Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính, đây là bệnh thường gặp thứ hai trong các loại ung thư tiết niệu. Ở giai đoạn đầu thường có những dấu hiệu dễ lầm tưởng với bệnh lý thông thường như: tiểu rắt, tiểu kèm máu, đau rát khó chịu bụng dưới, chán ăn, mệt mỏi, đau khi tiểu ....
1. Các yếu tố nguy cơ ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp ở cơ quan tiết niệu sinh dục (bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo…). Tính chung cho tất cả các loại ung thư, tỷ lệ mắc ung thư bàng quang đứng hàng thứ 4 sau ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao gấp 3 lần ở nữ.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang bao gồm: Tỷ lệ bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Gia đình có người mắc ung thư bàng quang. Phơi nhiễm với một số hóa chất như asen, các amin thơm được sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm hóa học và dược phẩm,…
Các nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá, người nhiễm trùng bàng quang mạn tính. Những người mắc bệnh đái tháo đường, béo phì,…dễ mắc bệnh ung thư bàng quang. Ngoài ra người xạ trị vùng chậu hoặc sử dụng các thuốc ví dụ cyclophosphamide… cũng dễ mắc.
2. Dấu hiệu ung thư bàng quang
Biểu hiện của bệnh ung thư bàng quang thường khó nhận dễ nhầm với các bệnh lý thông thường, những dấu hiệu sớm ung thư bàng quang dưới đây mọi người nên cảnh giác:
- Tiểu ra máu, tiểu nhiều lần là triệu chứng thường gặp nhất. Tiểu lẫn máu điển hình trong ung thư bàng quang có đặc điểm: Tiểu máu từng đợt, tiểu máu đại thể, toàn bãi, không đau. Đi tiểu lẫn máu (đầu lần tiểu) thường có nguyên nhân từ niệu đạo. Đi tiểu lẫn máu (cuối lần tiểu) thông thường xuất phát từ cổ bàng quang hoặc niệu đạo tiền liệt tuyến. Đi tiểu lẫn máu (cả lần tiểu) thì có thể do tổn thương từ bất kể nơi nào trên đường tiết niệu: thận, niệu quản, bàng quang.
Khi tiểu lẫn máu xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi mà không tìm được nguyên nhân khác phải nghĩ ngay đến ung thư biểu mô đường niệu và phải tiến hành đánh giá toàn bộ hệ thống tiết niệu.
-Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ, nước tiểu sẫm màu… là do bàng quang bị kích thích hoặc bị giảm thể tích. Các triệu chứng này thường xuất hiện đầu tiên, trước khi xuất hiện triệu chứng tiểu có lẫn máu, khi có những dấu hiệu này không nên bỏ qua suy nghĩ đến ung thư bàng quang tại chỗ. Đặc biệt là khi thấy nước tiểu có màu sậm hơn bình thường, dù đã uống đủ lượng nước cần thiết thì nên đi xét nghiệm xem có phải mình đã mắc bệnh ung thư bàng quang hay không.
Ngoài ra, nếu các biểu hiện trên kèm theo mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, suy sụp nhanh cũng là dấu hiệu thường gặp ở giai đoạn muộn và tiên lượng xấu.
Ở giai đoạn muộn khi đã có di căn, bệnh nhân sẽ có biện hiện của di căn hoặc bệnh tiến triển. Ví dụ như đau bụng, xương bên sườn hoặc đau vùng chậu. Biểu hiện toàn thân thường là sốt, sụt cân, thiếu máu,…
Tuy nhiên, những dấu hiệu trên chưa khẳng định được là bạn đã mắc ung thư bàng quang vì đó cũng có thể gặp ở 1 số bệnh lành tính. Nhưng ngay khi thấy những dấu hiệu trên cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám bao gồm: Khám lâm sàng toàn diện, nội soi trực tràng ở nam và trực tràng, âm đạo ở nữ.
Đặc tính nổi bật của bệnh là khả năng tái phát cao. Tái phát tại chỗ hoặc tái phát ở vị trí khác với giai đoạn ban đầu hoặc tiến triển hơn. Do đó bệnh nhân ung thư bàng quang cần được theo dõi thường xuyên. Điều trị ung thư bàng quang chủ yếu bằng phẫu thuật. Hoá chất và miễn dịch có vai trò hỗ trợ. Tia xạ làm giảm triệu chứng ở những bệnh nhân giai đoạn muộn.
3. Các giai đoạn của ung thư bàng quang
Giai đoạn 1: Ung thư ở giai đoạn này xảy ra trong lớp nội mạc của bàng quang, nhưng chưa xâm chiếm lớp cơ của thành bàng quang.
Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này, ung thư đã xâm nhập vào thành bàng quang, nhưng vẫn còn giới hạn ở bàng quang.
Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã lây lan xuyên qua thành bàng quang để xâm lấn mô xung quanh. Chúng có thể lan đến tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc tử cung hay âm đạo ở phụ nữ.
Giai đoạn cuối: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, di căn đến các cơ quan khác, như phổi, xương hoặc gan.
4. Phân loại ung thư bàng quang
Các loại ung thư bàng quang bao gồm:
- Ung thư tế bào biểu mô chuyển tiếp xảy ra ở các tế bào lót mặt trong bàng quang. Tế bào chuyển tiếp dãn rộng khi bàng quang đầy và co thắt lại khi bàng quang trống. Những tế bào này cùng loại với các tế bào lót mặt trong niệu quản và niệu đạo, và khối u vẫn có thể hình thành ở những nơi kể trên. Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất.
