Ứng phó với việc dùng điện thoại quá mức ở trẻ trong mùa dịch

28-06-2021 14:28 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đại dịch COVID-19 khiến cho trẻ phải học online, giãn cách xã hội làm cho trẻ không có cơ hội tiếp xúc với bạn bè… dẫn đến trẻ sử dụng điện thoại, máy tính quá mức.

Hệ lụy của việc sử dụng điện thoại quá nhiều

Nhiều trẻ em và có cả sinh viên đại học đã phải đến khám bệnh chuyên khoa Tâm thần vì bệnh lý tâm thần liên quan đến sử dụng điện thoại, máy tính quá nhiều.

Sử dụng quá mức điện thoại di động hoặc máy tính có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực của trẻ về cả tinh thần và thể chất.

Ở trẻ nhỏ việc sử dụng điện thoại nhiều có thể gây ra những vấn đề về tăng động giảm chú ý. Trẻ sẽ không tập trung vào học bài hoặc làm việc cần sự tập trung có khi chỉ là vài phút. Trẻ không thể tập trung vào suy nghĩ một vấn đề gì cần đòi hỏi tư duy và sáng tạo, trẻ có thể rơi vào trạng thái tự kỉ.

trẻ nghiện điện thoại

Trẻ nghiện điện thoại dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.

Rối loạn giấc ngủ thường gặp với những trẻ sử dụng nhiều điện thoại và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tâm thần như trí nhớ, cảm xúc, giảm khả năng nhận thức và học bài.

Ngoài những ảnh hưởng về tinh thần, việc sử dụng quá nhiều điện thoại hay máy tính còn có những nguy hại về sức khỏe thể chất như: Giảm sự phát triển não bộ của trẻ, mắt trẻ bị ảnh hưởng do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh của màn hình, dẫn đến nhức mỏi mắt, các tật chứng về mắt. Sử dụng nhiều máy tính, điện thoại dẫn đến căng cứng cơ vùng cổ, dẫn đến đau mỏi và hạn chế vận động vùng cơ cổ.

Các biện pháp giúp trẻ hạn chế sử dụng điện thoại

- Cần có sự quy định rõ ràng về thời gian sử dụng máy tính hay điện thoại: Thời gian trực tuyến nhiều hơn không có nghĩa là thời gian trực tuyến không được kiểm soát. Thảo luận và thống nhất về thời gian con bạn dành cho trực tuyến, bao lâu chúng có thể chơi trò chơi, bao lâu chúng có thể trò chuyện và chúng cần dành bao lâu để làm bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà. Các thỏa thuận hoặc quy định như không có thiết bị trong bữa tối (cho cha mẹ hoặc cho trẻ em!), hoặc không có thiết bị nào sau một thời gian nhất định, cũng có thể được đưa ra.

- Nói với con bạn về an toàn trực tuyến: Đây là cơ hội quan trọng để tham gia và giao tiếp với con bạn về những gì chúng đang làm trên mạng, các nền tảng, trang web và phương tiện truyền thông xã hội an toàn và phù hợp với lứa tuổi cũng như các bước chúng thực hiện để giữ an toàn khi trực tuyến. Khi nói với con bạn về thời gian trực tuyến của chúng, hãy luôn tỏ ra tích cực và cởi mở, như vậy trẻ sẽ nói với bạn nhiều hơn. Hãy hỏi con bạn xem con có lo lắng về bất cứ điều gì không và thể hiện rằng bạn luôn sẵn sàng lắng nghe và hỏi cả về những bạn bè trực tuyến của con bạn. Bạn và con hãy là những người bạn, kể cả khi trực tuyến (online) và không trực tuyến (offline).

Làm bạn cùng con

Cha mẹ hãy làm bạn cùng con sẽ hạn chế thời gian trẻ sử dụng điện thoại.

- Xác định những người đáng tin cậy, có thể là một người nào đó mà con bạn tin tưởng, có thể chia sẻ cùng và bạn chấp nhận rằng con bạn không phải lúc nào cũng cảm thấy thoải mái nhất khi nói với bạn với tư cách là cha mẹ, về một số điều chúng có thể gặp phải trên mạng.

- Tôn trọng quyền riêng tư của con bạn trên mạng: Chia sẻ hình ảnh gia đình và những câu chuyện cá nhân thông qua phương tiện truyền thông xã hội thường là cách duy trì kết nối, tìm kiếm sự hài hước, thoải mái. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi chia sẻ câu chuyện và ảnh của riêng bạn, bạn không chia sẻ những ảnh có thể làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư và sự an toàn của trẻ.

- Hãy tích cực trong việc nói và tương tác với con của bạn trong giai đoạn này. Có rất nhiều cơ hội và lợi ích mà internet và công nghệ có thể mang lại trong thời gian giãn cách xã hội và học online. Trẻ tận dụng thời gian này để trang bị cho mình những kỹ năng mềm về tin học, thành thạo về Word, Excell, Powerpoint và nhiều kỹ năng khác. Đảm bảo cho trẻ an toàn là điều quan trọng và điều đó đòi hỏi cha mẹ và người chăm sóc phải đóng vai trò tích cực.

- Tham gia cùng trẻ trong nhiều hoạt động ngoài trời như tập thể dục, đi bộ, đạp xe, cầu lông, các trò chơi giải trí như cá ngựa, cờ vua, cờ tướng…cũng là một biện pháp vừa rèn luyện thể lực, vừa hạn chế thời gian tiếp xúc với điện thoại, máy tính.

Xem thêm: Nguy cơ lác mắt khi dùng điện thoại nhiều

Lý do bạn nên ngừng sử dụng điện thoại vào ban đêm


TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền
Ý kiến của bạn