nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ đột quỵ dẫn đến tử vong.
Cơn đau thắt ngực có cảm giác như thế nào?
Đau thắt ngực là tình trạng đau thắt xảy ra ở vùng trước tim hoặc sau xương ức, do khả năng cung cấp máu của động mạch vành không đáp ứng đủ nhu cầu ôxy cho quá trình hoạt động của cơ tim... Cơn đau thắt ngực thường chỉ kéo dài vài phút, gồm các triệu chứng như: Cảm thấy ngực tức hoặc nặng, cảm thấy thở gấp (hoặc khó thở). Cảm giác bị nén, bị ấn hoặc bỏng rát ở ngực, sự khó chịu có thể lan đến cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc vùng dạ dày, tê hoặc đau nhói dây thần kinh ở vai, cánh tay hoặc cổ tay. Khó chịu ở dạ dày.
Cơn đau thắt ngực xuất hiện khi nào?
Cơn đau thường xảy ra khi hoạt động gắng sức như lên cầu thang, chơi thể thao hoặc lao động quá sức, lo lắng căng thẳng, sau bữa ăn no, do nóng hoặc lạnh quá, có khi xảy ra lúc nghỉ hoặc về đêm.
Tăng cường hoạt động thể chất là một cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. (Ảnh minh hoạ)
Tại sao lại đau thắt ngực?
Đau thắt ngực do nhiều nguyên nhân nhưng có trên 90% cơn đau thắt ngực là do hẹp động mạch vành làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Nguyên nhân chính là do quá trình xơ vữa diễn ra kéo dài trong nhiều năm với sự lắng đọng từ từ các mảng bám vào mặt trong các thành mạch làm cho các thành mạch ngày càng dày lên, cứng lại, mất tính đàn hồi, cuối cùng gây hẹp, tắc động mạch vành. Quá trình này tăng mạnh ở những người hút thuốc lá, béo phì, tăng cholesterol, tăng huyết áp, đái tháo đường. Khi động mạch vành hẹp trên 50% có thể gây nên cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Bệnh động mạch vành tiến triển âm thầm trong nhiều năm và không được phát hiện sớm vì hầu như không có dấu hiệu gì báo trước. Khi triệu chứng xuất hiện thì các động mạch thường đã bị tổn thương nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân, thậm chí có thể gây tử vong.
Cách phòng ngừa
Hiện nay, bệnh động mạch vành và nhồi máu cơ tim xuất hiện ngày càng nhiều và trẻ hóa, gặp cả ở người dưới 50 tuổi, thậm chí có thể gặp cả ở những người dưới 40 tuổi. Điều này có nghĩa là quá trình xơ vữa động mạch vành đã diễn ra trước đó từ rất lâu, thường 10-20 năm. Do đó, để hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc xảy ra, chúng ta cần phải phòng ngừa ngay khi còn trẻ. Xây dựng một lối sống lành mạnh: Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, giảm căng thẳng, tăng cường vận động thể chất… Ngoài ra, cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu.
Hầu hết các yếu tố chủ yếu gây tổn thương mạch máu là hoàn toàn có thể kiểm soát được như thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol. Khi phát hiện bị tăng huyết áp, đái tháo đường, phải được điều trị tích cực và duy trì mức huyết áp và đường huyết thích hợp. Đối với cholesterol trong máu cao thì cần thay đổi chế độ ăn, tập luyện hay phải dùng thuốc để đưa về chỉ số bình thường. Nếu tất cả các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu này được duy trì ở chỉ số thích hợp thì cơ hội xuất hiện bệnh tim, động mạch vành giảm đáng kể.
Hiện nay, có nhiều phương pháp xử trí khi cơn đau thắt ngực xảy ra như điều trị nội khoa, tái thông động mạch vành hoặc mổ bắc cầu động mạch vành tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể. Đồng thời, sau khi bệnh nhân được điều trị ổn định vẫn dùng thuốc và theo dõi liên tục, tuân thủ một chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp. Tốt nhất để tránh bệnh lý tim và động mạch vành sau này, chúng ta nên phòng ngừa càng sớm càng tốt. Khi có biểu hiện sớm của bệnh, cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Phòng ngừa các bệnh về tim mạch và bảo vệ sức khỏe cần bỏ thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc thụ động, ăn ít chất béo bão hòa, cholesterol và muối. Kiểm soát huyết áp và mức cholesterol trong máu. Tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, tránh những hoạt động phải gắng sức. Học cách thư giãn và kiểm soát sự căng thẳng.