyên nhân bệnh ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là tình trạng hình thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng do sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong.
Nếu không điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng sản xuất nội tiết tố, sản xuất tế bào trứng, khả năng mang thai của buồng trứng. Ở giai đoạn nặng, tế bào ung thư di căn qua đường máu hoặc đường bạch huyết tới nhiều cơ quan khác của cơ thể và hình thành khối u mới.
Các loại ung thư buồng trứng:
- Ung thư biểu mô buồng trứng (ung thư xuất phát từ các tế bào trên bề mặt buồng trứng).
- Ung thư từ các tế bào sản xuất ra trứng.
- Ung thư buồng trứng xuất phát từ các tế bào mô nâng đỡ buồng trứng.
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa bệnh và các yếu tố nguy cơ sau:
- Tiền sử gia đình: Những người có quan hệ huyết thống bậc 1 như mẹ, chị em gái ruột mắc các căn bệnh ung thư vú, buồng trứng hoặc đại trực tràng cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng từ 2 – 4 lần.
- Tiền sử bệnh lý ở bệnh nhân: Bệnh nhân có tiền sử mắc ung thư vú, ung thư đại trực tràng cũng sẽ có nguy cơ bị ung thư buồng trứng.
- Độ tuổi: Căn bệnh này thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi, tăng cao ở những người trên 60 tuổi.
- Phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh và sinh đẻ ít: Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ đã từng mang thai và sinh con thì nguy cơ thấp hơn nhiều so với phụ nữ chưa từng sinh con, đặc biệt, sinh càng nhiều con thì nguy cơ mắc bệnh càng thấp.
- Sử dụng các loại thuốc kích thích phóng noãn: Việc này có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh.
- Điều trị hormone thay thế: Việc điều trị hormone thay thế ở phụ nữ sau mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
2. Dấu hiệu bệnh ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng hoặc các triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm với các bệnh lý khác. Các triệu chứng ban đầu thường gặp là: Khó tiêu, thường xuyên đầy hơi, mệt mỏi, chán ăn, đi tiểu nhiều hơn.
Ung thư buồng trứng có thể gây ra các triệu chứng khác như:
- Cảm giác khó chịu, ậm ạch vùng bụng dưới.
- Đau bụng.
- Chướng bụng.
- Kinh nguyệt không đều.
- Chảy máu âm đạo.
- Đau khi giao hợp.
- Sờ thấy khối u ổ bụng.
- Các triệu chứng về ruột, tiết niệu (do khối u chèn ép, xâm lấn).
Các triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn khi khối u phát triển. Thường thì lúc này, khối u đã lan ra bên ngoài buồng trứng, khó điều trị và hiệu quả điều trị kém hơn.
3. Bệnh ung thư buồng trứng có lây không?
Ung thư buồng trứng là tình trạng hình thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng do sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong. Nếu không điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng sản xuất nội tiết tố, sản xuất tế bào trứng, mang thai của buồng trứng. Ở giai đoạn nặng, tế bào ung thư di căn qua đường máu hoặc đường bạch huyết tới nhiều cơ quan khác của cơ thể và hình thành khối u mới. Chính vì vậy, bệnh không thể lây nhiễm.
4. Cách phòng ung thư buồng trứng
Không có cách ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ ung thư buồng trứng. Nhưng có thể phòng ngừa bằng các cách sau:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh. Cần hạn chế hấp thu các thức ăn chứa nhiều mỡ động vật, nhiều protein, giàu năng lượng. Các chị em phụ nữ phải đặc biệt hạn chế hấp thu mỡ động vật. Nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ mà chế độ ăn hằng ngày có chứa nhiều chất béo bão hòa, tương đối dễ bị bệnh ung thư buồng trứng. Việc thường xuyên ăn nhiều thực phẩm có khả năng làm giảm thấp tỷ lệ phát sinh bệnh ung thư buồng trứng, như: Rau xanh, cà rốt, và thực phẩm có chứa các hợp chất hydrocacbon, vitamin A, vitamin C, cenlulose. Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu vitamin A và chất xơ giúp giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.
- Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục đều đặn vừa sức không những khiến cơ thể thoải mái, tinh thần vui vẻ, mà còn tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp cơ thể chống lại được sự tấn công của bệnh tật.
- Kéo dài thời gian cho con bú sữa mẹ. Khi cho con bú quá 6 tháng, cùng với việc kích thích các thể thùy của tuyến vú tiết ra oxytocin, thì các hormone sinh dục cũng được sản sinh ra nhiều hơn, phụ nữ cần phải chú ý tới điều này.
- Phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm để phát hiện bệnh sớm. Ngoài ra, kiểm tra định kỳ còn giúp ngăn chặn việc phát sinh các biến chứng của u nang buồng trứng, dẫn đến ung thư. Đặc biệt là những phụ nữ trên 45 tuổi cứ 3- 6 tháng cần khám phụ khoa vùng chậu hoặc siêu âm kiểm tra một lần.
Ngoài ra, không nên mang thai và sinh con muộn và xét nghiệm sàng lọc các gene BRCA1, BRCA2… giúp phát hiện sớm phòng ngừa ung thư buồng trứng.
5. Cách điều trị ung thư buồng trứng
Việc điều trị ung thư buồng trứng phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh và tình trạng của mỗi người. Điều trị có thể kết hợp nhiều phương pháp như: Phẫu thuật, hóa trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch, liệu pháp tiết tố, xạ trị…
Ung thư biểu mô buồng trứng
Ở ung thư biểu mô buồng trứng, phẫu thuật có vai trò rất quan trọng trong điều trị. Tùy vào giai đoạn ung thư, độ tuổi và nhu cầu sinh con mà xem xét phẫu thuật giới hạn (chỉ cắt phần phụ bên tổn thương) hoặc phẫu thuật triệt để (cắt tử cung toàn bộ, phần phụ hai bên, mạc nối lớn).
Điều trị hóa trị có vai trò quan trọng giúp cải thiện tiên lượng bệnh. Hóa trị có thể sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật. Một số tác dụng phụ khi thực hiện hóa trị như: Buồn nôn, nôn mửa, rụng tóc, mệt mỏi, khó ngủ.
Điều trị đích sử dụng thuốc ức chế tác động đến sự phát triển của khối u. Đây là phương pháp điều trị tiến bộ trong điều trị ung thư buồng trứng.
Ung thư tế bào mầm buồng trứng
Ung thư tế bào mầm rất nhạy cảm với hóa trị và xạ trị. Hóa trị là phương pháp được ưu tiên hơn cho những bệnh nhân có nhu cầu sinh con. Với phẫu thuật thì phẫu thuật giới hạn là phương pháp được áp dụng cho mọi giai đoạn ung thư.
Ung thư mô đệm sinh dục
Ung thư mô đệm sinh dục được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Phẫu thuật được chỉ định bảo tồn cho những bệnh nhân trẻ có ung thư ở giai đoạn đầu.
Tóm lại: Ung thư buồng trứng là vấn đề thường gặp, mặc dù là căn bệnh có tính chất nguy hiểm đối với nữ giới nhưng ung thư buồng trứng có tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% nếu được phát hiện sớm, can thiệp điều trị hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu. Đặc biệt, việc điều trị ở bệnh nhân trẻ tuổi cũng được tiên lượng cao hơn do sức khỏe và khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị cũng tốt hơn.
Cần đặc biệt lưu ý, bệnh nhân có thể tái phát trong 2 năm đầu sau điều trị. Do đó, việc áp dụng những biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát đóng vai trò vô cùng quan trọng để duy trì cơ thể khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ tái mắc bệnh.