Sự việc được xác định xảy ra ngày 15/1 tại đường Lý Văn Phức (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM). Làm việc với cơ quan công an, bà M. (người đập phá xe ôtô) cho rằng người đàn ông đi ôtô đậu trước cửa nhà mình dù bà đã nhắc nhở nhiều lần, ánh nắng buổi chiều phản chiếu lên xe, rọi thẳng vào bàn thờ gia tiên khiến bà bức xúc. Khi người này có lời thách thức thì bà đã dùng búa đập xe. Nhiều người ước tính số tiền thiệt hại để sửa chữa lại chiếc xe lên đến khoảng hơn 150 triệu đồng. Chiều 16/1, thông tin từ Công an phường Tân Định (quận 1, TP.HCM) cho biết, rất may là sự việc đã được 2 bên hòa giải và đang thương lượng, không tiếp tục khiếu kiện nên dừng lại ở đây, thêm vào đó, bà M. có tiền sử bệnh tật, lại hoàn cảnh khó khăn.
Gần đây, có không ít trường hợp người dân có những hành động quá khích khi gặp phải những chiếc ôtô đậu chắn lối ra vào, chắn cửa hiệu kinh doanh của mình. Điển hình như vụ dán băng dính quanh xe ôtô Suzuki màu đỏ dừng đỗ tại phố Vũ Phạm Hàm (trước cửa số nhà 162) kèm dòng chữ cảnh cáo: “Lần sau đỗ xe ở đây đừng trách tao”.
Hay vụ xe ôtô màu đen dừng đỗ ở lề đường trước cửa một ngôi nhà ở ngõ 124 phố Hoàng Ngân (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị vợ chồng chủ nhà này dùng bút xóa màu trắng vẽ kín xe. Tiếp theo là vụ dùng sơn xịt bẩn kín xe ôtô bán tải Ford khi đỗ trong ngách 49/28 đường Huỳnh Thúc Kháng.
Sau mỗi vụ việc như vậy, các chủ xe đều đã trình báo công an phường sở tại và người gây thiệt hại đều đã phải đền bù rất nhiều tiền để khắc phục những phút “sướng tay” của mình. Ngoài ra, nhiều người không biết rằng mình đã vi phạm pháp luật. Theo Luật sư, ThS. Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trong các vụ việc kiểu này cần xác định hành vi đỗ xe của chủ xe có đúng quy định pháp luật giao thông hay không, khu vực đỗ xe có thuộc khu vực cấm đỗ hay không và có cản trở hoạt động tham gia giao thông hay sinh hoạt của người khác hay không? Nếu chủ xe có hành vi vi phạm này thì là đáng trách và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm. Nhưng người phát hiện sự việc hoặc có liên quan chỉ được phép nhắc nhở hoặc báo cơ quan chức năng xử lý. Pháp luật không cho phép cá nhân tự ý đập phá, hủy hoại tài sản của người khác trái phép.
Hành vi của người phụ nữ cầm búa đập liên tục vào chiếc xe ôtô gây hậu quả hư hại như vậy là có dấu hiệu tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017. Theo đó, nếu giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì người có hành vi vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu hành vi gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì có thể bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt ngoài căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự nêu trên thì còn cân nhắc đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu trong vụ việc này, nguyên nhân dẫn đến hành vi hủy hoại tài sản của đối tượng là do nóng nảy, thiếu hiểu biết hoặc có lỗi một phần của chủ xe thì hình phạt có thể giảm nhẹ hơn.
Đương nhiên, việc đỗ xe ôtô trước cửa nhà người khác mà cản trở việc đi lại, buôn bán kinh doanh... là sai. Nhưng ở một đô thị chật chội với mật đô xe cộ dày đặc thế này thì rất khó có thể tuyệt đối tránh được điều này. Tất cả đều trông chờ vào ý thức văn hóa của cả người đỗ xe lẫn gia chủ, cần cư xử sao cho hòa nhã, hợp lý trên tinh thần thông cảm lẫn nhau.