Kỳ II: Điều trị khe hở môi vòm miệng - Quá trình lâu dài
Tiếp theo số 187
Khe hở môi - vòm miệng là dị tật hoàn toàn có thể điều trị được mà không để lại di chứng gì nếu cha mẹ kiên trì và tuân thủ liệu trình điều trị.
Quá trình chăm sóc và điều trị cần bắt đầu từ khi trẻ ra đời và cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa bao gồm: nhi khoa, dinh dưỡng, tai mũi họng, răng hàm mặt, chuyên gia ngôn ngữ, chuyên gia tâm lý và quan trọng nhất là sự kiên nhẫn của cha mẹ và người thân.
Chăm sóc sau phẫu thuật
Chăm sóc sau phẫu thuật khe hở môi:
Rửa sạch vết mổ hàng ngày;
Tránh mọi va đập và tránh tay bé cào xước lên vết mổ;
Nếu có viêm mũi, chảy mũi cần điều trị ngay không để nước mũi làm nhiễm trùng vết mổ;
Ăn sữa đút thìa. Sau 2 tuần có thể bú bình chuyên dụng như trước mổ;
Hạn chế đi nắng trong năm đầu.
Chăm sóc sau phẫu thuật khe hở vòm miệng:
Ăn đồ mềm (sữa, cháo xay) hoàn toàn trong 2 tuần đầu sau mổ. Sau khi ăn cho bé uống nước đun sôi để nguội. Nếu bé biết súc miệng, hãy khuyến khích súc miệng. Cần đánh giá sự phát triển ngôn ngữ và xương hàm trên hàng năm sau phẫu thuật. Huấn luyện cho trẻ thổi ống khi trẻ 2 tuổi để tăng cường chức năng cơ căng màn hầu, cơ hàm hầu.
Điều trị rối loạn ngôn ngữ
Đa số các trẻ khe hở môi vòm miệng đều có rối loạn ngôn ngữ: nói ngọng, giọng mũi hở... Do đó cần được khám và điều trị. Thời điểm bắt đầu tùy vào sự phát triển của từng trẻ nhưng thường khoảng 4 tuổi.
Chuẩn bị thời kỳ tiền học đường (2-6 tuổi)
Đối với các gia đình có con bị dị tật này, kết thúc phẫu thuật bố mẹ coi như kết thúc điều trị nhưng hãy lưu ý rằng thời kỳ này bé sẽ gặp phải các vấn đề như: sâu răng, cung răng lệch lạc, méo mó, lép tầng mặt giữa, bất thường ngôn ngữ. Rối loạn tâm lý do bị bạn trêu chọc. Do đó, các vấn đề cần điều trị trong thời kì này gồm:
Chăm sóc răng miệng: mục đích nhằm ăn nhai tốt. Hỗ trợ phát triển ngôn ngữ. Các răng nanh và răng hàm sữa là phương tiện neo chặn để gắn khí cụ chỉnh hình xương hàm trên và cung răng.
Điều trị phát âm: luyện thổi ống. Cần sự thăm khám và hướng dẫn của chuyên gia ngôn ngữ.
Điều trị viêm VA, viêm tai giữa
Điều trị chỉnh hình răng và xương hàm: thường bắt đầu từ 6 tuổi với 3 nhiệm vụ: nong mở xương hàm trên theo hình chữ V. Kéo xương hàm trên ra trước, ngăn chặn thiểu sản. Làm thẳng hàng răng vĩnh viễn nếu có.
Thời kì học đường (6 đến 18 tuổi)
Chăm sóc răng; tiếp tục chỉnh hình cung răng và xương hàm; ghép xương ổ răng (khoảng 8-12 tuổi); điều trị tâm lý; thời kỳ trên 18 tuổi; phẫu thuật chỉnh sửa cách mũi; sửa sẹo xấu môi nếu có; phẫu thuật cắt đẩy xương hai hàm (với các trường hợp không được chỉnh hình cung răng và xương hàm giai đoạn trên); phẫu thuật giãn xương hàm nếu khe hở cung hàm quá lớn
Có phòng ngừa được bệnh này không?
Dị tật khe hở môi - vòm miệng có nhiều nguyên nhân như di truyền, ảnh hưởng môi trường độc hại khi mẹ mang thai. Thời kỳ mang thai mà mẹ dùng thuốc, phơi nhiễm với hóa chất hoặc nhiễm trùng đều có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của thai nhi, dẫn tới di dạng khe hở môi - vòm miệng. Về thời điểm mắc bệnh: thường để tạo nên dị tật ở môi, vòm miệng là do rối loạn quá trình giáp dính của các nụ mặt, nụ mũi, nụ hàm trên ở thai nhi- khoảng vào tuần thứ 6- 8 sẽ tạo ra khe hở môi, từ tuần thứ 9-10 của thai kỳ sẽ tạo nên khe hở vòm miệng. Nếu bà mẹ mang thai khám thai định kỳ có thể phát hiện dị tật này vào khoảng tuần thứ 20. Để phòng ngừa dị tật khe hở môi - vòm miệng, mẹ cần tiêm vắc-xin phòng thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, cúm... trước khi mang thai. Trong thời gian mang thai người mẹ cần ăn uống đủ chất, giữ tâm lý thoải mái, bổ sung đầy đủ sắt và acid folic, tránh các môi trường ô nhiễm, chống chỉ định chụp chiếu Xquang. Đặc biệt khi dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ.
ThS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bệnh viện Nhi Trung ương)