1. Liệu pháp không dùng thuốc giảm đau ở người nhiễm HIV
Các phương pháp giảm đau không cần dùng thuốc bao gồm:
- Các kỹ thuật thư giãn, giảm căng thẳng như mát xa, thiền định, yoga, kéo giãn…
- Vật lý trị liệu, châm cứu hoặc bấm huyệt
- Liệu pháp nhiệt và lạnh
- Hoạt động thể chất thường xuyên
- Liệu pháp hành vi nhận thức...
Nhiều lựa chọn trong số này, chẳng hạn như mát-xa, châm cứu, thiền và tập thể dục… giúp kích thích cơ thể giải phóng endorphin. Endorphin là chất hóa học trong não có tác dụng tương tự như thuốc giảm đau. Mặc dù các liệu pháp này có thể đủ để giảm đau một mình, nhưng chúng thường được sử dụng cùng với thuốc giảm đau.
2. Liệu pháp dùng thuốc giảm đau
2.1 Đối với đau nhẹ và vừa (trung bình)
Đối với những trường hợp đau nhẹ và vừa, có thể dùng các loại thuốc giảm đau thông thường (không opioid), bao gồm:
- Tylenol (acetaminophen)
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen (advil), naproxen (midol) hoặc meloxicam… Chất ức chế COX-2, một loại NSAID ít có khả năng gây ra các vấn đề về dạ dày, ví dụ, celebrex (celecoxib)
- Steroid là hormone tự nhiên hoặc tổng hợp có tác dụng giảm viêm, do đó làm giảm mức độ nghiêm trọng của cơn đau. Ví dụ như prednisone và hydrocortisone...
- Lyrica, một loại thuốc được dùng để điều trị đau thần kinh và cơ.
Thuốc giảm đau không phải opioid có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm tổn thương gan (tylenol), dễ chảy máu (aspirin), đau hoặc tổn thương dạ dày (aspirin và các NSAID khác), các vấn đề về tim (thuốc ức chế COX-2), lượng đường trong máu cao và xương yếu (steroid)...
2.2 Đối với trường hợp đau từ trung bình đến nghiêm trọng
Với những trường hợp đau nhiều, nghiêm trọng cần phải dùng đến các thuốc giảm đau mạnh hơn như nhóm opioid, được dùng theo đơn của bác sĩ.
Các thuốc giảm đau opioid được phân loại theo tốc độ và thời gian tác dụng:
- Thuốc opioid giải phóng tức thời: Có tác dụng nhanh nhưng giảm đau kéo dài trong thời gian ngắn hơn.
- Thuốc opioid giải phóng kéo dài: Mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu có tác dụng nhưng tác dụng giảm đau kéo dài hơn.
Các thuốc giảm đau opioid cũng được phân loại theo độ mạnh:
- Thuốc giảm đau vừa phải (thường được phối hợp với thuốc giảm đau không opioid để tăng tác dụng):
- Thuốc hydrocodone
- Vicodin (hydrocodone phối hợp với acetaminophen)
- Codein
- Tylenol với codeine (acetaminophen phối hợp với codeine)
- Thuốc ultram (tramadol)
- Thuốc giảm đau mạnh:
- Percocet (acetaminophen và oxycodone)
- Morphin
- Duragesic (fentanyl)
- Oxycontin (oxycodone)
- Dilaudid (hydromorphone)
- Methadone hoặc buprenorphine (dành riêng để điều trị cơn đau không đáp ứng với các thuốc giảm đau khác)…
Thuốc giảm đau opioid có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm buồn ngủ, buồn nôn và táo bón. Quá liều có thể làm chậm nhịp thở và tử vong. Thuốc opioid có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc hoặc nghiện thuốc và có thể là vấn đề đối với những người có tiền sử sử dụng chất gây nghiện. Không khuyến cáo dùng nhóm thuốc này để điều trị đau mạn tính và thường chỉ được sử dụng để giảm đau trong thời gian ngắn (dưới một tuần).
3. Liệu pháp tại chỗ
Đây là những loại thuốc được tiêm tại chỗ (dạng tiêm) hoặc bôi lên da xung quanh vùng bị đau (dạng dùng ngoài). Ví dụ, thuốc gây tê tại chỗ xylocaine (lidocaine, có dạng miếng dán hoặc kem), voltaren (NSAID tại chỗ), menthol và capsaicin, có nguồn gốc từ ớt. Steroid cũng có thể được tiêm vào các khớp bị đau (cần thực hiện bởi bác sĩ tại cơ sở y tế).
4. Các liệu pháp giảm đau khác
Có một số loại thuốc được kê đơn cho mục đích khác cũng có tác dụng giảm đau:
- Thuốc chống trầm cảm: Có thể làm giảm đau thần kinh như bệnh thần kinh ngoại biên như nortriptyline, amitriptyline, duloxetine…
- Thuốc chống co giật: Được sử dụng để điều trị co giật nhưng cũng có thể giúp điều trị bệnh thần kinh ngoại biên và đau do herpes, như neurontin (gabapentin), tegretol (carbamazepine), topomax (topiramate) và trileptal (oxcarbazepine)…
Lưu ý, khi bắt đầu dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị đau, người bệnh cần tự theo dõi xem liệu phương pháp điều trị có hiệu quả hay không. Đôi khi thuốc giảm đau có thể ngừng tác dụng theo thời gian.
5. Phải làm gì nếu người nhiễm HIV bị đau?
Khi bạn cảm thấy đau, điều quan trọng là phải biết cách ứng phó và giảm đau an toàn:
- Không được bỏ qua cơn đau: Cơn đau là cách cơ thể cho biết có điều gì đó không ổn. Việc bỏ qua cơn đau thường khiến tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ hơn, có thể gây ra nhiều tổn thương hơn về lâu dài.
- Đánh giá cơn đau: Khi cơn đau xuất hiện, nếu không tự biết cách đánh giá cơn đau cần liên hệ với bác sĩ hoặc đi khám để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất.
- Dùng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ: Thuốc giảm đau có hiệu quả tốt nhất nếu dùng ngay khi có dấu hiệu đau đầu tiên. Đợi đến khi cơn đau trở nên rất tệ mới dùng thuốc giảm đau hoặc "chịu đựng" có thể sẽ giảm hiệu quả.
- Đối với các thuốc giảm đau kê đơn opioid, cần dùng đúng cách, không lạm dụng, vì dùng không đúng cách có thể nguy hiểm (gây phụ thuộc, nghiện thuốc, liều cao có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Trong trường hợp xấu nhất, sử dụng opioid không đúng cách có thể gây tử vong).
Đau là tình trạng phổ biến ở những người sống chung với HIV. Tuy nhiên, có thể kiểm soát bằng nhiều phương pháp khác nhau. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị HIV của mình nếu bạn bị đau. Bác sĩ có thể làm việc với bạn để tìm ra nguyên nhân, kiểm soát cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn tốt hơn.