Hà Nội

Ứng phó với dịch bệnh mùa nắng nóng

18-05-2016 08:26 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời tiết nắng nóng được dự báo sẽ kéo dài và tăng cao, chính vì vậy nhiều dịch bệnh như sốt virut, viêm não virut, tay - chân - miệng, viêm đường hô hấp...

Thời tiết nắng nóng được dự báo sẽ kéo dài và tăng cao, chính vì vậy nhiều dịch bệnh như sốt virut, viêm não virut, tay - chân - miệng, viêm đường hô hấp... đã xuất hiện và được dự báo là sẽ gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt cao điểm từ tháng 6-8. Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc các bệnh liên quan đến thời tiết, hay các bệnh dịch...

Đầu mùa nắng nóng đã xuất hiện bệnh nhân viêm não virut

Thống kê từ BV Nhi TW cho biết, từ ngày 9/5-15/5, có gần 18.000 bệnh nhi đến khám, trung bình khoảng trên 2.500 bệnh nhân/ngày, chủ yếu bệnh nhân đến khám vào buổi sáng. BS. Đỗ Mạnh Hùng - Trưởng phòng Truyền thông và Chăm sóc khách hàng của BV Nhi TW cho biết, số lượng này không có sự gia tăng quá nhiều, nhưng để đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân, BV đã triển khai từ 50-70 phòng khám, đồng thời tiến hành điều chuyển nhân lực theo múi giờ nhằm đảm bảo mọi bệnh nhi đều được khám và không phải chờ đợi quá lâu. BV cũng huy động nhân lực từ trong bệnh viện là các bác sĩ, các điều dưỡng giỏi ra làm ở phòng khám. TS. Trần Minh Điển - Phó giám đốc BV Nhi TW cho biết, ngay từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, số trẻ đến khám đông hơn. Ngoài vấn đề bệnh tật mùa hè, một phần khác là do các cháu được nghỉ hè nên bố mẹ cũng muốn đưa con cái đi khám sức khỏe. Do vậy, con số tăng hơn khoảng 10 - 15% so với các ngày khác ở trong năm.

Tại phía Nam, BV Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh cho biết, do thời tiết nắng nóng nên khoảng 2 tuần trở lại đây, số trẻ nhập viện vì mắc các bệnh về hô hấp và tiêu hóa tăng cao so với trước. Trung bình mỗi ngày, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 260 ca nhập viện, tăng 10% so với trung bình các tháng khác trong năm. Theo BS. Huỳnh Minh Thu - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, thời tiết nắng nóng làm cho một số loại virut và vi khuẩn phát triển, dễ gây ra những bệnh liên quan đến hệ hô hấp và tiêu hóa.

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, gần đây, BV Nhi TW và một số cơ sở y tế khác báo cáo ghi nhận rải rác các trẻ viêm não virut. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Mặc dù số ca mắc viêm não do virut trên cả nước từ đầu năm đến nay giảm gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cũng dự báo số ca mắc sẽ gia tăng trong các tháng hè. Về dịch bệnh tay - chân - miệng, mặc dù số ca mắc bệnh này tích lũy cả nước 18 tuần đầu năm 2016 giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cho biết số ca mắc vẫn ghi nhận trên 61 tỉnh, thành phố.

Môi trường nắng nóng dễ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, trong thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; đồng thời nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây bị nhiễm lạnh; việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp. Ngoài ra, môi trường nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do virut, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu...

Do đó, để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp; Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể; Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

“Đồng thời, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy; Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...”- TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.


Thái Bình
Ý kiến của bạn