Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn của nhân loại hiện nay. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ... Điển hình là tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã và đang diễn ra tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là các khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng tỉnh Quảng Ngãi trong đợt hạn hán năm nay ước tính có gần 7.000 hecta diện tích sản xuất nông nghiệp có khả năng bị hạn, thiếu nước tưới với khoảng 6.000 người dân có thể thiếu nước sinh hoạt và gần 10.000 con gia súc thiếu nước uống.
Nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước tại cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang hiện hữu, gây ra hàng loạt hệ lụy cho con người, gia súc và hoa màu... Theo các chuyên gia của Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, mặc dù để điều hòa nguồn nước giữa mùa lũ và mùa cạn, chúng ta đã xây dựng rất nhiều hồ chứa, đó là một biện pháp quan trọng. Tuy nhiên nhiều năm tình trạng các hồ chứa cạn kiệt không có nước thì chỉ một phần do mưa, nhưng câu chuyện rừng đầu nguồn bị tàn phá cũng gây ra những hệ lụy ghê gớm. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu chúng ta không giữ được rừng đầu nguồn thì tác dụng của hồ chứa vẫn còn hạn chế. Vì thế, vẫn theo các chuyên gia của Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, để có thể ứng phó với tình trạng hạn hán, đảm bảo nguồn nước, cần phải có các biện pháp quy hoạch tổng thể khoa học, hợp lý, kết hợp giữa giữ rừng đầu nguồn và xây dựng các công trình, hệ thống thủy lợi với các giải pháp mang tính cộng đồng.
Trước tình hình hạn hán đang kéo dài tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên hiện nay và có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp trong các năm tiếp theo thì những biện pháp đồng bộ tích cực và có tính dài hạn cần phải được nghiên cứu và sớm đi vào thực tiễn để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất. Giải pháp trước mắt hiện nay, bên cạnh áp dụng các biện pháp khoa học như tưới nhỏ giọt, tưới phun nhằm tiết kiệm nước thì đối với nước sinh hoạt, người dân cũng cần có sự chuẩn bị, chủ động các phương án tích trữ nước để sẵn sàng cho mùa khô. Xây dựng các bể chứa, các ao hồ nhằm giảm tình trạng căng thẳng hiện nay. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia nông nghiệp, một trong những biện pháp dài hạn cần được nghiên cứu và sớm thực hiện đó là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số vùng có nguy cơ hạn hán kéo dài.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo nghiên cứu lại cây trồng, vật nuôi tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên để phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Rõ ràng, đây là những việc cần phải được làm sớm để giảm thiểu những thiệt hại đối với người dân, gia súc, gia cầm, hoa màu trước tình hình hạn hán đang ngày càng khốc liệt.