Ứng phó với tin nhảm trên mạng xã hội thế nào?

23-03-2018 07:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian gần đây liên tiếp các vụ thông tin bịa đặt, xúi giục hay vu khống trên mạng xã hội đã gây xáo động dư luận, khiến những người trong cuộc bị “vạ lây” từ trên trời rơi xuống.

Không chỉ gây hoang mang dư luận, kích động những người thiếu hiểu biết, mà nhiều tin đồn, tin vu khống thời gian quan đã khiến các cơ quan chức năng mất rất nhiều thời gian, công sức để xác minh và... giải thích.

Trong các vụ việc điển hình như tung tin về mang thai thuận tự nhiên, rồi hai mẹ con cùng tử vong khi theo phương pháp này, các cơ quan là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông... đều phải tổ chức các cuộc họp, cử cán bộ xác minh và ra các văn bản kết luận, lý giải.

Hoang tin này chưa nguội, lại đến tin đồn về một lãnh đạo xứ Thanh có bồ nhí, chiều 21/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phải triệu tập cuộc họp bất thường để xử lý tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận liên quan đến vấn đề này. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm đối tượng tung tin đồn xấu này trước pháp luật.

Theo nhận định của nhiều người thì “kịch bản” tin nhắn và những hình ảnh cho đến nhân vật đều đã được các đối tượng dày công nghiên cứu, “biên tập” đến mức thuyết phục nhất có thể. Tuy nhiên đến nay, cả hai “khổ chủ” liên quan vụ “tin đồn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có bồ nhí” đều khẳng định bị vu khống, đề nghị cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để minh oan, đồng thời truy cứu trách nhiệm kẻ ném đá giấu tay.

Có thể thấy, một số trường hợp kẻ tung tin giả mạo, vu khống sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc, hoặc cơ quan chức năng không tìm ra thủ phạm. Nhưng trước mắt thì cuộc sống của hai cá nhân, hai gia đình “người trong cuộc” đã bị đảo lộn, phải chịu sức ép rất lớn từ thông tin đồn thổi. Không những thế, tập thể, thậm chí cộng đồng liên quan cũng bị ảnh hưởng.

Với những người đã chuẩn bị trước thì cơ quan chức năng vô cùng khó khăn, hoặc không thể tìm ra chủ nhân đích thực của tài khoản. Dường như cơ quan chức năng đã gặp nhiều lúng túng trước sự phát triển mạnh mẽ cũng như những kẽ hở gần như không thể bịt kín ở những mặt tiêu cực của mạng xã hội.

Để ngăn chặn các thông tin giả, độc hại trên mạng xã hội, cơ quan quản lý thông tin, cơ quan công an cần có các biện pháp xử lý về hành chính, dân sự hoặc hình sự thật nghiêm khắc đối với các hành vi đăng tải, loan truyền các thông tin không được phép gây hậu quả hoặc để trục lợi.

Vẫn không thừa khi nhắc lại, đối với những “cư dân mạng”, việc chia sẻ dễ dãi những thông tin chưa được xác minh, hoặc từ các nguồn không chính thống là hành vi gián tiếp tiếp tay cho những kẻ đang có mưu đồ khi đưa tin. Chúng ta cần một phần nâng cao hiểu biết pháp luật và ứng xử văn minh của người dân khi sử dụng mạng xã hội, phần nữa là thao tác kiểm tra chéo với những thông tin nhạy cảm, bạo lực, hoặc liên quan đến danh dự, kiến thức sức khỏe của người khác.


Minh Anh
Ý kiến của bạn