Ung thư bàng quang là ung thư đường tiết niệu thường gặp nhất. Loại ung thư này thường bắt đầu từ bề mặt của bàng quang - cơ quan có hình quả bóng nhỏ trong khung chậu nơi chứa đựng nước tiểu. Trên 90% ung thư xuất phát từ tế bào chuyển tiếp còn gọi là ung thư biểu mô chuyển tiếp. Còn lại có khoảng 8% là ung thư biểu mô vảy.
Ai là người dễ mắc?
Mặc dù các nhà khoa học chưa biết chắc chắn nguyên nhân gây ung thư bàng quang, nhưng đây không phải là bệnh lây nhiễm. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được một số yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh, do bản thân các yếu tố đó hoặc kết hợp với các yếu tố khác. Các yếu tố nguy cơ đó là:
- Tuổi: Những người cao tuổi dễ bị ung thư bàng quang hơn so với những người trẻ, bệnh rất ít gặp ở tuổi dưới 40.
- Thuốc lá: người ta cho rằng thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư bàng quang. Nguy cơ bị ung thư bàng quang ở người hút thuốc lá cao gấp 2-3 lần so với người không hút.
- Nghề nghiệp: Một số công nhân có nguy cơ cao bị ung thư bàng quang vì tiếp xúc với các yếu tố sinh ung thư như cao su, chất hóa học, da thuộc. Các công nhân như thợ làm đầu, thợ kim khí, thợ sơn, in, dệt, người lái xe tải cũng tăng nguy cơ bị căn bệnh này.
- Nhiễm trùng: Những người bị nhiễm ký sinh trùng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao. Các bệnh do ký sinh trùng phổ biến hơn ở các nước nhiệt đới.
- Những người bị ung thư hoặc những bệnh khác mà phải điều trị bằng Cyclophosphamide hoặc Asenic có nguy cơ mắc ung thư bàng quang.
- Chủng tộc: Người Mỹ da trắng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp 2 lần so với người Mỹ da đen và người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Tỉ lệ mắc thấp nhất ở tộc người châu Á.
- Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới; tiền sử gia đình; tiền sử đã từng bị ung thư bàng quang có khả năng tái phát…
Nếu ai nghĩ rằng mình có các yếu tố liên quan tới ung thư bàng quang thì hãy nói với bác sĩ về mối liên quan này. Các bác sĩ có thể gợi ý cho bạn cách làm giảm các nguy cơ và có kế hoạch kiểm tra thích hợp.
Hình ảnh tế bào ung thư trong bàng quang. |
Dấu hiệu nhận biết
Ung thư bàng quang thường không có những dấu hiệu và triệu chứng khi ở giai đoạn sớm. Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên là thường có máu trong nước tiểu. Tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả các trường hợp có máu trong nước tiểu đều bị ung thư bàng quang. Khi có bất kỳ các dấu hiệu nào dưới đây, hãy đến bác sĩ khám để được chẩn đoán bệnh:
- Đi tiểu ra máu (nước tiểu có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm).
- Đau khung chậu; đau trong khi đi tiểu.
- Đái dắt, muốn đi tiểu nhưng không đi được; đi tiểu thường xuyên hoặc cảm thấy cần đi tiểu mà không kiểm soát được.
- Dòng nước tiểu bị chậm lại.
Điều trị bằng cách nào?
Bệnh nhân hiểu biết về ung thư bàng quang chính là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị bệnh. Do đó bệnh nhân càng đưa ra được nhiều câu hỏi cho thầy thuốc thì càng có lợi. Tuy nhiên, khi bệnh nhân biết mình bị mắc ung thư, họ sẽ bị sốc và sẽ chẳng biết cần phải hỏi bác sĩ điều gì. Sự lo lắng chính là thủ phạm gây trở ngại đối với điều trị.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị được lựa chọn đối với bệnh nhân mắc ung thư bàng quang như phẫu thuật, tia xạ, hóa chất, sinh học. Ở một số bệnh nhân, có thể phối hợp các phương pháp này. Tuy nhiên để điều trị hiệu quả nhất phải xác định được loại ung thư và giai đoạn của bệnh; tuổi tác và sức khỏe chung của bệnh nhân.
Trong điều trị ung thư bàng quang, tia xạ có thể từ bên ngoài cơ thể (xạ ngoài) hoặc từ các chất phóng xạ được đặt trực tiếp vào trong bàng quang (xạ trong). Xạ ngoài thường được thực hiện trong điều trị ngoại trú, 5 ngày 1 tuần trong vòng 5 đến 7 tuần.
Bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi trong suốt quá trình xạ trị, đặc biệt là những tuần điều trị cuối. Xạ ngoài có thể gây cháy da vùng chiếu xạ. Bệnh nhân thường bị rụng lông, da đỏ khô, nứt và ngứa. Xạ trong có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rối loạn tiểu tiện… Xạ trị còn gây giảm bạch cầu, do đó cơ thể bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng. Điều trị tia xạ đối với ung thư bàng quang còn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục ở cả nam và nữ giới. Phụ nữ có thể bị khô âm đạo, còn nam giới không đạt được trạng thái cương cứng.
Mặc dù các tác dụng phụ của xạ trị có thể làm cho bệnh nhân lo lắng, nhưng nó chỉ mang tính tạm thời và bác sĩ có thể kiểm soát được.
Điều trị sinh học: Đây là phương pháp điều trị trong đó sử dụng những khả năng tự nhiên của cơ thể (hệ thống miễn dịch) để chống lại tế bào ung thư. Phương pháp này được áp dụng sau phẫu thuật lấy khối u qua đường niệu đạo đối với u ở bề mặt bàng quang, có tác dụng ngăn cản sự phát triển trở lại của các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể gây kích ứng bàng quang khiến bệnh nhân có cảm giác mót đái, đái dắt, đau khi đi tiểu. Ngoài ra bệnh nhân còn cảm thấy mỏi mệt, buồn nôn, đái ra máu, sốt nhẹ hoặc ớn lạnh.
Phòng bệnh
Mặc dù ung thư thường không phòng tránh được, tuy nhiên, chúng ta có thể can thiệp vào các yếu tố nguy cơ như: không hút thuốc; cẩn thận với các hóa chất và nguồn nước nhiễm hóa chất; uống nhiều nước trong mỗi ngày để thải lọc những chất độc có trong nước tiểu; khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe; ăn nhiều rau cải xanh…
GS.TS. Nguyễn Bá Đức