COVID-19 làm 90% quốc gia bị gián đoạn các dịch vụ y tế thiết yếu
Dữ liệu thu thập từ 5 khu vực trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 cho thấy, hầu hết mọi quốc gia (90%) đều trải qua sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế, trong đó các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình báo cáo những khó khăn lớn nhất. Phần lớn các quốc gia báo cáo rằng nhiều dịch vụ thông thường và tự chọn đã bị đình chỉ, trong khi dịch vụ chăm sóc quan trọng - chẳng hạn như tầm soát và điều trị ung thư và điều trị HIV - đã bị gián đoạn ở các nước có thu nhập thấp.
TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cho biết: Cuộc khảo sát đã cho thấy có những vết nứt trong hệ thống y tế, nhưng nó cũng nhằm cung cấp thông tin về các chiến lược mới để cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ đại dịch và hơn thế nữa. Một bài học cho tất cả các quốc gia, đó là phải chuẩn bị tốt hơn cho các trường hợp khẩn cấp nhưng cũng không ngừng đầu tư vào các hệ thống y tế đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mọi người trong suốt cuộc đời.
COVID-19 làm gián đoạn các dịch vụ y tế thiết yếu, trong đó có dịch vụ tiêm chủng.
Gián đoạn các dịch vụ đạt được trên diện rộng: Trung bình ở mỗi quốc gia, khoảng 50% trong nhóm tổng số 25 dịch vụ thiết yếu bị gián đoạn. Các lĩnh vực thường xuyên bị gián đoạn nhất bao gồm tiêm chủng định kỳ - dịch vụ tiếp cận cộng đồng (70%) và dịch vụ tại cơ sở (61%), chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm (69%), kế hoạch hóa gia đình và tránh thai (68%), điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần (61%), chẩn đoán và điều trị ung thư (55%).
Các quốc gia cũng báo cáo gián đoạn trong chẩn đoán và điều trị sốt rét (46%), phát hiện và điều trị ca bệnh lao (42%) và điều trị kháng virus (32%). Trong khi một số lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như chăm sóc răng miệng và phục hồi chức năng, có thể đã bị đình chỉ một cách có chủ ý theo quy định của chính phủ. Sự gián đoạn của nhiều dịch vụ khác được cho là sẽ bất lợi với sức khỏe cộng đồng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Gián đoạn các dịch vụ cấp cứu: Các dịch vụ cấp cứu đã bị gián đoạn ở gần 1/4 các quốc gia trong báo cáo. Ví dụ, dịch vụ phòng cấp cứu 24 giờ bị ảnh hưởng ở 22% quốc gia, việc truyền máu khẩn cấp bị gián đoạn ở 23% quốc gia, phẫu thuật khẩn cấp bị ảnh hưởng ở 19% quốc gia.
Gián đoạn gây ra bởi các yếu tố cung cầu: 76% các quốc gia báo cáo sụt giảm tỷ lệ khám bệnh ngoại trú do nhu cầu thấp hơn và một số yếu tố khác như giãn cách xã hội và khó khăn tài chính. Yếu tố được báo cáo phổ biến nhất về phía cung là việc hủy bỏ các dịch vụ khám tự chọn (66%). Các yếu tố khác được các quốc gia báo cáo bao gồm việc điều chuyển nhân viên y tế để hỗ trợ phòng chống COVID-19, dịch vụ không khả dụng do bệnh viện đóng cửa, gián đoạn trong việc cung cấp thiết bị y tế và sản phẩm y tế.
Điều chỉnh các chiến lược cung cấp dịch vụ
Nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện một số chiến lược do WHO khuyến nghị để giảm thiểu gián đoạn dịch vụ, chẳng hạn như xác định các dịch vụ ưu tiên, chuyển sang khám bệnh trực tuyến, thay đổi các thói quen về kê đơn thuốc, chuỗi cung ứng và chiến lược truyền thông y tế công cộng. Tuy nhiên, chỉ có 14% quốc gia báo cáo miễn chi phí cho người bệnh, một bước đi được WHO khuyến nghị để bù đắp những khó khăn tài chính cho bệnh nhân.
Cuộc khảo sát cũng đề cập đến kinh nghiệm riêng của mỗi quốc gia trong việc điều chỉnh các chiến lược nhằm giảm thiểu tác động đến việc cung cấp dịch vụ. Dù còn một số hạn chế, nó nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải thiện việc giám sát theo thời gian thực những thay đổi trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ vì dịch có thể bùng phát hoặc suy yếu dần trong những tháng tới, đồng thời đưa ra các giải pháp điều chỉnh cho phù hợp.
Để đạt được mục tiêu đó, WHO sẽ tiếp tục làm việc với các quốc gia và cung cấp các công cụ hỗ trợ để giải quyết hậu quả của COVID-19. Do nhu cầu cấp thiết của các quốc gia về việc được hỗ trợ trong quá trình ứng phó với đại dịch, WHO đang phát triển “COVID19: Trung tâm Học tập về dịch vụ y tế”, một trang web cho phép các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. WHO cũng đang thực hiện các cuộc khảo sát bổ sung ở cấp địa phương và tại các cơ sở y tế để đánh giá tác động lâu dài của sự gián đoạn và giúp các quốc gia cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi theo đuổi các chiến lược giảm thiểu khác nhau.
Cuộc khảo sát “Đánh giá nhanh tính liên tục của các dịch vụ y tế thiết yếu trong đại dịch COVID-19” được thực hiện ở 159 quốc gia (tất cả các khu vực của WHO trừ châu Mỹ). WHO nhận được 105 câu trả lời từ các quan chức cấp cao của các Bộ Y tế trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020. Mục đích của cuộc khảo sát là để hiểu thêm về tác động của đại dịch COVID-19 đối với 25 dịch vụ y tế thiết yếu ở các quốc gia và cách các quốc gia thay đổi chiến lược để duy trì các dịch vụ thiết yếu.
Mặc dù khảo sát này còn một số hạn chế, nhưng nó vẫn khá toàn diện vì xem xét tận 25 dịch vụ y tế cốt lõi và so sánh mức độ gián đoạn đối với các dịch vụ này trên hơn 100 quốc gia. Nó cho thấy rằng ngay cả các hệ thống y tế tiên tiến cũng có thể nhanh chóng bị quá tải khi bùng dịch COVID-19, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập dữ liệu một cách bền vững và điều chỉnh chiến lược để đảm bảo duy trì cung cấp các dịch vụ chăm sóc thiết yếu.