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Tế bào vảy hiện diện trong bàng quang để đáp ứng với nhiễm trùng và các kích thích. Theo thời gian, chúng có thể biến đổi thành ung thư. Ung thư bàng quang tế bào vảy hiếm gặp hơn. Nó thường gặp trên thế giới ở những nơi mà dân số thường bị nhiễm ký sinh trùng (sán máng), một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng bàng quang. ..
- Một số ung thư bàng quang có thể do phối hợp từ nhiều loại tế bào.
5. Chẩn đoán ung thư bàng quang
Ngoài các biểu hiện lâm sàng các bác sĩ chỉ định các xét nghiệm dùng để chẩn đoán ung thư bàng quang gồm:
- Siêu âm bụng hoặc siêu âm nội soi để phát hiện u. Siêu âm có thể xác định khối của mô mềm, nhưng chưa thể chẩn đoán và đánh giá giai đoạn ung thư bàng quang... Siêu âm có thể sử dụng để đánh giá bệnh ở đường niệu trên và nhu mô thận, ứ nước thận và phân biệt sỏi không cản quang với khối mô mềm dựa trên sự hồi âm khác nhau.
- Xét nghiệm nước tiểu để tìm hồng cầu, tế bào ung thư trong nước hay những dấu hiệu khác của bệnh ung thư bàng quang.
- Chụp CT hoặc MRI ổ bụng và khung chậu cho phép đánh giá mức độ lan rộng của khối u, tình trạng di căn hạch trong khung chậu hoặc hạch sau phúc mạc, di căn tạng, phổi, xương và tình trạng tắc nghẽn đường niệu trên.
- Chụp xạ hình xương được chỉ định khi có ung thư xâm lấn hoặc khối u tiến triển tại chỗ và bệnh nhân có biểu hiện đau xương...
- Chụp PET-CT có vai trò lớn trong việc đánh giá di căn.
- Chụp X quang để phát hiện hình ảnh bất thường ở trong bàng quang .
- Soi bàng quang thực hiện giải phẫu bệnh, sinh thiết để khẳng định có bị ung thư hay không. Trong một số ít các trường hợp bác sĩ có thể lấy bỏ toàn bộ vùng bị ung thư trong quá trình sinh thiết, đối với những bệnh này sinh thiết vừa để chẩn đoán bệnh ung thư bàng quang vừa có tác dụng điều trị.
6. Điều trị ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang có thể dễ dàng chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Cũng như các loại ung thư khác, việc điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị… tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, cá nhân cụ thể mà các bác sĩ chỉ định phù hợp.
- Với những trường hợp u bàng quang mới phát hiện lần đầu phẫu thuật nội soi cắt u bàng quang vừa là phương pháp chẩn đoán (lấy mẫu u bàng quang làm giải phẫu bệnh, xem u là lành tính hay ác tính – ung thư bàng quang), vừa là phương pháp điều trị (loại bỏ khối u).
- Với các trường hợp kết quả giải phẫu bệnh là u bàng quang lành tính, việc điều trị hoàn thành và người bệnh được hướng dẫn theo dõi tái khám định kỳ.
- Với các trường hợp kết quả giải phẫu bệnh là ung thư bàng quang nông, việc điều trị cần được tiếp tục sau mổ nội soi từ 2 đến 3 tuần bằng liệu pháp bơm hoá chất chống u tái phát vào trong bàng quang, mỗi tuần 1 lần, liên tiếp trong 6 đến 8 tuần.
- Với các trường hợp kết quả giải phẫu bệnh là ung thư bàng quang xâm lấn cơ bàng quang, phương pháp điều trị tốt nhất là cắt toàn bộ bàng quang, tạo hình bàng quang mới bằng chính ruột non của người bệnh; có thể điều trị hỗ trợ trước hoặc sau mổ bằng truyền hoá chất toàn thân (nếu thể trạng bệnh nhân cho phép).
7. Cách phòng ngừa ung thư bàng quang
Hiện nay chưa có phương pháp nào chắc chắn có thể phòng ngừa được ung thư. Tuy nhiên có thể làm để giảm thiểu nguy cơ bị mắc ung thư bằng cách không hút thuốc. Hạn chế tiếp xúc với một số hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, thuốc nhuộm tóc,…
Cần uống nhiều nước làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang. Ăn nhiều trái cây và rau quả. Tăng cường vận động, tập luyện thể thao để đào thải độc tố. Không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ chỉ định. Ngoài ra cần khám sức khỏe định kỳ nhất là với độ tuổi từ 40-70 tuổi.
Tóm lại: Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính của cơ quan tiết niệu, đe doạ trực tiếp đến tính mạng người bệnh, hay gặp ở nam hơn ở nữ, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao có thể phòng ngừa được bằng cách bỏ thuốc lá, có thể phát hiện sớm bằng những phương tiện chẩn đoán phổ biến hiện nay như siêu âm, chụp CT-Scan, nội soi bàng quang chẩn đoán; tỷ lệ khỏi bệnh cao khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.
Nhiều trường hợp ung thư bàng quang hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, do đó bệnh nhân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát ung thư bàng quang và điều trị kịp thời.
Mời xem video được quan tâm:
Những bài tập thể dục buổi sáng giúp bạn tăng cường sức khỏe